Nói là câu chuyện đầu năm chứ thực ra chuyện tôi sắp kể dưới đây bắt đầu từ những ngày giáp Tết. Các bạn cũng đừng hy vọng đây là thiên tiểu thuyết một nghìn lẻ một chương với những tình tiết gay cấn cao trào kẻo lại hụt hẫng. Thậm chí trong vô số những chuyện bi hài ngày Tết thì câu chuyện dưới đây chỉ nhỏ bằng một góc móng chân mà thôi. Nhưng hễ nhắc đến là tôi lại sôi trào ruột gan, lòng “đau như cắt nước mắt đầm đìa”. Đơn giản là bởi nó ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của tôi nhiều quá!
Đến nhà nhau chúc Tết là nét đẹp văn hoá của người Việt ta. Mà thực ra người Việt mình rất thích đến nhà nhau chơi chứ chẳng riêng gì ngày Tết, nhưng đến như thế nào, đến vào lúc nào lại là một vấn đề cần ngẫm lại. Riêng tôi cứ mỗi khi Tết đến là lại mắc chứng đau dạ dày. Không phải vì ăn nhiều bánh chưng hay kẹo, mứt quá, mà vì cứ nhấc bát lên định ăn là y như rằng có khách đến chơi. Tết ai lại đóng cửa đuổi khách, thế nên dù bụng đang đói meo, hoặc thức ăn vừa dọn ra nóng sốt, ngon lành đến mấy cũng phải gác lại đó mà tiếp khách đã, chứ chẳng lẽ mời khách ăn cùng?
Có năm sau khi đón tiếp khoảng 5 lượt khách viếng thăm vào buổi trưa, tôi vội vàng hô hào cả nhà xách nhau lên xe, đóng cổng đi ra đường để…trốn khách. Đi đâu ư? Không quan trọng! Miễn là ra khỏi nhà để không phải tiếp khách, rồi kiếm gì ăn cho đỡ đói lòng sau. Cứ tưởng thế là thoát, ai dè vừa ra đường đã bị người quen “phát hiện”, bám đuổi theo xe, chỉ thiếu nước chắn đầu ép dừng xe như cảnh sát rượt đuổi tội phạm trong phim hành động Mỹ. Đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn!
Nghĩ lại cảnh chúc Tết nhau qua cửa kính xe ô tô mà tôi thấy buồn cười, nhưng buồn nhiều hơn là cười. Bởi vì đâu và từ bao giờ mà một nép đẹp văn hoá lại trở thành một lễ nghi rập khuôn gây ám ảnh cho cả người thăm và người “bị” thăm thế này? Còn lại được bao nhiêu chân tình thật ý trong những câu chào hỏi, chúc tụng nhau ngày Tết hay chỉ là những lời nói xã giao lấy lệ, những cuộc viếng thăm với mục đích điểm danh để không làm ai phật ý? Thăm viếng nhau về bản chất là hành động thể hiện sự quý mến, nhưng cái cách mà chúng ta làm liệu đã thực sự trân trọng nhau hay chưa?
Nói không phải để gạt bỏ đi cái tục lệ thăm viếng nhau ngày Tết – về bản chất đó là một nét văn hoá rất đẹp, rất có tính gắn kết giữa người với người. Nhưng thăm nhau vào lúc nào, như thế nào thì cần xem lại. Chúng ta đừng nghĩ rằng việc mình đến thăm người khác, tặng họ quà (kể cả là những món quà đắt tiền) là đã truyền tải xong cái thông điệp: “Tôi trân trọng bạn”. Bởi cổ nhân vẫn nói “Của cho không bằng cách cho”, đừng chỉ biết trao đi mà hãy nhìn vào cách người ta đón nhận. Chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự gửi đến người khác thành ý và sự trân trọng thực thụ.
Kỹ thuật: Chôm Chôm