Sáng Chủ nhật, tôi quyết định chở con trai về ngoại chơi. Tiếng là lấy chồng gần, vậy mà một năm tôi về qua nhà đôi ba lần là nhiều. Phần vì công việc của tôi, phần vì thằng bé còn phải đi học lớp này lớp nọ.
Con đường liên xã rộng thênh thang trong tiết thu lành lạnh. Thảng hoặc tiếng một đôi chim chiền chiện lảnh lót trong không trung khiến đồng quê càng tĩnh lặng. Từng cơn gió thổi ngược từ hướng Bắc, phả hương lúa đang cúi mình hai bên đường lớn vào mặt. Mùi thơm hương dịu nhẹ, man mát, khó gọi thành tên. Nó không ngai ngái như mùi cỏ non, không nồng nồng như mùi rơm rạ phơi dưới cái nắng của miền Trung đổ lửa. Nó là mùi hương tinh khiết của hạt ngọc trời nhẫn nại chắt chiu từng giọt tinh túy từ đất, từ nước, từ khí trời trong suốt như pha lê một buổi sớm mùa Thu.
Sẽ chẳng mấy chốc nữa, những chiếc máy gặt sẽ về trên cánh đồng mẫu lớn, luồng đi của nó, trong nháy mắt sẽ ngoạm gọn từng ô ruộng. Thóc sẽ chất đầy các bao tải, theo xe kiến an ngược xuôi về khắp làng trên xóm dưới. Thóc sẽ trải dài một màu vàng ruộm trên những con đường bê tông láng mịn, sạch sẽ. Cũng có khi thóc được mối thu mua cân ngay trên bờ ruộng cho nông dân. Cuộc sống đổi thay từng ngày, chỉ có vui – buồn, được – mất của người bám ruộng, bám đồng vẫn còn đó.
Và lẽ tất yếu, như đã là quy luật, đồng sẽ ngơi nghỉ sau những tháng ngày oằn mình nuôi dưỡng cây. Đồng chỉ còn trơ ra những gốc rạ xám xịt bởi nắng mưa vũ vần. Đợi khi trời lên hanh, đồng tong tóc những đường cày khô khốc. Để đến Xuân về, người đón nước vào làm ải, đồng sẽ hồi sinh. Mùi khói trắng bay nghiêng, mùi đất mộc phơi tháng ngày sẽ được thay thế bằng mùi thơm dịu ngọt của mạ non mơn mởn. Cứ như thế mùa nối tiếp mùa.
Theo phản xạ tự nhiên, tôi cố gắng lái xe thật chậm. Đôi mắt quen nhìn máy tính của tôi dường như dịu hẳn lại trước thảm vàng tươi ngút ngàn của lúa và lúa. Tôi trong khoảnh khắc ấy lại tham lam, ao ước như ai kia: “Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất. Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi” (Vội vàng – Xuân Diệu). Nhà thi sĩ biết là điều không thể vẫn mộng ước đó thôi. Riêng tôi mỗi một vòng bánh xe chuyển động, biết rằng mình đang đánh mất nhiều điều hơn thế! Giá như tôi không cuồng quay với cơm áo gạo tiền. Giá như tôi dành nhiều thời gian hơn để đưa con về quê. Cùng con chân trần đi trên cỏ. Cùng con ngắm bình minh trên cánh đồng sau một đêm sương. Cùng con ngắm hoàng hôn của một ngày nắng tràn. Cùng con cứu một cánh diều mắc cạn… Tôi sẽ dạy con cách một hạt thóc nảy mầm, sinh trưởng, cách một bông lúa cúi đầu…
Bất giác tôi cúi xuống, cậu con trai bé bỏng của tôi đã tự ý kéo tụt khẩu trang từ lúc nào, vẻ mặt đầy khoan khoái, thích chí.
– Cây lúa, cây lúa để lấy gạo nấu cơm con ăn đúng không mẹ?
⁃ Đúng rồi con trai ạ!
⁃ Con nghe trong gió mùi thơm thơm mẹ ạ.
Tôi mỉm cười, làm lơ, cố tình không nhắc con về chuyện cái khẩu trang. Bởi tôi hiểu một điều những ngày dịch dã vừa qua thật sự dai dẳng và ngột ngạt. Vào độ tuổi này con đã thiệt thòi hơn tôi rất nhiều thứ. Cho dẫu hàng ngày con được ăn ngon mặc đẹp, cuộc sống đủ đầy, tiện nghi đến bao nhiêu.
Tấm thân nhỏ được bao bọc trong cánh tay tôi như cố rướn lên. Tôi nghe rõ từng hơi thở thật sâu, hít căng đầy lồng ngực mùi hương đồng cỏ nội. Tôi thầm nhủ, thằng bé mới bé tí đã biết thưởng thức ghê! Và tôi cũng biết, con bắt đầu yêu cuộc sống từ những điều giản dị như tôi đã từng.
Bài: Hòe Nguyễn
Ảnh minh họa: Hải Vương – Hồ Long – Tư liệu
Xa que
Bài viết làm mình nhớ gốc gác sinh thành quá