Đánh

Hiếm loài động vật có vú nào “máu” đánh nhau như con người. Hiếm xứ nào máu đánh nhau như xứ mình.  Là không nói chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay, kiểu đánh đó xưa và quê rồi, giờ người ta ra đòn bằng bàn phím cơ. Vụ hai ông phó giám đốc sở lấy cốc choảng nhau tóe máu trong quán karaoke hay chuyện chú giao thông gạt tay chảy máu mũi người đi đường không ai còn gọi là đánh nhau cả. Chỉ nhân vật dùng điện thoại quay và post lên mạng xã hội mới đủ chuẩn gọi là đánh thôi. Đánh chảy máu mũi là đẳng cấp tiểu học, và cách tốt nhất là về mách mẹ. Người lớn đã ra đòn là phải tổn thương sự nghiệp, sang chấn uy tín, nhẹ nhất cũng phải gãy… tài khoản!

Nghề đánh cũng lắm chiêu. Có đánh công khai, đánh lén, đánh thuê, đánh úp, đánh vu hồi và đánh hội đồng. Chúng ta đang chứng kiến một vụ xuống tay rầm rộ và khốc liệt hiếm có, mặt trận trải dài từ Nam chí Bắc. Cơn cuồng nộ vẫn được khơi mào từ lĩnh vực thân quen mang tên giáo dục. Sự kích động bị nén lên đỉnh điểm. Ùn ùn kẻ ngoại đạo gác mọi việc để trà trộn vào giới chuyên môn. Nhà nhà phân tích, người người nhận định, giữa tâm chấn vụ “bạo hành khoa học”. Hàng triệu “sĩ phu yêu nước” vén tay áo nhảy xổ vào bàn phím để ăn gỏi sách giáo khoa. Lượng người “tham chiến” tăng dựng đứng bất chấp nỗ lực truy cản của lác đác chút điềm tĩnh ít ỏi sót lại. Thấy rồi, không phải vàng mà là tiềm năng khoa học, cùng sức chiến đấu mãnh liệt trong quần chúng mới là tài sản bị hoang hóa. Giờ phát lộ ra… giỏi quá, uyên bác quá, hàn lâm quá và quả cảm quá. Ngay cả chị bán nước mía cũng nổ râm ran cùng bác xe ôm rằng: “Học bằng ô vuông thì lấy chi mà ăn, theo mấy cô á hậu bán hình tam giác thì lại sợ phá giá đồng ngoại tệ”. Bác xe ôm cùng “phản biện” rằng: “Nếu nói nhờ cách đánh vần kiểu nớ mà tạo nên giáo sư Ngô Bảo Châu thì hơi hàm hồ”. Từ phụ huynh đến cựu học trò, từ anh thợ nề đến chị vệ sinh, ai ai cũng có thể bàn chuyện đánh vần và sẵn sàng tham gia đánh hội đồng. Từ một cái clip đến hàng trăm clip khác hài có, chế có, phân bua có và cả giả đò khoa học cũng có. Từ chỗ người ta xúm nhau “đánh” thầy Đại nay người ta lại hùa nhau nã đòn vào những “ai động đến ông Đại”. Cục diện chiến trận xoay chuyển từng giờ, “đa cực” hình thành, không phải hai phe mà nhiều phe. Có những chiến binh tự do khoác áo “libero” lao vào “đánh” loạn xạ, trúng ai thì trúng, không thành công cũng thành… nghệ nhân! Vâng, nghệ nhân đánh người.

Chị quán ốc đầu ngõ dí dỏm “mấy bữa nay bán hàng được lắm, thiên hạ tranh nhau ăn ốc để nói mò”. Người ta vũ phu với cả bảng chữ cái, báu vật quốc gia. Người ta sát sinh cả những chuẩn mực đạo đức, lễ phép với người già. Có kẻ đẹp nhân danh quyền làm mẹ đòi đặt vòng tránh thai, chỉ có đặt vòng thì mới không đẻ con, chỉ có không đẻ con thì mới khỏi phải chịu cải cách giáo dục. Đúng là “cờ óa quá cờ inh… kinh”! Sốt vó như thể quốc hồn quốc túy bị cưỡng đoạt. Càng quần nhau càng lún sâu vào bế tắc, lối ra càng ngày càng bị ríu rối tứ bề. Phía “công nghệ” tung đòn độc lý giải, lập tức phía kia ra chiêu hạ thủ. Thầy Đại tuyên bố “công nghệ là vĩnh viễn” còn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lại cho rằng “Không mở rộng thử nghiệm để giữ ổn định”. Cuối cùng thì cũng hé lộ cái bảng giá đồ sộ của những mẻ in sách cũng vô cùng đồ sộ. Trên truyền hình, thầy Đại gây sốc khi nhận xét về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ: “Tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền”. Trần trụi đến mức không trần trụi hơn được nữa. Hoang mang đến mức không thể hoang mang hơn được nữa. Băn khoăn cao độ rằng chẳng lẽ đang có những cuộc thư hùng quyền lợi được núp sau những bộ trang phục dự án đa sắc màu? Rằng họ “đánh” vì lợi ích của “một con số bảy và mười ba con số không” (lời thầy Đại) chăng? Và “đánh” thì ai thắng và thắng ai? Ai thua và thua ai? Hẳn chỉ những người trong cuộc mới đủ sức để “đánh vần”? Ôi, “rờ ôi rôi sắc rối”!

Chỉ có những kẻ cực đoan mới bài xích cái mới một cách cực đoan, chỉ có những kẻ mù quáng mới vồ vập cái mới một cách mù quáng. Không nên nhặt những phát biểu rời rạc của phụ huynh để thần tiên hóa sách “công nghệ”, nhưng cũng đừng vì sợ hãi số đông mà ruồng bỏ một công trình khoa học giàu tâm huyết. Tuy nhiên trong một phát biểu gần đây ai đó vừa nói nó “là duy nhất, là vĩnh viễn” thì hơi ẩu. Không có gì là vĩnh viễn đâu ạ. Khoa học cần sự chín chắn hơn là cao ngạo. Bộ không nên để người ta thả rông những tuyên bố kiểu này. Đừng quên Bộ là cơ quan quản lý chứ không phải là kẻ tháp tùng của khoa học. Việc trấn an một bộ phận phụ huynh đang hoang mang khi sợ con mình bị đem làm chuột bạch không phải là ân huệ mà là trách nhiệm. Hãy cho họ nhiều hơn một sự lựa chọn. Đôi co với phụ huynh là lựa chọn tệ nhất trong các lựa chọn mà Bộ nên dứt khoát tránh.

Có lẽ sự việc không bị đẩy xa nếu như những người trong cuộc bình tĩnh, mềm dẻo và cầu thị hơn. Thưa thầy, chính lời phát biểu của thầy: “Tôi cần gì các vị giúp. Bố mẹ thì biết gì mà giúp. Bố mẹ cũng không được thắc mắc, bởi biết gì mà thắc mắc” đã đổ thêm dầu vào lửa. Có người bảo, ta đang ở Việt Nam, chúng ta đang sống chính giữa nền văn minh lúa nước, rất khó một thứ gì có thể tách phụ mẫu rời xa con cái, không một phụ huynh nào ung dung phó mặc con mình cho những cái ô vuông lạ hoắc. Họ có thể không dạy được con nhưng họ có nhu cầu thậm chí có quyền nhận biết sự tiến bộ của con hàng ngày. Nó là niềm vui, là hạnh phúc, là thiên chức của những người làm cha làm mẹ. Có người nói, học sinh hôm nay vài chục năm nữa cũng là phụ huynh, lứa học sinh cách đây 40 năm của thầy đã là phụ huynh từ lâu rồi, phụ huynh mấy “nhiệm kỳ” rồi, đừng nói họ không biết và đừng lấy đi của họ quyền thắc mắc. Không có đấu tranh không có phát triển, đó là nguyên lý triết học, đó cũng là giáo dục, đó mới  là giáo dục. Người ta đánh thầy là sai, nhưng mong thầy cũng đừng đánh lại họ làm gì! Kiềm chế là việc làm rất là không khó, thưa thầy.

Tôi (người viết) thì mạn phép bày tỏ thế này: Tôi là kẻ ngoại đạo, chả biết ngành giáo dục ưu nhược thế nào, bệnh tình nặng nhẹ đến đâu nhưng nếu được phép xin mượn lời quảng cáo nói vụ cải cách đánh vần đang râm ran thiên địa rằng: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Chỉ đơn giản vậy thôi, thưa Bộ, thưa thầy!

Trở lại với vấn đề “đánh” nhau. Có lẽ đánh là động từ gây rối đôi tai của chúng ta nhiều nhất. Mỗi ngày trượt qua chúng ta vẫn nghe đâu đó chuyện trà dư tửu hậu,  cũng có lúc lao xao trên mạng rằng: Ông này bị ông kia đánh, phe này bị phe kia “đánh”. Cứ xuất hiện đơn thư tố cáo là y như rằng sẽ có câu hỏi “ai đánh và đánh ai”. Cách đây mấy tháng một vị bí thư huyện đưa nữ nhân viên vào khách sạn bị bắt tại trận rồi mà vẫn còn phân bua “Tôi bị gài bẫy”. Ồ, vậy là bí thư huyện trong sạch, chẳng qua bị kẻ xấu “đánh” thôi. Thậm chí ở tỉnh nọ có chuyện rất “thực hư” rằng người ta “đánh” bí thư bằng cách nâng điểm đại học của con bí thư lên “tầm thời đại”…

Đừng vu vạ, đừng đội lốt, đừng lợi dụng chữ “đánh” mà triệt tiêu đấu tranh. Cây ngay bóng tròn, ngọc càng mài càng sáng cơ mà, hay là sợ người ta “đánh” bởi trước đó mình cũng lỡ tay “đánh” – đánh quả!

Ý kiến bạn đọc(2)

  1. Nguyễn khắc liên

    Bài viết hay quá, sâu sắc quá.

  2. Minh Hiền

    Bài viết sâu sắc quá

Trả lời bình luận của Minh Hiền (x)