Đồ mất dạy

ĐỒ MẤT DẠY

Trong các cách miệt thị một người thì cụm từ “đồ mất dạy” thật ra nặng nề hơn chúng ta tưởng. Khách quan mà nói, “đồ mất dạy” không tục tĩu bằng nhiều câu chửi khác, nhưng “lợi hại” ở chỗ nó là một mũi tên trúng hai con chim. Nói một người “mất dạy” nghĩa là nói người đó là kết quả của một sự giáo dục tệ hại, cũng là giáng một cái tát vào mặt bố mẹ người ta. Công phu “chửi” lợi hại ở chỗ đó chứ mấy ngôn từ tục tĩu có khi tưởng chửi người mà hoá ra tự bôi xấu mình.

Một cách rất hay được sử dụng để đánh giá, nhận xét một người, đó là dựa trên hình bóng phản chiếu của họ trên những người thân cận, hay cách họ đối xử với những người thân cận. Ví dụ tôi đi ra đường và nhìn thấy một đứa trẻ hư, sự phán xét của tôi sẽ hướng về bố mẹ nó nhiều hơn là bản thân đứa trẻ đó. Tương tự với điều ngược lại. Nắm được tâm lý này của các ông bố bà mẹ, nhiều đứa trẻ “tai quái” tranh thủ những chỗ đông người để vòi vĩnh bố mẹ mua một món đồ chơi, một thức đồ ăn hay thậm chí là đạt được “thỏa thuận” nào đó. Tất cả chỉ vì tâm lý xấu hổ, sợ bị phán xét của các ông bố bà mẹ khi con làm gì không thỏa đáng ở chỗ đông người.

Thật ra, đó là một tư duy dạy con sai lầm và nông cạn. Dạy con đúng đắn là phải phân định rõ giữa đúng và sai, có và không. Một hành vi sai trái ở nơi công cộng không thể trở nên đúng đắn khi bối cảnh của nó là ở nhà. Nhận thức về đúng và sai của trẻ (và của bố mẹ) phải có tính nhất quán và lập trường cá nhân, thay vì phụ thuộc vào số lượng người đang có mặt ở đó. Tôi từng chứng kiến những đứa trẻ vòi vĩnh điện thoại hay đồ dùng cá nhân của người lạ ở nơi công cộng và bố mẹ chúng bất lực trong việc kiểm soát cơn mè nheo của con. Điều đó chứng tỏ trò mè nheo vòi vĩnh này đã trở thành một thói quen được bố mẹ chấp thuận ở nhà và đứa trẻ chỉ đơn giản là làm theo thói quen của nó. Có những ông bố bà mẹ sẽ vô cùng xấu hổ mà xin lỗi người bị làm phiền rồi đưa con ra chỗ khác, nhưng cũng có những ông bố bà mẹ sẽ “mặt dày” yêu cầu người bị làm phiền nhượng bộ yêu cầu của đứa trẻ. Có người đồng ý, có người không. Có những chiếc điện thoại đắt tiền bị ném vỡ. Lỗi của ai? Của đứa trẻ? Của bố mẹ nó? Hay của những người cực chẳng đã tiếp tay cho một cuộc giáo dục sai lầm?

Rõ ràng, người Việt Nam chúng ta vô cùng quan tâm đến việc giáo dục con cái bởi như tôi đã nói ở trên, con cái là thước đo, là cái gương phản chiếu hình bóng của chúng ta trong mắt người đời. Nhưng cũng chính cái tư tưởng đó khiến chúng ta vô tình giáo dục con cái theo cách sai lầm và lệch lạc. Chúng ta dạy chúng trưng bày bộ mặt đạo đức ở nơi công cộng và nhận định đúng sai dựa trên miệng lưỡi thiên hạ thay vì giáo dục chúng thành người tử tế mà không cần vì ai, hay vì lý do ngoại cảnh gì tác động. Sự tử tế đó phải nhất quán mọi lúc, mọi nơi, với tất cả mọi người không phân biệt sang hèn thân sơ.

Suy cho cùng, những người không cảm thấy quá phẫn nộ khi bị người khác chửi “đồ mất dạy” như các cụm từ tục tĩu khác, là vì người ta không được dạy thật hay là sao?