Sợ

Có hẳn cả một kênh chuyên viết về “chuyện ma” trên mạng. Có cả một cộng đồng  độc giả khổng lồ hàng đêm vẫn rúm ró tắt điện trùm chăn để đọc nó. “Thời khóa biểu” dành cho món ăn tinh thần chưa từng có vị ngọt này thường được ưu tiên vào lúc khuya khoắt nhất, hoang vắng và ma mị nhất. Một chút tò mò, lớp độc giả này là ai nhỉ? Đừng ngạc nhiên, họ chính là những người sợ ma nhất! Càng đọc họ càng sợ – càng sợ họ càng đọc. Có lẽ chỉ có con người mới không tài nào hiểu nổi con người, chuyện thích ăn, thích chơi, thích hưởng thụ tứ khoái thì hiển nhiên đến mức khỏi phải bàn cãi, vấn đề là còn có cả những kẻ sẵn sàng thiêu thân vào thế giới hoang đường để tìm kiếm cái cảm giác rùng mình.

Thích sự sợ hãi! Điện ảnh cũng nhanh chân vào cuộc, không dưới hai lần lễ trao giải danh giá Oscar gọi tên những tác phẩm thuộc thể loại phim kinh dị. Ừ nhỉ, trong thế giới hiện đại người ta còn có thể kiếm tiền từ nhu cầu cảm xúc sợ hãi của kẻ khác. Khôn thế, khôn dễ sợ.

“Sợ” nằm trong tập hợp nhóm các cảm xúc cơ bản của con người.  Hình như khi sự lo lắng hãi hùng chạm đến một “phần mềm” nào đó trong trí não thì chữ sợ xuất hiện. Sợ có thể là  phản ứng đến từ bản năng tự vệ, sợ có thể là cảm xúc mang tính cảnh báo cho những tổn hại có khả năng đến trong tương lai. Sợ cũng có thể là phản ứng tức thì với một điều gì đó đang xảy ra hiện tại. Cũng có khi cảm giác sợ đến từ một góc kỳ bí nào đó của cảm xúc. Ví dụ như người ta sợ đỉa, sợ sâu, sợ âm thanh lét két của chiếc phanh xe đạp chẳng hạn. Thậm chí ngay trong xóm tôi có chị nọ hễ cứ trông thấy ốc sên là giãy người đành đạch. Tuy nhiên đây là cái sợ cá biệt nghiêng nhiều về yếu tố tâm lý, nó cơ bản vô hại.

Hình như khi sinh ra trên đời này, rồi lớn lên trưởng thành cho đến lúc về già không khi nào con người hết lý do để sợ. Sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ thất bại… Kẻ ham sống thì sợ chết. Kẻ ham tiền thì sợ nghèo. Người đẹp thì sợ nếp nhăn. Đi học mầm non thì sợ bị bạo hành. Lên học tiểu học thì sợ phải ăn gạo mốc với đầu cá. Vào trung học thì sợ cô giáo bắt phải tát nhau. Lên cử nhân, thạc sĩ thì sợ phải quay lại đi học nghề vì không kiếm được việc làm! “Ngồi ở nhà thì sợ loa phường/Ra ngoài thì sợ tắc đường kẹt xe”. Đi chợ thì sợ bị cướp giật. Đi viện thì sợ mổ nhầm chân. Uống thuốc thì sợ nhiễm than tre. Ăn rau thì sợ phun thuốc. Ăn thịt thì sợ tăng trọng. Ăn cá thì sợ ướp U-rê. Uống cà phê thì sợ ngộ độc pin. Đi lên đường cao tốc thì sợ ổ gà, đi dưới thì sợ thanh sắt rơi trúng đầu. Đi chùa thì sợ thiếu tiền lẻ. Làm việc với chính quyền thì sợ bị hứa. Làm việc với cán bộ thì sợ nói một đàng làm một nẻo. Ra sân bay thì sợ lạc sang sân gôn…

Sợ đôi khi cũng lan tỏa, có những nỗi sợ chung cho một nhóm người, một cộng đồng. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt chưa từng có giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu. Nơi tưởng chừng như không có đất trú chân cho sự sợ hãi thì bỗng nhiên những ngày qua thị trường chứng khoán toàn cầu (tất nhiên không loại trừ Việt Nam) bị “sập sàn” mấy phiên liên tục. Té ra sự sợ hãi được dồn nén và tích lũy, chỉ cần một đốm kích hoạt cũng có thể tạo ra chuỗi hoảng loạn tức thì. Còn nhớ năm ngoái, khi hai nhà lãnh đạo dọa ấn nút bom hạt nhân  “qua loa” cũng đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tâm lý tương tự, thị trường chứng khoán cũng bốc hơi không thương tiếc hàng ngàn tỷ đô la, chữ sợ cũng được đánh vần trên toàn cầu.

Ngạn ngữ có câu “Con chim đã một lần trúng tên thì thấy cành cây cong cũng sợ”, “Một lần rắn cắn cả đời sợ sợi dây thừng”. Trong mỗi chúng ta hình như cũng có một chữ sợ đang được ngụy trang hoặc sơ tán đâu đó. Biết sợ suy cho cùng cũng là một kỹ năng để tồn tại. Cuộc sống đầy những thách thức và cả cạm bẫy, nếu không biết sợ hoặc mất năng lực nhận diện miền nguy hiểm thì việc trả giá chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Tuy nhiên sợ không có nghĩa là nhút nhát lại càng không phải là hèn nhát. Chỉ vì một lần rắn cắn mà cả đời phải sợ sợi dây thừng thì hỏng. Người thành công biết dứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, kẻ thất bại sợ hãi bỏ cuộc thu mình. Sợ hãi sẽ triệt tiêu quyết tâm. Không có những con đường trải đầy hoa hồng. Vấn đề là chúng ta phải đủ bình tĩnh và khôn ngoan nhận ra đâu là con rắn và đâu là sợi dây thừng để ứng phó. Nếu ai cũng sợ sợi dây thừng chắc đã không có những doanh nhân thành đạt như Phạm Nhật Vượng hay Nguyễn Thị Phương Thảo, trước khi thành công họ cũng đã từng nhiều lần nếm mùi thất bại đấy chứ. Tôi nghĩ không phải họ không biết sợ mà họ biết tìm cái để sợ, có lẽ với họ sợ nhất là sự thỏa mãn! Nhân nói về doanh nhân lại nhớ đến một vụ ly hôn đang “lên bờ xuống rộng” của vợ chồng ông chủ tập đoàn cà phê nọ. Tiền và tình có lẽ là hai thứ không nên cùng một bàn cân. Chưa biết hạ hồi phân giải sẽ như nào, nhưng rõ là sợ thật! Sợ sự phản bội!

Lại có những người dường như sợ tất cả mọi thứ, mà trong xã hội lại không hề khan hiếm loại người kiểu này. Đến cơ quan thì sợ thủ trưởng, làm việc thì sợ sai, phê bình thì sợ mất lòng, im lặng lại sợ mất cơ hội. Lớp người này tất nhiên là nguy hiểm rồi, ấy vậy mà vẫn không nguy hiểm bằng đám khác, ấy là đám giả sợ! Giả sợ thủ trưởng, giả sợ sai, giả sợ phê bình và giả sợ dốt! Họ chỉ sợ mỗi sự thật!

Rất nhảm nhí, nhưng nếu lên Google đánh từ khóa “Hội những người sợ vợ” lập tức có đến hàng trăm ngàn kết quả. Chả biết hội thật hay hội giả, cũng chả biết người ta sợ thật hay sợ giả, nhưng hình như có một điểm chung giữa những người sợ vợ và sợ thủ trưởng ấy là họ giàu… khuyết điểm. Không có khuyết điểm thì việc gì phải sợ! Nhỉ? Cách tốt nhất để khắc phục nỗi sợ hãi thường trực này là giải phóng khuyết điểm, thế thôi.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng tên là “Sống trong sợ hãi”. Phim kể về một người lính Việt Nam Cộng hòa sau chiến tranh. Anh ta không trở về quê với vợ con mà ở lại một vùng khác sống với người vợ bé xinh đẹp. Để có tiền trang trải, anh ta học cách tháo bom mìn đem bán phế liệu. Tuy nhiên, nghề tháo bom mìn nguy hiểm nên anh ta phải luôn sống trong tâm trạng lo sợ. Mỗi lần tháo được một quả mìn là anh liền chạy về nhà ân ái dữ dội với cô vợ lẽ để giải tỏa nỗi sợ. Thú vị thế là cùng.

Báo vừa đưa tin một cán bộ thuộc hàng có số, có má cách chức vì sử dụng bằng giả. Thiết nghĩ, trước khi bị phát giác hẳn anh này cũng đã có hàng chục năm ròng “sống trong sợ hãi”, chỉ có điều anh lính trong phim Bùi Thạc Chuyên còn có cô vợ lẽ xinh đẹp mà giải tỏa nỗi sợ, chứ công bộc của dân tìm đâu ra nhỉ? Ồ không, một chủ tịch ủy ban bị bắt quả tang đưa nữ chủ tịch hội nông dân vào khách sạn kìa. Họ vẫn biết cách giải tỏa cho nhau đấy chứ. Chỉ có điều giải tỏa kiểu này thì nói như Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu hôm vừa rồi là họ sẽ không còn cơ hội mà “nhìn thẳng vào mắt dân” nữa. Không sợ ma, không sợ đỉa, không sợ ốc sên, chỉ sợ dân không nhìn mặt. Làm cán bộ khổ thế, khổ dễ sợ!