Mạng xã hội và những cái chết không đổ máu

MẠNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG CÁI CHẾT KHÔNG ĐỔ MÁU

Khủng hoảng truyền thông luôn là ác mộng với các nhà kinh doanh, đặc biệt là trong thời đại mà một sự việc nhỏ như con muỗi cũng dễ dàng được các phương tiện thông tin đại chúng phóng đại lên thành con voi.

Mới đây, một resort cao cấp ở Phan Thiết đã “ăn” số gạch đá đủ để xây thêm vài cơ sở nữa sau khi bị một youtuber có tiếng quay clip review thái độ phục vụ tệ hại và ý định lừa đảo chặt chém khách của nhân viên lễ tân. Ngay lập tức, fan của youtuber này đồng loạt tìm page của resort và bình chọn chất lượng 1 sao, khiến resort này điêu đứng và phải đóng page trước “cơn mưa sao băng”. Trong trường hợp này, có lẽ phải gọi là cơn bão sao chổi thì may ra mới đủ để mô tả mức độ thiệt hại.

Nhưng chuyện không chỉ dừng lại ở đó, sau khi resort này “mai danh ẩn tích” trên mạng xã hội, lực lượng bàn phím dường như không còn chỗ để phát tiết nên chuyển sang tấn công tất cả những khách sạn, resort trùng tên hoặc có tên gọi na ná. Thậm chí, một khách sạn trùng tên nhưng ở tận bên…Nhật Bản cũng dính “đạn” oan khi bị hàng loạt cư dân mạng Việt Nam vào bình chọn chất lượng 1 sao. Trở trêu hơn cả là một trung tâm dạy tiếng Anh tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đang kêu trời vì bị “tấn công” chỉ vì trùng tên với resort trong vụ việc. Không biết làn sóng phẫn nộ của các anh hùng bàn phím sẽ còn cuốn họ trôi xa đến đâu khi mà một youtuber khác sau khi đưa ra quan điểm cá nhân về vụ việc này cũng bị cho vào tầm ngắm. Xin chia buồn với anh và chuỗi cửa hàng bánh mì của anh, dù chưa ai review nhưng vẫn bị bình chọn 1 sao như thường…

Phân tích từ góc độ truyền thông thì vụ việc này là một trường hợp điển hình về hành vi của đám đông trong môi trường truyền thông số. Được cổ vũ bởi cái gọi là “cộng đồng mạng”, được trấn an bởi khả năng che giấu danh tính thật đằng sau màn hình máy tính hay điện thoại, người dùng mạng có xu hướng phản ứng mạnh hơn, nhanh hơn và đôi khi cực đoan hơn với những tin tức, hiện tượng xã hội. Động lực của họ có thể đậm chất cảm tính theo kiểu ủng hộ quan điểm hay mô phỏng hành vi của người mà họ ngưỡng mộ. Đây là trường hợp của những fan hâm mộ và chính tâm lý này làm nên sức ảnh hưởng của người nổi tiếng – những Influencer, những KOL. Nhưng động lực của đám đông cũng có thể xuất phát từ khao khát đại diện và thực thi công lý. Những bộ phim điện ảnh về hình tượng siêu anh hùng cộng hưởng với sự bất mãn trước những bất cập xã hội đã gieo vào đám đông mầm mống hy vọng về một siêu anh hùng thực sự. Thật tình cờ là mạng xã hội lại trao cho họ quyền năng trở thành anh hùng. Hay ít ra là họ nghĩ vậy.

Vấn đề là, ai sẽ đóng vai phản diện khi mà tất cả đều chọn cho mình vai anh hùng? Khao khát được thể hiện bản thân, được mọi người lắng nghe và ghi nhận khiến các anh hùng bàn phím trở thành những quả bom chỉ chờ một cái cớ để bùng nổ. Họ cần một người chồng tệ bạc để công kích, cần một con điếm phá hoại gia đình người khác để khinh miệt, cần một ông già ấu dâm để ghê tởm, cần một đàn chó cắn chết người để giết hàng trăm nghìn lần bằng tất cả những cách thức khủng khiếp mà trí tưởng tượng của họ có thể nghĩ ra. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc sống lại đáng sợ và xấu xí như cách mà người ta nói về nó trên mạng xã hội. Để rồi khi tắt màn hình máy tính và bước ra khỏi cửa, tôi ngạc nhiên thấy mình vẫn chưa chết sau một hơi thở hay một bước chân.

Dĩ nhiên, cuộc sống không lung linh như những bức hình selfie trên mạng. Nhưng đừng để cơn say máu cuốn ta đi quá xa trong cuộc chiến không đổ máu của mạng xã hội. Không đổ máu không có nghĩa là không đau.