Thần tượng

THẦN TƯỢNG

Năm 2019 được vinh danh là năm của chia ly khi mà hàng loạt cặp đôi nổi tiếng đồng loạt chia tay. Có đôi yêu nhanh cưới vội sau một lần hợp tác trong phim, cũng có đôi bên nhau gần một thập kỷ tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan… Tóm lại, toàn những chuyện tình cổ tích được dân tình ngưỡng mộ và đem ra làm chuẩn mực của tình yêu và hôn nhân.

Nhưng mà khổ lắm, thần tượng cũng chỉ là người thường thôi. Đức Phật nếu uống nhiều nước còn phải đi vệ sinh, huống chi là người trần mắt thịt. Lúc yêu nhau tưởng chết thì thề thốt “Không có em anh không sống được”, bây giờ hết yêu quay ra đấu võ mồm với nhau và vẫn… sống nhăn răng. Chỉ tội cư dân mạng mấy phen “vỡ mộng”. Nhiều người tuyên bố: Từ nay, tôi mất niềm tin vào tình yêu và hôn nhân.

Ơ hay, niềm tin mà các anh chị ký gửi vu vơ cho những người chưa một lần gặp mặt, chỉ biết họ qua mặt nạ diễn xuất trên tivi thì mất là chuyện quá bình thường, chả việc gì phải tiếc. Thay vì lấy những người ở tận đâu đâu ra làm gương, chi bằng anh chị lấy quách bố mẹ mình hoặc đôi nào ngay trước mắt cho đáng tin. Mình có đứa em suốt ngày thở ngắn than dài về cậu bạn trai gần 30 tuổi đầu mà vẫn như đứa trẻ con. Mang tiếng ở nhà riêng nhưng động chuyện gì là lại alo cho bố mẹ giải quyết hộ. Có lần cậu chàng lỡ khóa trái cửa phòng, không làm sao mở được liền gọi điện cho mẹ (đang đi công tác ở châu Âu) gào ầm ĩ. Đứa em mình mày mò tìm được chùm chìa khóa sơ cua của cả nhà, khoảng tầm mấy chục cái. Con bé ngồi cặm cụi thử từng cái một, thế mà mở được cửa phòng trong khi thằng người yêu ngoài đấm cửa và gọi mẹ ra thì chẳng làm được tích sự gì. Cũng vẫn cái đôi đấy, một hôm đi chơi thì con bé trật chân, sưng vù lên một cục to tướng. Đau quá nên nó lết đi chậm rì, chảy cả nước mắt còn thằng kia thì cứ đi phía trước giục ầm ĩ. Thấy người yêu đau không thương thì chớ, nó lại còn cười hềnh hệch: “Ôi trời tiểu thư của tôi, khóc cứ như đau lắm”. Kết quả hôm sau con bé đi viện chụp phim thì bị nứt xương chân, ngồi xe lăn mất mấy tuần. Sau vụ đấy con bé chia tay với người yêu luôn khỏi cần nghĩ ngợi.

Bây giờ mỗi lần kể lại kinh nghiệm đau thương ấy (mà công nhận là đau thật), nó lại tặc lưỡi: “Đáng lẽ ra em phải biết từ trước rồi chứ, vì mấy lần qua nhà nó chơi chứng kiến bố nó đối xử với mẹ nó chẳng khác gì cách nó đối xử với em cả. Và nó cho rằng như thế là bình thường!”. Quả thực, gia đình là môi trường chính nhào nặn nên tính cách và nhân cách của con người. Tất nhiên không mang tính áp đặt rập khuôn nhưng chúng ta đều sẽ chịu sự chi phối, ảnh hưởng phần nào từ tư tưởng, quan điểm sống và cách đối nhân xử thế của những thành viên trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ.

Một đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố gia trưởng, cay nghiệt với mẹ sẽ có khuynh hướng trở thành người coi thường phụ nữ. Đôi khi không phải vì cố ý hay ác ý mà vì trong đầu nó, cách bố đối xử với mẹ được mặc định là “chuẩn mực”, là bình thường, là hiển nhiên. Và cứ thế, nó copy lại cung cách đó trong mối quan hệ với phụ nữ của nó sau này. Còn nếu là bé gái, nó sẽ mặc định phụ nữ là phải cam chịu, phải phục tùng, phải chịu thiệt thòi khi thấy mẹ nó cúi đầu trước bố. Cái kết u buồn cho nó đã được định sẵn từ đây và biết đâu sẽ tiếp tục được nhân bản, duy trì đến các thế hệ tiếp theo, và tiếp theo nữa.

“Con vào dạ, mạ đi tu” – người ta thường nói người làm cha mẹ nên sống tốt để tích đức cho con cháu. Tích đức ở đây không phải là tích vàng, tích bạc, tích được nhiều thì con cháu lấy ra tiêu xài vô tội vạ. Không phải thế, mà tích ở đây là tích những gì tốt đẹp và chuẩn mực vào tâm tưởng con cháu chúng ta để mai đây chúng sống sao cho tốt, cho đẹp.

Cũng như chuyện hôn nhân gia đình, sao chúng ta không sống với nhau tử tế để bọn trẻ lấy đó mà ngưỡng mộ, lại đi ngưỡng mộ thiên hạ ở tận đâu đâu…