“TIN, GIAO, TẠO, CỔ”

      Trong một lần hàn huyên cùng với cựu Bí thư Thành đoàn Vinh, anh Bùi Nam Hậu, tôi tình cờ được nghe tâm sự về kỷ niệm ngày còn công tác thanh niên khá thú vị. Anh kể, những năm hoạt động đoàn thường xuyên nhận được lời chỉ huấn quý giá. Trong các vị lãnh đạo đầy tâm huyết và uyên bác của địa phương thủa ấy có một bác nổi tiếng với biệt tài tổng kết. Trong lần dự và phát biểu với các bạn trẻ nói “Với thế hệ trẻ chúng ta phải có 4 chữ “tin, giao, tạo, cổ”.

Đợi hội trường ngớt tiếng cười sảng khoái ông mới giảng giải, “Tin ở đây là tin tưởng. Lâu nay chúng ta thiếu lòng tin vào thế hệ trẻ. Đối xử với thanh niên như những người chưa trưởng thành, áp đặt tư duy của thế hệ đi trước chồng lên suy nghĩ thanh niên. Đó là là sai lầm. Còn chữ “giao”, xin nói rõ “giao” chứ không phải là “dao”, nó là động từ! Là giao việc, giao trách nhiệm, giao cơ hội, giao thách thức. Không dám giao cho thanh niên thì làm sao hiểu được thanh niên, làm sao đánh giá được thanh niên, làm sao khơi dậy được thanh niên. Đó là thiếu sót. Chữ thứ ba là “tạo”, tạo ở đây là tạo điều kiện, tạo cơ hội cho thanh niên. Sẽ là vô cùng khó khăn nếu thanh niên không được tạo điều kiện, tạo cơ hội, tạo môi trường. Bổn phận của các thế hệ đi trước và cả trách nhiệm của chính thế hệ trẻ là tạo ra các không gian cơ hội để, thỏa mãn hoài bão, để hiến dâng. Và cuối củng, chữ “cổ” ở đây là cổ vũ! Đã tin thanh niên, đã dám giao cho thanh niên và đã tạo cơ hội cho thanh niên thì cũng cần cổ vũ động viên khích lệ thanh niên”.  Nếu không nhầm thì phát biểu ấy cũng đã có tuổi đời sút soát vài ba chục năm ấy mà hôm nay nếu dùng nó “vẫn chạy tốt”!

Xin phép tạm giác lại “tin, giao, tạo, cổ” để trao đổi về một câu chuyện không nhiều liên quan khác. Mấy ngày nay dư luận phẫn nộ khi xem clip cô giáo tiểu học chấm bài cho học sinh xong là ném xuống sàn nhà cho các cháu lên nhặt (kiểu như thực hành một sáng kiến về làm nhục trẻ em vậy)! Tuy nhiên câu chuyện làm người ta “thất vọng toàn tập” không dừng lại cái clip đó mà là cái “Bản tường trình” viết tay của cô sau đó cơ! Giáo đức thì báo động đỏ xuyên thế kỷ rồi, lần này là sự hốt hoảng dành cho giáo trí.

Nói về cái “Bản tường trình” kinh điển, ban đầu cư dân mạng nghĩ đấy là một tác phẩm chế! Không mấy ai tin cái bản tường trình ấy lại có thể là của một cô giáo! Không ai dám tin! Rõ ràng về mặt lý thuyết thì nó không thể là của cô giáo. Trình độ tối thiểu của một “kỹ sư tâm hồn” hay “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” sao lại có thể thảm họa như vậy?

Cái nét viết vụng về khờ khạo được trình bày theo kiểu “rắc thuốc lào lên giấy” làm người ta chết lặng đã đành, nhưng vấn đề triệt tiêu sự thông cảm là “chất văn” của nó. Đọc xong cái “Bản tường trình” mới nhận ra cái công cuộc diệt giặc dốt từ năm 1945 nó dai dẳng thế nào! Thôi để bạn đọc dễ hình dung tác giả bứng một đoạn nguyên xi cả phần sai chính tả như này.

“Tôi xin trình bày sự việc như sau:

Trong năm học 2019 – 2020. Tôi không nhớ vào ngày nào, khoảng tháng 9. 2019 tôi chấm bài của học sinh 3 cuốn vở tôi bỏ xuống bụt giảng, học sinh lên lấy về, trong lúc chấm bài tôi không phải cố tình làm như vậy đâu.

Hôm nay vào 13 h 30 phút tôi phát hiện trên phai bút đăng tải mạng xã hội là quay líp của tôi lúc tôi đang chấm bài.

Qua sự việc này tôi nhận thấy tôi làm chưa tốt về hành vi sai phạm của tôi.

Tôi xin làm bản kiểm điểm trước hội đồng sư phạm.

Nay tôi làm tường trình này kính gửi đến PGD đào tạo huyện Phước Long.

Kính đến BGH trường THC xã Vĩnh Thanh tôi xin hứa khắc phục từ nay về sau tôi không tái phạm nữa”

Câu hỏi tại sao cô giáo lại viết một cái bản tường trình như thế đã chính thức được trả lời. Cô có đến đâu thì dùng đến đó! Cô chỉ có ngần ấy chữ thôi, những tinh hoa mà cô được dạy trong trường sư phạm đong hết ra cả rồi đấy. Trách gì? Trách ai? Trách đến khi nào? Cô là sản phẩm đầu ra của một hệ thống đào tạo sư phạm thuộc hàng kiên cố nhất thế giới! Thương cô một lại thương trò mười. Cô có ngần ấy phúc thì trò cũng chỉ được hưởng ngần ấy phận thôi. Đếm không biết bao nhiêu cuộc hội thảo và cuối cùng sự thay đổi lớn nhất của hệ thống đào tạo sư phạm là… giữ nguyên!

Còn nhớ vào khoảng giữa thập niên những năm 2000, một lãnh đạo của tỉnh nhà chúng đã có phát biểu làm dậy sóng báo chí rằng: “Nếu duy trì quá lâu đội ngũ giáo viên dạy yếu, dạy kém thì có thể coi là một tội ác đối với thể hệ trẻ”. Nếu lời phát biểu được coi như bạo miệng ngày ấy được đưa ra thời điểm này, tức là sau khi cái bản tường trình ấy chính thức vén ra cái góc khuất tối màu của bức tranh chất lượng nhà giáo chắc đã được dư luận xã hội tiếp nhận với một thái độ khác.

Ai đó từng nói, dạy một người phụ nữ tốt là được cả một gia đình, nhưng dạy một người thầy tốt là được cả một thế hệ. Giáo trí là ngọn nguồn để nâng cao dân trí. Lịch sử các nước phát triển đã chứng minh hiệu quả đầu tư cho giáo dục. Vai trò của người thầy trong xã hội quan trọng như nào chắc không cần phải nói thêm. Vậy mà câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn dai dẳng truyền nhau từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Chỉ cần 9 điểm cho cả 3 môn vẫn có thể vào trường sư phạm nhận chứng chỉ dạy người! Chúng ta đang đối xử với tương lai bằng một thứ trách nhiệm thế đấy!

Bao năm rồi các thế hệ sinh viên vẫn bỏ qua sư phạm để tìm đến với ngành An ninh, hay Y – Dược. Cũng ngần ấy thời gian sư phạm thiếu đói một chính sách đủ mạnh để “dụ” nhân tài. Nghe nói vừa có một cuộc cách mạng về sách giáo khoa, rất vui, nhưng sách giáo khoa là ngọn thôi!

Sư phạm là một lĩnh vực đặc biệt cần đối xử đối xử với nó bằng chính sách đặc biệt. Nếu vẫn cứ chấp nhận những con “chuột cùng sào” cho tương lai giáo dục nước nhà thì cũng đừng bối rối khi đọc những bản tường trình đẳng cấp “bình dân học vụ”.

Thương trò, nóng ruột cho tương lai và sẻ chia cùng phụ huynh. Họ không còn lựa chọn nào khác, họ vẫn đưa con đến trường, vẫn chờ đợi và hy vọng vào các cuộc cách mạng ấp ủ trên giấy, nói như bác cán bộ năm nào là họ vẫn phải “Tin, giao, tạo, cổ”.

kỹ thuật: Chôm Chôm