Tết xưa…

Trong ký ức xa lắc xa lơ, đất nước chủ yếu nông nghiệp nên người ở nhà nhiều hơn người đi xa. Phần nhiều con người sinh ra là gắn với quê, với ruộng đồng. Rời khỏi quê chủ yếu là đi bộ đội, công an, giáo viên, đi học các trường chuyên nghiệp, công nhân nông, lâm trường,…

Chỉ có trẻ con mới khát khao với Tết. Tết được nghỉ học, được đi chơi, có quần áo mới, có lì xì,… Thời gian như chậm lại. Từ tháng Chạp, chúng tôi đã có những “đồng hồ đếm ngược”, trông từng ngày để đón Tết.

Mới chín, mười tuổi, bọn tôi đã nhẩm tính, biết được làng xóm mình nhà ai có người “thoát ly”! Chúng tôi không biết phân biệt ai hơn ai. Cứ biết họ “ăn cơm Nhà nước”, có nghỉ phép, có viết thư, có người nói tiếng Nghệ pha tiếng Bắc, có đồng hồ,… là “có đẳng cấp”, hơn người ở nhà (!).

Khi những đợt gió mùa đông bắc, đưa cái rét lạnh, mưa phùn về, cả làng đang rộ mùa cấy thì lác đác đã có người ở xa về quê. Bọn con nít như những “cái ra đa”, bắt sóng mau lắm. Chúng tôi lon ton kéo nhau chạy đến. Ai có cái chi hay là tò mò, trầm trồ, bàn luận. Đứa nào đứa nấy chân đất, áo quần lôi thôi, không đứa mô biết chào hỏi, cứ ngó nghiêng tha thẩn,… chờ quà!

Có những bác mang cả gói kẹo Hải Châu ra hỏi con cháu nhà ai, rồi chia mỗi đứa dăm viên mứt lạc, vài ba chiếc kẹo vuông vức, xinh xắn. Bọn tui xem kỹ những cái hoa, đọc từng con chữ trên giấy kẹo. Trong lại có lớp giấy sáp mờ, ăn được luôn! Có những loại kẹo sang trọng, bọc trong giấy bóng màu, ăn xong, lấy tờ giấy bóng làm kính để treo hoặc cất kỹ để cắt chủ công. Ngày ấy, đã kẹo thì kẹo chi cũng ngon, cũng để dành và ngon đến lạ!

Có những bác về đến nhà là mang một phong pháo ra đốt. Ở làng quê không ai biết làm pháo. Cả nước nổi tiếng với pháo Bình Đà. Pháo tép nhỏ, nổ đì đẹt. Sau này có pháo Điện Quang to, kêu lắm! Pháo nổ, cả bọn con nít xông đến, bịt tai, nhảy cẫng. Tiếng nổ dứt là cả bọn nhào vô tìm pháo tịt. Chó chạy loăng quăng, nấp khắp bờ bụi!

Ngày Tết, người đi xa về quê ăn Tết thường dạo khắp xóm. Họ thăm thú, chúc Tết bà con, tặng quà, lì xì, mừng tuổi cho người già, con trẻ.

Lại có người ở xa, bận công tác không về được. Họ gửi Thư chúc Tết được ướp dầu thơm – Đó là món quà tao nhã, sang trọng lắm. Bên trái có in mấy hoa đào phớt hồng; họ nắn nót ghi nội dung chúc Tết. Nhà nào có thư chúc Tết là quý và trân trọng lắm. Thư được trang trọng dán lên hạ nhà, chủ nhà có vẻ tự hào, nhiều năm sau vẫn còn nhắc đến họ!

Ngày nay, người đi xa nhiều hơn người ở nhà. Quán xá đến tận xóm. Hàng hóa gần như bão hòa. Ra cổng cũng có những hộp kẹo, mứt như ở phố. Chiếc điện thoại cầm tay đã rút ngắn không gian, thời gian. Phần lớn con trẻ không còn háo hức với bánh kẹo, áo quần như ngày trước. Ai đi, ai về, chúng không còn mấy quan tâm!

Thương nhớ một thời – Tết nghèo trên quê nghèo nhưng đầm ấm, yêu thương đến lạ.


Bài: Anh Đặng
Ảnh minh họa: Tư liệu