May hay không may

MAY HAY KHÔNG MAY

Tôi có người bạn rất để tâm chuyện đỏ đen, hên xui. Một lần, tôi với nó cùng nhau đi chùa ngày mồng một đầu tháng, nó bị móc túi. Tên trộm kể ra cũng có tí lương tâm, móc hết tiền rồi vứt lại chiếc ví với giấy tờ tùy thân trong thùng rác trước cổng chùa. Mất gần chục triệu tiền mặt nhưng bạn tôi vẫn cười hớn hở vì “May mà lấy lại được giấy tờ tùy thân” và cho rằng chính việc đi chùa đã đem lại may mắn cho nó.
Thật ra có nhiều cách để nhìn nhận một sự vật, sự việc. Nếu lần đó bạn tôi không mất ví ở chùa mà ở một nơi nào khác, rất có thể nó sẽ bỏ qua việc tìm lại được giấy tờ tùy thân mà tập trung vào sự kiện “mất ví” và “mất tiền”. Cùng là mất ví nhưng thay đổi góc nhìn khiến người ta có cách đánh giá sự việc khác đi, thậm chí mâu thuẫn hẳn. Cũng như việc một số nền văn hóa cho rằng mèo đen đem đến sự bất hạnh, đen đủi thì ở một số nơi, nó lại được hoan nghênh vì đem đến may mắn và những điều tốt lành.
Thật ra may mắn hay bất hạnh cũng tương tự như quan niệm về tốt – xấu, đúng – sai, tức là nó mang tính tương đối và chủ quan nhiều hơn khách quan. Có những sự vật, sự việc tự thân nó không tốt cũng không xấu, không may mắn cũng chẳng bất hạnh. Nhưng khi cộng hưởng với những yếu tố ngoại cảnh mang tính cá nhân thì nó sẽ được mỗi chủ thể tự gán cho một cái mác định tính theo góc nhìn chủ quan của họ. Ví dụ một cơn mưa to đổ xuống đám cháy sẽ được những người đang ra sức chữa cháy hoan nghênh, cho là may mắn. Nhưng cũng cơn mưa ấy, với những ngư dân bị chìm tàu đang chờ được cứu nạn, lại là tai ương ghê gớm. Vậy tóm tại, cơn mưa ấy may hay không may, nên hay không nên? Khó có thể đưa ra một câu trả lời tuyệt đối làm hài lòng tất cả mọi người.
Nhưng có lẽ đó chính là bản chất của may mắn và bất hạnh. Có lẽ đó là hai khái niệm không thể tách rời. Hay có lẽ đó chỉ là hai tên gọi khác nhau của cùng một khái niệm. Là may mắn cũng được, là bất hạnh cũng được, vốn dĩ gọi tên nó là cái gì không quan trọng. Bởi suy cho cùng những sự vật, sự việc xảy đến với ta không phải là nhân cho quả của ta. Tất cả những cái đó chỉ là ngoại cảnh, chỉ là môi trường, chỉ là chất xúc tác còn suy nghĩ của ta, lựa chọn của ta, hành động của ta mới là nguyên nhân quyết định kết quả ta nhận được. May mắn do mình, bất hạnh cũng do mình, đôi khi chỉ khác nhau ở cách nhìn mà quyết định cả hành vi của một con người.
Có nhiều người cứ thắc mắc vì sao cuộc đời mình toàn gặp chuyện không may. Có những người khi so sánh thành tựu của mình với người khác luôn cho rằng người ta may mắn và dễ dàng hơn mình. Kỳ thực những người hay than vãn đó lại chính là những người lười biếng nhất và kém cỏi nhất. Bởi vì lười biếng nên không lo vun đắp cho quả của mình mà chỉ mải nhìn và tham lam quả của người. Bởi vì lười biếng nên thành tựu không bằng người ta, kết quả không biết tự trách bản thân còn bao biện rằng vì người ta may mắn hơn, ấy chính là kém cỏi. Càng những người như thế, càng thấy cuộc đời bất hạnh. Càng bất hạnh họ lại càng trách đời, trách người. May hay không may, thành công hay thất bại, đôi khi chỉ phân biệt ở một cái thở dài.