Sau Covid-19, liệu có gì thay đổi?

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới hơn một cuộc đại chiến. Nó không chỉ làm thay đổi bản đồ địa chính trị – kinh tế – an ninh thế giới mà sâu xa hơn là buộc nhân loại phải ý thức lại, nhận thức lại các mối quan hệ không chỉ giữa người với người mà quan trọng hơn là con người với thế giới tự nhiên, con người với vũ trụ.

Tất cả các mối quan hệ xã hội ở bất cứ cấp độ nào, từ làng xã đến quốc gia/dân tộc cũng đều phải có sự điều chỉnh, ít hay nhiều. Hậu đại dịch Covid-19 có lẽ là một trật tự thế giới mới được điều chỉnh, thiết lập để phù hợp với nhu cầu tìm kiếm sự tồn tại của nhân loại trước những hậu họa vô lường kinh hoàng hơn đang rình rập. Các loại virus ngày càng biến thể đa dạng hơn, nguy hiểm đến tính mạng con người là kẻ thù vô hình của nhân loại. Nó là vũ khí có khả năng vô hiệu hóa tất cả các loại vũ khí tối tân nhất mà con người tạo ra được. Nhưng đáng lo sợ không kém là tình trạng “đục nước béo cò”, không hiếm thế lực lợi dụng virus để thực hành những mưu toan chính trị bất chấp tất cả các giá trị nhân văn của nhân loại và các chuẩn mực quốc tế đã được xác lập. Việc Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thành lập hai huyện mới (Tây Sa và Nam Sa) ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới lo chống dịch là một dẫn chứng về những hành động bất chấp các chuẩn mực đạo đức, pháp luật quốc tế.

Đó là phác qua về những “đại cảnh tương lai” của thế giới. Còn trong sinh hoạt  của người Việt Nam ta từ quy mô xã hội đến phạm vi gia đình, có lẽ cũng sẽ có những thay đổi để thích ứng với “thời buổi virus” và tương thích với xu thế công nghệ số ngày càng phát triển hiện đại hơn.

Việt Nam có lẽ là quốc gia có nhiều hội họp rềnh ràng, tốn kém.  Thế nhưng, trong đợt chống đỡ Covid-19 lần này, như là một tình thế phải lựa chọn nên hội họp đã giảm hẳn. Số cuộc họp giảm, thời gian cuộc họp giảm. Nhưng điều quan trọng nhất là trên nền tảng công nghệ truyền thông số, hầu hết các cuộc họp đã chuyển sang hình thức trực tuyến, nhanh gọn, linh hoạt, có thể họp bất cứ lúc nào, ít tốn kém. Điều này đảm bảo cho việc lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, nhanh, chính xác; triển khai kịp thời, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, họp trực tuyến có khả năng truyền thông ra cộng đồng xã hội rất nhanh, chính xác và rộng rãi. Cuộc họp khẩn cấp của lãnh đạo thành phố Hà Nội lúc 22h ngày 6/3/2020 để bàn việc đối phó tình huống mới về dịch Covid-19 là một dẫn chứng sinh động cho xu thế này. Sau cuộc họp này, từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức họp trực truyến ngày càng nhiều và đem lại hiệu quả rõ rệt. Chắc chắn kiểu họp cũ sẽ cơ bản được thay thế bằng họp online trong tương lai rất gần.

Vì Covid-19, các địa phương trong cả nước đã phải đóng cửa trường suốt mấy tháng liền. “Cái khó ló cái khôn”, hình thức dạy – học online ra đời ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến đại học. Vẫn có nhiều bất cập cần giải quyết về điều kiện vật chất cho các vùng khó khăn, về chất lượng… nhưng nhìn chung vẫn bảo đảm được các yêu cầu cơ bản. Vấn đề là từ đây bắt đầu một làn sóng mới trong việc ứng dụng công nghệ số hóa trong dạy và học.  Từ tình huống này chắc chắn ngành Giáo dục sẽ nghĩ đến một chương trình bớt ôm đồm như hiện nay. Những nội dung không cần thiết sẽ được lược bỏ. Chỉ dạy những cái gì cần dạy, học những gì cần học. Và nhờ thế tệ dạy thêm, học thêm sẽ giảm dần và con trẻ sẽ được chơi nhiều hơn, được theo đuổi những sở thích và sở trường của mình.

Hoàn toàn không mới nhưng qua đợt chống dịch này hình thức thương mại này có vẻ vẫn phát triển và đem lại hiệu quả xã hội không hề nhỏ. Lương thực, thực  phẩm và rất nhiều hàng hóa khác đều mua bán online. Chắc chắn xu thế mới này sẽ tiếp tục phát triển. Nhanh, bớt mất thời gian. Vậy là, trong tương lai, vai trò của chợ sẽ được định vị lại từ người bán đến người mua. Vị trí của phụ nữ, của các bà, các chị rất có thể phải san sẻ cho cánh đàn ông hay nói cách khác là đàn ông sẽ làm việc nhà nhiều hơn. Hơn thế, tính chất, quy mô của chợ truyền thống cũng phải “căn” lại cho phù hợp, ở thành thị lẫn nông thôn. Chắc chắn là không cần “hoành tráng” như lâu nay.

Người Việt Nam vốn rất ngại nề nếp, từ công việc cho đến quan hệ ứng xử, sinh hoạt cá nhân. Nhưng với những kỷ luật chống dịch, nhất là đợt cách ly vừa qua, từ bắt buộc, người dân đã tự giác chấp hành và đang dần từng bước hình thành nề nếp. Đa phần nhận thức rõ ràng và đầy đủ hơn về vị trí và trách nhiệm của mình với cộng đồng xã hội. Cán bộ công chức tăng sự tín nhiệm với người dân. Theo đà này, hy vọng kỷ cương xã hội sẽ ổn định, tốt hơn. Từ gia đình ra ngoài xã hội, mọi người sẽ sống nền nếp hơn. Mọi người sẽ bớt tụ tập, nhất là cánh đàn ông, kể cả bia, rượu vỉa hè.

Trận dịch lần này cũng như nhiều phen hoạn nạn khác đã làm dấy lên, củng cố thêm tinh thần tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” với rất nhiều sáng kiến, việc làm rất sáng giá. Cây ATM gạo là một ví dụ. Cuộc sống trong các bệnh viện, các khu cách ly người nghi nhiễm là một ví dụ.

Rất nhiều cá nhân và tập thể đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần nhân ái, sự bao bọc. Cũng như những lần hoạn nạn vì thiên tai, các tổ chức thiện nguyện tự giác của công dân đã  cùng chia sẻ và gánh vác những khó khăn cùng chính quyền và người dân. Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới xã hội sẽ có nhiều team, nhiều cộng đồng trách nhiệm hơn với trọn đầy tinh thần phụng sự, bao dung và nhân ái; một xã hội ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn tinh thần công dân, dân chủ trong tinh thần nhân văn.

Thêm một điều tưởng là nhỏ nhưng không hề nhỏ. Đó là mọi người sẽ có thói quen sống và sinh hoạt vệ sinh hơn. Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, hạn chế bắt tay… từ nay là thói quen mới. Động vật hoang dã sẽ vắng dần trong thực đơn của nhiều thực khách vốn xưa nay ưa chuộng. Người ta cũng sẽ ăn uống sạch hơn. Các mâm ăn sẽ có thêm nhiều bát nước chấm. Họ dần không chấm chung nữa. Mỗi người một bát. Thói quen gắp thức ăn cho người thân sẽ không còn. Nhà cửa sẽ ngăn nắp hơn, sạch sẽ hơn. Con người sẽ nỗ lực nhiều hơn làm sạch mình và môi trường.

* * * * *

Để tự hình thành thói quen tốt và bỏ đi được thói quen xấu là điều không dễ dàng. Với mỗi cá nhân đã khó, cả cộng đồng càng khó hơn nhiều. Vậy, tại sao ngay bây giờ, chúng ta không nỗ lực thay đổi để mọi việc tốt hơn?!


| Tác giả: Vĩnh Khánh