Cho một ngày bình thường

Ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Vinh) có một ông lão ngày ngày bán nước chè xanh và vài thứ kẹo, bánh được bày trên một chiếc bàn nhỏ đồng thời là chiếc hộp có gắn bánh xe, hàn khung che bạt phía trên. Thi thoảng từ phía bên kia đường vợ ông lại băng qua, tay xách nách mang những ấm, phích, trà, bánh… Cả hai ông bà đều vui tính, hay cười. Có khách vào uống nước thì ông lão cởi mở chuyện trò, khi không có khách ông vẫn tươi tắn nhìn dòng người xe qua lại trên phố.

Những đứa con của ông bà, có đứa làm viên chức Nhà nước, nhưng cũng có đứa bán chè cháo kiếm sống bên vỉa hè. Dù vậy, ông vẫn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Và có nhiều người không biết rằng, ông lão có mái tóc trắng xóa ấy từng là lính Thành Cổ Quảng Trị, từng bơi qua dòng sông Thạch Hãn để chiến đấu giành lại từng bức tường, viên gạch trên tòa thành mà mỗi viên gạch là một túi đạn bom.

Đôi khi trò chuyện với khách về một ai đó, ông lão chợt như reo lên: “Cậu ấy trước là “lính” của tôi”. “Cậu lính” mà ông nhắc tới ấy có thể là một giám đốc, một vị lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện… Và có thể những “cậu lính” ấy chẳng bao giờ còn nhớ đến người thủ trưởng bán nước chè bên hè phố, nhưng tuyệt nhiên ông lão chẳng lấy đó làm điều. Với ông, mỗi người có một thiên chức, một sứ mệnh với cuộc đời, ai được giao thiên chức nào thì hãy làm tốt phận sự ấy. Như ông, nửa đời sống giữa mũi tên, viên đạn, đối diện với vô vàn hiểm nguy, tất cả vì hai tiếng Độc lập – Thống nhất. Ông và các đồng đội của  mình có quyền hãnh diện, tự hào với những gì đã làm được cho mảnh đất này, quê hương này, Tổ quốc này.

Vẫn còn đó những nỗi buồn dai dẳng sau chiến tranh, nhưng cuộc sống luôn tiếp diễn như nó vốn thế. Ông lão bán nước chè xanh – người cựu chiến binh mang hàm Trung úy biết rất rõ điều này. Những người chiến sỹ như ông trở về với đời thường “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”  (thơ Nguyễn Đình Thi).

Nói đến đây, tôi lại nhớ về người bác của mình. Năm nay bác ngoài 90 tuổi, đã trọn vẹn trải qua 3 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX. Bác tôi là lính pháo cao xạ, tham gia không biết bao nhiêu chiến dịch, cùng đồng đội giành chiến thắng không biết bao nhiêu trận đánh. Nhưng khi vinh dự được gặp Bác Hồ, Người bảo hãy hát thử một đoạn Dân ca ví, giặm, lại không sao cất lời được. Bác tôi nói rằng, đó là điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Bác tôi cũng đã hiểu ra rằng, thế hệ ông chiến đấu để gìn giữ những làn điệu dân ca quê hương, gìn giữ các giá trị nhân phẩm truyền đời của đất nước. Từ chiến trường trở về với chốn thôn dã, đồng bãi của làng quê, bác tôi vẫn là lão nông chính hiệu. Vẫn trâu, bò, cày cấy mỗi ngày.

Trở lại với ông lão bán nước chè. Ông bảo, ngày hôm nay dù không làm gì được nữa thì mình cũng phải sống thật vui, thật tốt. Đó là cách tri ân những người đã hy sinh, đã ngã xuống của ngày hôm qua.

Ảnh trong bài: Di tích Thành cổ Quảng Trị. Nguồn: Tư liệu