‘Mùa… chạy’!

“MÙA… CHẠY”!

Mỗi năm học cũng dường như chia ra mấy “mùa”. Mở màn tháng 9 được coi như là “mùa thu”, thường thì ngút ngàn các khoản đóng nộp đổ dồn vào kỳ họp phụ huynh thứ nhất. Điệp khúc thu, thu và thu… nộp, nộp và nộp năm nào cũng đến hẹn lại lên. “Mùa thu” với phụ huynh là những tiếng thở dài tan vào… nỗi nhớ! Rồi sau vài kỳ học lại thấm thoắt đến mùa khen. Nào là muôn sự cái khen, facebook ngập tràn các thể loại giấy khen và chứng chỉ. Cả lớp học mà chỉ được mỗi em học sinh tiên tiến số còn lại toàn học sinh giỏi! Sau mùa khen là mùa thi, thôi thì khỏi nói nó rôm rả, gay cấn và lắm chuyện thế nào. Ai đó đã từng chế câu hát “Mỗi mùa thi qua mẹ tôi già thêm một tuổi” kể ra cũng không sai là mấy. Tuy nhiên, độ nóng cả mấy “mùa” ấy vẫn chưa thấm tháp vào đâu nếu so với mùa… chạy! “Mùa chạy” dài nhất, tốn kém nhất, rủi ro nhất và cũng khốc liệt nhất. Từ chạy huyện đến chạy trường, từ chạy trường chuyên đến chạy lớp chọn, từ chạy lớp chọn đến chạy… cô chuyên. Nhà nhà chạy, người người chạy, chạy như thể không chạy là con cái không có tương lai.

Câu chuyện chạy trường chạy lớp hình như chưa bao giờ kịp nguội. Có mẹ bỉm sữa “ăn no lo xa” thậm chí đã “đi lại” với các cô mầm non từ khi đang mang bầu!  Cũng có người “hy sinh đời bố củng cố đời con” quyết “gửi” hộ khẩu, lục đục chen về thành phố từ khi con còn chưa cai sữa. Nhưng cũng có kẻ ung dung để rồi nước đến chân nghe thiên hạ “đốt” mới quàng hoảng chạy đôn chạy đáo hết “gọi điện thoại cho người thân” lại chuyển qua “ hỏi tổ tư vấn tại chỗ” mà kết quả thì vẫn “về nhà đi con”.

Tại sao nên nỗi? Công bằng mà nói sự chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, giữa các trường, thậm chí là giữa các lớp là thực trạng không cần phải bàn cãi. Việc chọn cho con đúng trường đúng lớp không phải là nguyện vọng bất chính. Tuy nhiên, liệu phải chăng sự chênh lệch ấy làm tổn hại đến tương lai con em hay chính điều ấy đang bị khuếch đại lên quá nhiều lần. Liệu có ai đang lợi dụng điều ấy, cố tình vống nó lên để trục lợi?

Trên mạng xã hội, một bà mẹ kể rằng khi được gợi ý lớp chọn chị đã không ngần ngại giãi bày “Dạ, cho cháu học lớp nào cũng được. Nhưng ưng nhất là học cùng cháu nội bác bảo vệ để lúc đến muộn còn có người mà gửi”. Quan điểm phổ biến của phụ huynh là tìm mọi cách cho con vào lớp chuyên với kỳ vọng ở đó con có môi trường phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế không ít em học lực chỉ mức khá nhưng khi vào lớp học trung bình thì trở nên nổi trội. Và từ sự nổi trội đó càng ngày càng chiếm lĩnh vị trí “đầu bảng” . Ngược lại, có phụ huynh tìm cách cho con vào lớp chọn mặc dù học lực con chỉ ở mức trung bình, hy vọng con vào lớp chọn sẽ được các bạn “kéo” lên. Chỉ tiếc sau đó lại bị tụt hậu, khi tụt hậu thì tạo nên tâm lý chán nản, tự ti và cuối cùng là giảm học lực. Cũng có phụ huynh chạy theo hội chứng đám đông, coi việc con mình được vào lớp nọ hay trường kia như một chứng chỉ khoe mẽ. Xin các mẹ các bố hãy nhìn mà xem, thủ khoa điểm mười, điểm 9 kỳ thi vừa rồi đấy, có phải em nào cũng học ở Vinh, em nào cũng nhờ chuyên nhờ chọn đâu.

Cơ chế thị trường, sự cạnh tranh chất lượng cũng là thường tình, “chỉ số hài lòng” là thứ không khó để nhận diện trong môi trường sư phạm. Chỉ mong sao nó đừng bị thực dụng hóa một cách thô bạo mà thôi. Câu chuyện một lớp học mà phụ huynh góp tiền để “chuộc” giáo viên chủ nhiệm về cho các con có thể là câu chuyện phiếm của trà dư tửu hậu, nhưng ít nhiều nó cũng phản ánh thực trạng bức tranh chọn lớp đang nóng lên từng ngày. Năm nào cũng có văn bản về vấn đề ấy theo kiểu “Hết sức quan tâm”, “Tập trung chỉ đạo”, “Nâng cao trách nhiệm”, “Tăng cường kiểm tra”, “Kiên quyết xử lý” nhưng cuối cùng thì “chạy” vẫn âm thầm len vào ngõ ngách.  Biện pháp nào cũng chả mấy chốc là “nhờn thuốc”.

Được biết năm nay tỉnh nhà Nghệ An chúng ta tiên phong đưa lại sự công bằng minh bạch bằng cách bốc thăm. Thoạt đầu nghe cứ ngồ ngộ và cảm giác có cái gì đó không được mô phạm cho lắm. Thật khó tả khi nghĩ đến ai đó bốc phải cái thăm cô chủ nhiệm không ứng ý thì sao nhỉ? Chả nhẽ những cái bĩu môi xen lẫn những tiếng hò reo trong cuộc bốc thăm ấy ư? Thương cô, thương trò, thương cả phụ huynh… nhưng trong cuộc sống đôi khi tình thương lại không phải cái có khả năng giải quyết vấn đề.

Mong sao mọi thứ suôn sẻ. Mong sao những cô, những lớp, những trường không nhận được tiếng hò reo tại cuộc bốc thăm có động lực mà vươn lên. Sự công bằng là cái mà chưa bao giờ con người ngừng hướng tới. Nhưng không có sự công bằng nào tự đến nếu chúng ta không tìm cách tạo ra nó.

Tiếng trống trường lại sắp điểm, một “mùa thu” mới lại sắp về!