Chấp nhận

Để thành người và kiếm sống, từ nhỏ tới lớn, mỗi chúng ta phải học biết bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu kỹ năng từ nhà trường cho tới hè phố, từ mẹ cha, thầy cô cho đến người đời… Nhưng giàu có, thành công hay nổi tiếng nhất, lại chưa chắc đã đồng nghĩa với hạnh phúc. Chuyện gì xảy ra vậy?

Rồi một ngày tôi nhận ra, có lẽ là do chúng ta chưa học xong một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong cuộc đời: Kỹ năng chấp nhận (accepting skill).

Thật vậy, mọi khổ đau, bất an, sân si hay phiền não suy cho cùng đều là do con người không chịu chấp nhận một hay nhiều thực tại cuộc sống, mà bỏ tâm lêu lổng đuổi theo những gì chưa có, khi có rồi lại muốn có hơn, có thêm, có tất cả. Chấp nhận, muôn đời là khó, nhất là chấp nhận những điều không hoàn hảo, thiếu sót của chính bản thân mình.

Nếu tôi là một diễn viên đang ôm giấc mộng hào quang và rồi người ta chê vở diễn tôi đóng chưa hay sau biết bao nhiêu đêm dài luyện tập miệt mài; cũng bực tức lắm chứ, nhưng tôi sẽ chấp nhận đối diện và nhìn sâu vào lời khen tiếng chê đó để hiểu rằng: Khen là thương, và chê cũng là thương. Để buông được lời chê chân chính, tức là người ta đã dành thời gian quý giá để xem tác phẩm của tôi, và mong đợi một sự nỗ lực lớn hơn. Điều gì đáng sợ hơn cả tiếng chê? Sự im lặng. Tôi xin chấp nhận sự chưa hoàn hảo ấy và sẽ trở lại với một sự cố gắng lớn hơn, cũng không có gì to tát cả, bởi “nhân vô thập toàn”.

Nếu tôi là một người đang ôm một khối khổ đau trong mình và rồi xoay xở đủ mọi cách, tôi vẫn không thoát khỏi nó. Trước tiên, tôi yêu thương chấp nhận nó như một phần của tôi, không thể tách rời, vậy nên tôi cũng không thể chạy trốn. Tôi không thể dùng tay phải che mắt để cố quên đi rằng tay trái tôi đang bị đau. Người ta hay nói “Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” là vậy, rượu chè – bạn bè – những cuộc vui hay những lời an ủi bên ngoài chỉ là liều thuốc giảm đau nhất thời hay tệ hơn là giả dược – không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Để chữa lành, trước hết, tôi cần có mặt ở đó với chính mình, chấp nhận nó, chăm sóc nó từ tâm và vết thương cũng sẽ lành, cũng không có gì to tát cả bởi “hết mưa là nắng hửng lên thôi”.

Nếu tôi là một người trẻ đang ôm ước vọng thành công và rồi nhận ra xung quanh toàn những người… thành công hơn. Là một con người, ai rồi cũng sẽ đi qua mọi nấc thang cảm xúc: Ghen tị, đố kị, thất vọng rồi tự ti về bản thân. Nhưng mọi chuyện chỉ có thể khác, nếu tôi đặt chân tới nấc thang: Chấp nhận. Tôi chấp nhận rằng tôi còn kém cỏi và còn cần nhiều nỗ lực hơn. Tôi chấp nhận thành công không phải là thước đo người với người, mà chỉ là thước đo mình với mình. Tôi chấp nhận là ngày hôm nay tôi chưa được như bao người, nhưng tôi ngày mai chắc chắn sẽ khác tôi ngày hôm nay. Tôi vui vẻ chấp nhận sự hiện diện những người thành công hơn ở xung quanh tôi để biết rằng măng đang mọc giữa rừng tre. Tôi chấp nhận những mặt hạn chế của mình trước khi đi tìm những thế mạnh của mình. Tôi học cách chấp nhận chính mình ngay trước khi cuộc đời chấp nhận tôi, cũng không có gì to tát cả, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

Tôi trở về sau kỳ nghỉ và nhận ra những bông cẩm tú cầu tôi trồng trước Tết đã héo rũ vì hơn 10 ngày tôi đã không có mặt ở nhà để tưới tẩm, chăm sóc nó mỗi ngày. Cứ trách mình đã đi lâu, đã bỏ mặc nó với nắng sớm và gió trời ban công, tôi chấp nhận rằng, nó đã héo mất rồi và không còn rực rỡ được nữa. Và tôi bắt đầu ngắt hết những nụ hoa đã rủ, trút bỏ những chiếc lá đã khô, cắt những cành đã héo và chấp nhận tưới tẩm, chăm bẵm nó lại từ đầu với tình yêu, sự quan tâm và háo hức như khi mới mua về, tôi tin chỉ vài hôm nữa, cẩm tú cầu sẽ lại cười với tôi, cũng không có gì to tát cả, bởi hoa tàn rồi lại nở xưa giờ vẫn thế, vô thường.

Bằng cách ấy, tôi chấp nhận rằng hạnh phúc đang ở ngay đây, và tú cầu đã nở sẵn trong lòng.

Bài: Hoàng Huy
Ảnh minh họa: T.L