Nếu bạn chạy cùng với những con sói…

Tôi biết đến văn hóa “mix business with pleasure” – kết hợp kinh doanh với niềm vui, mà chính xác niềm vui ở đây là bia, rượu khi còn sống ở Nhật, mỗi buổi tối, tôi thấy một đám người làm kinh doanh, đeo cà vạt, xỉn quắc cần câu bước ra từ quán karaoke, nhà hàng, hay một nơi có bán rượu ở trung tâm thành phố Kanazawa.

Ở Việt Nam cũng không khác lắm. Mọi người sẽ đi uống bia với khách hàng, hay sếp sẽ tổ chức uống bia với nhân viên để thu nhỏ khoảng cách, gần gũi với họ hơn, cải thiện mối quan hệ.

Mà tôi nghĩ nếu họ càng tập trung uống bia, “mix bussiness with pleasure” nhiều quá, sức khỏe yếu đi, bụng bia to, sự thông minh sẽ giảm sút, mất khả năng đồng cảm với mọi người.

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều phong cách quản lý, làm “lãnh đạo”. Một trong số phong cách quản lý được nhiều người ngưỡng mộ đơn giản vì những ông chủ này giàu có, dành nhiều thời gian vào các trò tiêu khiển theo chủ nghĩa khoái lạc như: nhậu, vui chơi, tiêu tiền vào những chiếc xe đắt tiền, những biệt thự lớn, vây quanh là các chân dài và các đồ chơi đắt tiền. Những kiểu lãnh đạo này không truyền cảm hứng cho tôi, và trong quá khứ, khi có cơ hội bước chân lên con đường hoa hồng này, tôi đã quay đi bước đi vì cảm thấy có cái gì đó không đúng.

Đúng vậy, tôi thích một cách khác. Nhưng kiểu này lại được cho là khó khăn.

Tôi hỏi bạn của tôi liệu Việt Nam có ngày “track & field” không, một ngày gần mùa hè, khi học sinh buộc phải tham gia một số loại thể thao có trong danh sách Olympic. Với tôi nó khá là vui, như chơi game vậy, nhưng vì bị ép tham gia nên một số học sinh không thích lắm.

Trong các môn, có 3 loại chạy đua mà tôi thích nhất. Chạy đua 100 mét. Mình phải chạy hết sức có thể, sử dụng toàn bộ năng lượng, ý chí để chạy về đích. Khi chạy đến tầm 60m, 70m, 80m, não thiếu oxy, thở hết nổi rồi, cả người mình đau nhức, nhưng bạn vẫn còn đủ sức để cố vì vạch đích 100m đã ở ngay trước mắt, bạn tự trấn an: “Không phải chịu khổ lâu nữa đâu”.

Còn kiểu chạy đua 10 km thì khác. Đây là một cuộc thử thách sức bền và sức chịu đựng. Mình phải chạy rất lâu, nên nếu có thể giữ cho tâm trí của mình yên tĩnh, chọn được một tốc độ chạy đủ nhanh nhưng vẫn đủ thoải mái để thở nhịp nhàng mà không mất sức, thì ta sẽ về đích với kết quả tốt.

Cuộc chạy đua 5 km là kiểu mà tôi thích nhất. Nó không dài như 10 km nên mình không kịp tìm nhịp thở đều đặn được. Nó cũng không ngắn như 100m, các cơn đau không thể kết thúc sớm.

Trung bình một cuộc chạy này, mình phải chịu đựng từ 15 đến 20 phút cơn đau thật sự, nỗi đau tột cùng và đau nhất là nỗi đau tinh thần. Bạn sẽ không thể hít thở đủ oxy, cơ bắp bị tổn thương, phổi của bạn mỗi lúc một nặng nề, tâm trí của bạn thì đang gào thét yêu cầu bạn dừng lại và ngã xuống. Nhưng bạn không, bằng cách nào đó, bạn tìm được một chút sức mạnh nội tâm cuối cùng và chạy với mọi thứ bạn có, bằng không sẽ thất bại. Khi các cuộc đua 100m tập trung vào sức mạnh thể chất, cuộc đua 10 km tập trung vào nhịp thở đều đặn trong một cuộc chơi dài, thì 5 km là hoàn toàn về sức mạnh tinh thần.

Lần đầu tiên tôi chiến thắng một cuộc đua 5 km là khi tôi 26 tuổi, mùa Đông ở Edmonton Alberta (Canada). Một buổi tối, tôi và cậu bạn thân đến tham gia với hơn 70 người. Bọn họ cao lêu nghêu như những chú hươu cao cổ, trong khi tôi chỉ có 1m70 thôi. Lâu rồi tôi không tham gia cuộc đua nào, tính cả về thể chất thì tôi biết họ hơn tôi rất nhiều, khó mà cạnh tranh lại họ.

Tôi nghĩ thầm: “Đã vậy thì ngay lúc xuất phát, mình phải chạy hết sức mới được, nhanh nhất có thể, sử dụng chiến thuật tâm lý. Không là thua chắc”.

Lúc đó tôi không tập chạy bộ nhiều mà tập một loại thể dục gọi là “crossfit”. Kiểu thể dục này gồm một số bài thể dục thực hiện trong một thời gian ngắn nhất có thể. Ví dụ, hít thở 100 lần, sau đó nhảy lên bục gỗ 250 lần, rồi nhảy dây 200 cái chẳng hạn, sau khi kết thúc ghi lại mốc thời gian của bạn; mỗi ngày phải cố gắng cải thiện nhanh hơn hôm qua. Loại thể dục này tôi luyện về sức chịu đựng về tinh thần.

Vậy là theo đúng kế hoạch, tôi xuất phát rất nhanh, trong đầu tôi hét lên “GOOOO!!!”. Tôi lao đi một cách hoang dã, như một chiến binh thời tiền sử đang xung phong chiến đấu với một đám thú hoang săn mồi.

Tôi thiết lập tốc độ của cuộc đua, và tốc độ đó rất nhanh, rất đau đớn. 70 người còn lại đã phải cố gắng hết sức để có thể bắt kịp tôi, không kịp suy nghĩ về chiến lược, cách thức, lúc nào nên bảo toàn năng lượng, lúc nào thì nên chạy vượt lên. Họ chỉ có thể “cắm mặt” chạy và chuẩn bị cho một nỗi thống khổ hoặc thua cuộc về nhà.

Khi vạch đích 5 km ở ngay trước mắt, một người đàn ông trông khá bình tĩnh, tập trung, bắt kịp tôi, nhưng tôi đã chạm chân qua vạch trước rồi.

Với chiến lược này, tôi đã chiến thắng.

“Thiết lập tốc độ cuộc đua”. Tôi đã chạy rất nhanh, nên tất cả mọi người đều phải cố gắng hết sức đi theo. Tôi càng chạy nhanh, họ sẽ càng cố gắng bắt kịp.

Ý tưởng này tôi không chỉ dùng trong thể thao mà còn dùng trong cuộc sống, mối quan hệ bạn bè, công việc…

Gần đây, tôi bắt đầu một dự án mới, làm một chương trình về tin tức. Nhóm của tôi có cả người Việt Nam và 3 người nước ngoài, cùng hợp tác làm về hài độc thoại. Nghệ sĩ thường khá nhạy cảm, hợp lý thôi. Và để tổ chức các nhóm nhỏ phối hợp nhịp nhàng trong một nhóm lớn, thì giờ giấc khá quan trọng, vấn đề đôi khi chỉ đơn giản là: làm sao cho các cuộc họp ai cũng đến đúng giờ. Để truyền cảm hứng và khuyến khích họ cống hiến và đạt hiệu quả nhất – thứ mà mọi người luôn cần – thì tôi không thể mắng họ được. Tôi chỉ có thể cố gắng là người giỏi nhất, “thiết lập tốc độ cho nhóm mình”.

Tôi phải đến văn phòng sớm hơn mọi người, làm việc lâu hơn một chút, cố gắng nhiều hơn nữa, và thái độ phải luôn tích cực với tất cả.

Ở Canada, tôi có một câu hay dùng:

“If you run with the wolves, you will learn to howl”. Nghĩa là nếu bạn chạy cùng với những con sói, bạn sẽ học được cách hú. Nghĩa bóng mình có thể hiểu là mình sẽ bị ảnh hưởng bởi những người mình thường xuyên tiếp xúc.

Đó là lý do mình cần nhiều đồng minh sống có nguyên tắc. Những người chọn ăn đồ ăn tốt cho sức khỏe, từ chối ăn nhậu nhiều, chọn con đường vô cùng kỷ luật. Bởi vì khi bản thân mình tốt lên, thì những người xung quanh cũng sẽ tốt theo, rồi cả cộng đồng sẽ được cải thiện.