Tâm nguyện và khát vọng

Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho quê hương một tình cảm vô cùng đặc biệt. Dẫu ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào, quê hương luôn tha thiết, canh cánh và đau đáu trong tim Bác. Tính từ năm 1930, ngoài hai lần trở lại thăm quê và nói chuyện với đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 9 bài báo, 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, 1 lời đề tựa nói đến quê hương Nghệ An.

Trong bức thư cuối cùng trước khi đi xa Bác gửi cho quê hương, ở đoạn cuối cùng Người viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

“Nghệ An trở thành tỉnh khá” là tâm nguyện của Bác Hồ, cũng là khát vọng của nhân dân cả nước.

Trước khi ngồi vào bàn viết bài này, tôi có lên mạng search cụm từ khóa “Nghệ An trở thành tỉnh khá” thì nhận được 1.246.620 kết quả. Trong đó có cả những phát biểu của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia cách đây nhiều năm. Điều đó ít nhiều nói lên rằng, cái danh hiệu “tỉnh khá” đã từng là một khát khao và bây giờ vẫn đang là một khát khao. Hôm nay chúng ta ở đây là để bàn về cái mà các thế hệ trước chúng ta đã từng bàn không dưới một lần. Cũng cần phải nói thêm trong bức thư cuối cùng gửi cho quê nhà, Bác không chỉ dùng chữ “khá” thông thường, không phải “khá” thứ hai hay thứ ba mà là “khá nhất”.

Theo cách hiểu thông dụng thì “khá” nằm trên mức trung bình, còn “khá nhất” chắc lại phải cao hơn một cấp độ nữa. Như vậy khi Bác nói “Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc” có lẽ là Bác đang muốn tỉnh nhà nằm trong tốp đầu.

Trước hết xin được đặt câu hỏi: Nghệ An đang ở vị trí nào trên bản đồ kinh tế xã hội miền Bắc? Công bằng mà nói, những thập kỷ gần đây Nghệ An đã có những bước tiến dài trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm 2006 – 2010 đạt 9,75%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2015 đạt 7,89%. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2018 tương đương 8%/năm. Riêng năm 2019 (cũng là năm cao nhất) GRDP tăng trưởng đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 43,08 triệu đồng. Như vậy trong vòng 15 năm lại nay kinh tế Nghệ An liên tục tăng trưởng khá, cao hơn mức trung bình cả nước. Đặc biệt cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 77,62% năm 2018 lên 78,64% năm 2019; tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 22,38% năm 2018 xuống còn 21,36% năm 2019.

Bên cạnh kinh tế thì trên tất cả các lĩnh vực đều thể hiện hết sức khả quan. Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh quốc phòng được giữ vững. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ…  Theo báo cáo thì 27/27 chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã vươn lên đứng thứ 19 cả nước. Rõ ràng đó là những điểm sáng tích cực cho bức tranh kinh tế xã hội tỉnh nhà. Chỉ tiếc duy nhất một điều: Nghệ An vẫn chưa trở thành tỉnh khá.

Tuy nhiên không nên đánh giá sự tăng trưởng lạc quan của mình trong một trạng thái tĩnh. Nghĩa là đừng chỉ so sánh chúng ta với chính chúng ta mà quên mất rằng, trong lúc chúng ta lớn lên thì các địa phương khác cũng trưởng thành. Chúng ta so sánh trục dọc mà quên mất trục ngang. Thử một chút so sánh nhỏ: Theo như báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh tại phiên làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 4/3/2020, thì năm 2019 Hà Tĩnh tăng trưởng gần 11%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ. Còn theo báo cáo được trình bày tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa, năm 2019 tỉnh này có tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt tới 17,15%. Như vậy xét về tăng trưởng thì rõ ràng hai người hàng xóm của chúng ta cao hơn. Đấy là chưa so sánh với tốp đầu “khá nhất” thì còn là một khoảng cách khá xa trong lúc tỉnh bạn cũng không dừng lại “chờ”.

Từ vài phép so sánh đơn giản trên đây cũng đủ cho chúng ta khẳng định, để Nghệ An trở thành tỉnh khá, nhất thiết phải bứt tốc. Chúng ta vẫn thường nghe: “Con người xứ Nghệ thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó. Nghệ An có cảng biển, ga tàu, sân bay, bãi tắm, có cả di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng…”. Đó là cách chúng ta lâu nay nhìn về lợi thế. Lợi thế vô cùng quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Lợi thế không phải con đường phẳng phiu để đi đến thành công. Chúng ta biết 70% lãnh thổ đất nước Israel là sa mạc, nhưng cũng 70% lượng nước sử dụng của đất nước này là đến từ nguồn tái chế. Nền nông nghiệp diệu kỳ của đất nước diệu kỳ Israel chống lại mọi lý thuyết về lợi thế. Tất nhiên rồi, chúng ta không phải là Israel bởi vì chúng ta có nhiều lợi thế hơn họ.

Tôi đã từng đọc đâu đó các văn bản nói về những tồn tại hạn chế, đại ý: “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng còn chậm, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, chưa theo kịp sự biến động nhanh của thị trường trong và ngoài nước; nhiều tiềm năng chưa được khai thác tốt…” và nhiều tồn tại khác đã được các cấp lãnh đạo chỉ ra. Chúng ta gọi tên các nhược điểm, nhưng phải chăng chưa đủ mãnh liệt khắc phục nó? Một cuộc bứt phá ra khỏi cái tư duy “năm sau cao hơn năm trước” hình như vẫn đâu đó bên ngoài những giải pháp căn cơ.

Đã hơn 50 năm Bác đi xa, tâm nguyện cuối cùng của Người vẫn còn nguyên vẹn đó. Nghệ An có nhiều lợi thế, nhưng giá trị nhất vẫn là tố chất con người. Sống dậy tiềm năng, hồi sinh sức mạnh, đổi mới giải pháp, trọng dụng nhân tài…

Nghệ An đang bắt đầu thay đổi, những nhịp tăng trưởng tích cực đã hình thành, một luồng sinh khí mới đã được tạo dựng. Bộ máy lãnh đạo trẻ trung đầy nhiệt huyết đang được nhân dân đặt nhiều kỳ vọng lớn. Hãy thổi vào mỗi một người dân xứ Nghệ tinh thần bứt tốc để tăng trưởng. Nếu quyết tâm chúng ta sẽ làm được, chúng ta sẽ đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá nhất. Đó không chỉ là tâm nguyện của Bác Hồ mà còn là khát vọng của mỗi một chúng ta.