Những ngày báo ân

Tháng Bảy âm lịch đến với mùa báo ân như một nét đẹp truyền thống của phần lớn những người theo Phật giáo. Mùa rộn ràng đánh thức những người con vọng cầu bình an cho đấng sinh thành bằng cách ăn chay. Mùa nhắc nhớ những đứa con cài bông hồng thắm khi vẫn còn cha mẹ, cài đóa hoa trắng tưởng niệm anh linh người đã về miền thong dong cực lạc.

Sớm mới vừa vào công ty đã nghe mấy người bạn đồng nghiệp trò chuyện về các quán ăn chay, về cách làm những món ăn quen thuộc từ rau củ của mấy bà má ở nhà. Đứa rủ rê chiều tan ca về chùa lễ Phật để cài hoa. Hoa hồng cho đủ đầy cha mẹ, hoa vàng cho người còn người mất, hoa trắng cho những ai đã mất cả song thân. Mấy câu chuyện kể về cha mẹ lại được dịp râm ran. Mấy cái chuyện xưa xa cũ càng đem ra nhắc rồi ngẫm. Cũng có mấy đứa đã lập gia đình, có con cái bắt đầu thấm thía cái lo âu, nhọc lòng, cái hy sinh, chắt chiu vì con. Chuyện lòng vòng một đỗi đám trẻ đồng nghiệp nhìn nhau chốt hạ một câu: báo hiếu đâu chỉ một mùa.

Báo hiếu đâu chỉ là một mùa, một ngày hay một thời khắc nào đó trong năm trong tháng. Cha mẹ sinh thành dưỡng dục cho đến một ngày khi những đứa con đủ đầy nhận thức, soải cánh chim bằng bươn bả vào đời với cuộc mưu sinh, biết nhìn, biết nghĩ; biết đá vàng, biết rêu phong; biết thời gian quay cuồng nghiệt ngã, thì cũng là lúc thời gian bạc thếch lên mái đầu đượm màu sương gió. Thời gian in hằn những vết chim di trên gương mặt cha mẹ. Chừng bất giác thấy mùa báo ân mới khắc khoải lòng mình. Mới nhìn ngó nhau, bảo nhau chữ hiếu nặng đến nhường nào!

Thời gian của người trẻ có thể là những dặm dài muôn vạn nẻo đường, nhưng thời gian cả cha mẹ mình thì muôn phương chỉ dồn về một hướng. Hướng về những đứa con. Những đứa trẻ háo hức với bao cuộc vui bạn bè, bao lần về nhà muộn, bao chuyến đi xa khám phá, bao mối quan hệ nắm níu. Kì thực, cứ đinh ninh lòng mình là vậy và đôi ba lần thoái thác những cuộc sum vầy gia đình; bao lần cắc cớ cáu gắt khi cha mẹ hỏi han hoài một chuyện; bao lần trở về muộn mằn say khướt chẳng biết cha mẹ trông ngóng đêm khuya chẳng ngủ…

Chữ hiếu chỉ một từ mà nghĩa thì bao hàm rộng lớn. Với những người làm cha làm mẹ, đôi khi niềm vui, thành đạt, hoặc yên ấm đủ đầy, hay chỉ giản đơn là con bình an trở về sau một ngày bươn chải ngoài đường sá đó đã là hạnh phúc. Hạnh phúc người già đôi lúc chỉ tính theo ngày, theo giờ, bởi đâu ai biết khi nào lá tàn rụng, có khi chỉ cần một cơn gió thoảng. Vậy nên chữ hiếu vẹn trọn đâu phải là ăn chay, cũng chẳng đợi đến ngày cài hoa, chữ hiếu là những hành động hằng ngày để cha mẹ biết rằng niềm thương yêu con cái được đáp đền một cách xứng đáng.

Thoảng khi người trẻ vẫn đem chữ hiếu lên mạng xã hội bằng những bức hình du lịch sang chảnh, bằng những bữa ăn nhà hàng sang trọng, bằng những món quà giá trị với cha mẹ. Hồ hởi cho rằng đó đã là sự thiết thực của bổn phận con cái. Chữ hiếu bỗng chốc thu về trăm ngàn lượt thích, muôn vàn câu chia sẻ. Tiếc rằng thời đại công nghệ như một trò chơi đầy kích thích để người trẻ sa vào một cuộc tìm kiếm ảo vọng và háo danh. Chữ hiếu đôi khi bình dị lắm! Đó có khi chỉ là bữa cơm đủ đầy con cái với những món ăn quen thuộc trong ngôi nhà cũ mà khiến cha mẹ ấm lòng. Đó có thể là những hành động pha ly cà phê sáng cho cha, mua chiếc áo cho mẹ, kiếm tờ báo sáng cho cha, tìm cuốn sách cho mẹ. Hoặc có thể về ngồi bên hiên nhà nghe cha mẹ kể những câu chuyện xưa của cha mẹ, của mấy đứa con. Nghe cha mẹ than khổ kể nghèo của những năm hồi đó. Rồi thấy cha mẹ cười với sự trưởng thành của chúng ta hôm nay. Người già sống bằng ký ức. Thứ ký ức dẫu buồn dẫu vui nhưng đã là máu thịt trong họ. Thứ ký ức đó mới chính là những điều chúng ta nhớ mãi rồi một ngày những cụm mây trắng ấy bay về trời.

Tháng Bảy âm lịch với những ngày ăn chay, với những đóa hoa cài áo, nhưng đâu cần phải đợi tháng báo ân, chúng ta cứ thử bắt đầu bằng những ngày về ngồi cùng cha mẹ, thấy trong lời nói, tìm trong nụ cười những an lành hiện hữu ánh lên đôi mắt cha mẹ, đó đã là những ngày hiếu đạo được báo ân trọn vẹn nhất.

Bài: Tống Phước Bảo
Ảnh minh họa: Tư liệu