Cứ mỗi mùa thi qua, tôi thấy thương thật sự cho các em học sinh ở nước mình.
Báo chí truyền thông rồi mạng xã hội rộn ràng đưa tin em này đậu thủ khoa, cả lớp em kia đậu trường xịn, kiếm bao nhiêu học bổng nước ngoài; con tôi đậu bao nhiêu điểm cũng thành chủ đề hot trên bàn nhậu của các ông bố và hội thể dục buổi sáng của các bà mẹ.
Ở một mặt khác, vài em bỏ đi – gia đình nháo nhác đi tìm, và có rất nhiều trường hợp dù có hối hận đến mấy, bố mẹ cũng không bao giờ “tìm lại” lại được những đứa con “dại dột” của mình.
Chúng ta hay vội vã trách tụi nhỏ “dại dột”, nhưng đã bao giờ chúng ta bình tĩnh mà nhìn nhận một cách công bằng để thấy rằng sự dại dột lớn nhất thực ra lại đến từ thế giới người lớn?
Nếu cháu A đạt dăm ba học bổng, thi đỗ 4 – 5 trường top… thật tốt quá, mừng cho những nỗ lực của cháu và gia đình; nhưng cái đó chỉ nên giới hạn ở niềm vui của một gia đình, và mọi thứ đều nên vừa đủ. Với sự phóng đại không cần thiết những niềm vui nhỏ lên quá mức thì chính niềm vui của gia đình này lại gieo mầm mống khổ đau cho nhiều gia đình khác. Cái vòng luẩn quẩn ấy mãi không dứt, mùa thi này nối mùa thi kia.
Ở các quốc gia khác, bạn thử tra Google đi, xem có bao nhiêu bài báo nói về việc một thí sinh nào đó đậu điểm bao nhiêu điểm, thủ khoa trường nào? Cái công thức “con nhà người ta” nó đã làm tổn thương biết bao nhiêu thế hệ học sinh và làm cho xã hội này mệt mỏi lắm rồi. Phụ huynh luôn ồn ào vì bức xúc với những cải cách quanh năm của ngành Giáo dục, nhưng tôi nghĩ, ở Việt Nam, thứ cần cải cách nhất lại chính là tư duy của số đông phụ huynh.
Ừ, thất bại thì đã làm sao?
Một kỳ thi nói lên được gì cho cuộc đời lớn rộng của một con người?
Con người ta học để sống một đời hạnh phúc, hay phải từ bỏ một đời sống bình thường, hạnh phúc chỉ để học và làm con nợ của những kỳ thi?
Tôi thật biết ơn cha mình khi ông đã cho tôi một câu trả lời rất nhân từ và rộng lượng với thắc mắc của tôi ở buổi đầu đời:
“Bố, nếu sau này lỡ con không thành đạt thì sao?
“Thì không sao cả, miễn là sống một cuộc đời tử tế và hạnh phúc là được con ạ. Thế giới này chỉ có một số ít người xuất chúng, còn phần đông là những người bình thường, họ vẫn đang sống tốt đấy thôi”. Và từ đó, tôi cởi bỏ được mọi sức ép, tôi học cho chính mình, và vừa sức mình, theo đuổi ước mơ và con đường của riêng mình. Trên con đường ấy, bố và người mẹ quá cố của tôi chỉ là những khán giả khiêm nhường đứng từ xa, vẫy tay động viên, và chỉ thế thôi.
Lỗi không phải từ những kỳ thi, mà là cách chúng ta nhìn nhận và cách nghĩ có phần sai lệch về những kỳ thi là nguồn cơn cho đau khổ của tụi nhỏ và cho bao gia đình.
Hãy ứng xử những kỳ thi theo một cách tự nhiên và bình thường nhất; nó đơn giản như chuyện trồng cái cây trong vườn, nó sẽ ra hoa và ra trái, không mùa này thì mùa sau. Đừng vì giận dữ vì cái cây nhà mình nó chưa ra bông giữa một rừng bông mà hắt hủi, buông lời trách móc. Một chiếc cây non, còn chưa qua giông bão cuộc đời, giây phút ấy, hơn bao giờ hết cần được cảm thông và lắng nghe, từ chính gia đình mình và không bao giờ nên bị đem ra làm đối tượng so sánh.
Ở trường đại học nơi tôi đang giảng dạy, có một chương trình rất nhân văn mà tôi thực sự rất thích, có tên là “Hồ sen chờ ai” do một nhóm các thầy cô giáo trẻ thực hiện, phi lợi nhuận. Bất kể là các bạn sinh viên đang có vấn đề gì, khó nói… sẽ vẫn luôn có “Hồ sen” là các thầy cô ở đó lắng nghe và đưa ra những lời khuyên (nếu có thể). Chỉ riêng cái sự lắng nghe đó thôi đã là quá đủ, bởi các em sẽ biết rằng ngay cả những lúc bế tắc nhất sẽ vẫn luôn tìm thấy một “Pinkie” cho riêng mình (Pinkie là tên của một cây cam ngọt trong truyện “Cây cam ngọt của tôi” – người bạn thân chứa đựng mọi tâm sự của chú bé Zeze. Pinkie không làm gì hết, nó chỉ lắng nghe). Khổ đau, muộn phiền khi được nhận diện và lắng nghe thì tức là đã được giải quyết phần lớn.
Liệu chúng ta có đang dạy sai cho các con về “Hạnh phúc”? Phần lớn mọi người đều nghĩ hạnh phúc là “Có”: có nhà, có xe, có vợ đẹp con khôn, có một chỗ làm ngon, có một slot trong trường xịn… mà ít người nghĩ rằng hạnh phúc có khi lại là “Không”: không bệnh tật, không phiền não, không áp lực, không mất tự do, không phải dốc sức chạy đua trong những cuộc đua vô bổ đeo đuổi những kỳ vọng… Bài viết này cho ai, cho những đứa trẻ bị bỏ quên mỗi mùa thi, hay cho những người lớn vì lạc giữa rừng kỳ vọng mà quên mất nẻo về của ý?
Hãy để dành cho thế hệ tương lai của chúng ta sự cảm thông ấm áp của những người lớn hạnh phúc và bao dung.
Bài: Hoàng Huy
Ảnh minh họa: Tư liệu