Một người bạn tôi, người gầy guộc xương mai. Trong hai năm liền kề lần lượt mất cả bố lẫn mẹ. Bạn ít khi chia sẻ về gia đình riêng nhưng những câu thơ bạn viết luôn gợi lên nhiều buồn đau, lẻ loi trong từng ngày. Và hôm nay, khi nhìn thấy bạn chia sẻ khoảnh khắc bình yên đốt lửa hồng ngày Đông, môi bạn cười nhẹ, lòng bỗng cảm giác vui vui khi thấy chút ấm áp đã về lại trong nụ cười bạn.
Bếp lửa hồng bạn nhen lên cùng một người bạn, trong giá lạnh 7 độ vùng cao phía Bắc, không chỉ để xua bớt giá rét mùa Đông, còn là cái cớ để gợi mở về buồn vui đã qua. Sẻ chia niềm vui để thấy những bước đường của mình thêm nhẹ nhàng, ý nghĩa; Chia sớt nỗi buồn để được có người lắng nghe, đồng cảm. Bếp lửa hồng bên bạn, như người thứ ba vô hình mà gần gũi cạnh bên, cũng âm thầm lắng nghe, âm thầm đồng cảm.
Tôi nhớ bếp lửa hồng với mùi cám ngô bà đun cho đàn lợn, mùi vỏ trấu cháy bà đun mang cả hương đồng gió nội về, thơm cả góc bếp. Thi thoảng, bà lại lùi củ khoai, bắp ngô nướng vào trong phần tro cời ra bên cạnh bếp để dành cho đứa cháu nhỏ hay dậy muộn. Giấc ngủ của đứa cháu có khi được đánh thức bởi hương khoai nướng, ngô nướng thơm lừng từ góc bếp bốc lên. Nhớ bếp lửa than tổ ong bố nhen lên đều đều mỗi sáng. Từ mùi nhựa ấm nồng còn sót lại từ thanh củi thông bố chẻ để nhen mồi cho than tổ ong. Bao giờ bố cũng đun ấm nước lên đầu tiên để con gái có nước rửa mặt, bố pha trà, và quan trọng vẫn là thử chất lượng mẻ than mới chở về (nhà tôi bán than tổ ong trong khu xóm). Vì thế mà, với cả Lý và tôi, chỉ là bếp lửa hồng, tiếng nước sôi thôi cũng nhắc nhớ cả những ngày ấu thơ ấm cúng, bình yên trong đó.
* * * * *
Bạn có thấy buồn cười không khi tôi nói nhớ về những bếp lửa hồng ở góc chợ thơm phưng phức mùi cá nướng, mực nướng. Mùi hải sản nướng thơm phức, ấm sực, chẳng còn chút hanh hao muối mặn của biển mà cứ thế, hồn nhiên bay là đà qua cánh mũi, để có khi người đi chợ phải nuốt ực nơi cuống họng.
Nơi tôi ở hiện nay, hiếm khi có cá, mực nướng để ăn. Chủ yếu vẫn là hải sản cấp đông. Mùi vị chẳng còn. Vì thế, mùi hải sản nướng ở một góc chợ có bếp lửa nhen lên vẫn có một sức hấp dẫn đối với tôi, cũng như nhiều đứa con xứ Nghệ xa quê khác. Cô bạn làm ở ngân hàng khoe, hai tháng một lần mẹ lại đóng thùng cá nướng gửi vô cho ăn. Ăn ngon lắm nhưng thi thoảng vẫn nhắm mắt hình dung và thèm thuồng mùi cá nướng bay lên quyện bện với sương trong những buổi chợ chiều mùa Đông nắm tay mẹ ra chợ. Hàng cá nướng luôn là chỗ cô bé thích đứng lại lâu nhất, chăm chú nhìn bác hàng cá nhanh tay lật dở từng miếng, khói mang theo hương cá biển lừng thơm. Hơi ấm tỏa ra từ bếp nướng xua bớt không khí lạnh lẽo của ngày Đông về.
Thực tình thì mùi một bếp than hồng nướng cá thơm phức, khói bếp quyện với hơi nước từ những lát cá thu, cá ngừ trắng phau bay chờn vờn trong sương chiều nào chỉ có mỗi mùa Đông. Chợ Vinh, chợ Ga, chợ Quang Trung… bán cá nướng quanh năm, những bếp than ấy cũng đỏ hồng quanh năm. Mà tôi, đứa con ở phía không quê đã lâu vẫn hoài nhớ vào mỗi mùa Đông lạnh.
Nhắc những bếp than hồng mùa Đông hẳn nhiên sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới anh bán bánh bao, cô bán bánh ngào, đậu hũ (tào phớ) vẫn chở theo cả bếp than hồng rong ruổi trên những con phố nhỏ. Những chiếc bếp than mi ni cháy tí tách, đỏ rừng rực ấm cúng xua tan những rét mướt. Không ít người xứ Nghệ vẫn giữ thói quen ăn sáng bằng bánh bao – phải là thứ bánh bao vỏ mềm xốp, thơm phức, có nhân mộc nhĩ, chút thịt bằm, chút miến ngâm, kèm theo quả trứng cút bé xíu bên trong, vì thương mến hơi ấm tỏa lan từ bếp than di động ấy.
Và rồi, những mùa Đông nối nhau đi qua. Những bếp lửa hồng vẫn giữ mãi ấm cúng, từ sự sẻ chia bé nhỏ của những người thương yêu, từ những điều bình dị trên phố mùa Đông đã gặp. Dù là một bếp lửa trong thơ: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/ Cháu thương bà biết mấy nắng mưa…”. (Bếp lửa – Bằng Việt).
Ảnh minh họa: Tư liệu
Lâm Thị Giang
Ký ức của mình về một bếp lửa cùng nồi khoai thật to chuẩn bị cho mấy anh chị em ăn đi học, mùi sắn rang thơm phức. Bếp lửa hằn lên má ửng hồng với làn môi khô, rạn nứt….Ôi, một thời nghèo đói, cái bếp lửa như hiện thân của nền văn minh, của sự ấm áp, của sức sống dâng trào, không bao giờ lụi tắt