Qua đấu tranh phòng chống tham nhũng lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử lý một số vụ việc lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách hoặc lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi. Điển hình ngày 24/3/2022, ba cán bộ công tác tại Sở Kế hoạch – đầu tư và Phòng Hỗ trợ doanh nghiệp Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An là Nguyễn Trọng Bình, Phan Đình Hiền và Lưu Thị Thanh Tâm đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An cùng với Viện KSND cùng cấp khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 2, Điều 356, Bộ luật Hình sự.
Bước đầu các đối tượng khai nhận: Từ năm 2017 đến khi bị bắt, đã móc nối với nguyên Giám đốc Công ty TNHH xây dựng, thương mại, tổng hợp Phước An để tiếp nhận hơn 3.000 bộ hồ sơ làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra đã thu thập được nhiều hồ sơ, tài liệu phản ánh hoạt động “môi giới” dự án trên các lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, xây dựng.
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi cố ý trực tiếp lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện vì vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác. Thông qua các vụ án thường cho thấy dấu hiệu của “lợi ích nhóm” khi liên quan đến nhiều người kéo theo cả lãnh đạo chủ chốt ngành, địa phương do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử trong tháng 10-11/2021, liên quan đến sai phạm trong chi trả tiền hỗ trợ sản xuất cho người dân khắc phục hậu quả sau bão lụt năm 2020, Công an huyện Anh Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố bị can đối với 5 cán bộ xã Khai Sơn. Trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh nguyên Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Văn Đạo – nguyên Phó Chủ tịch UBND xã này.
Tương tự, vào ngày 13/8/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can ở xã Hợp Thành, huyện Yên Thành về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự. Theo tài liệu điều tra: Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, ông Nguyễn Văn Mão, thời điểm đó là Chủ tịch UBND xã Hợp Thành đã chỉ đạo cấp dưới gồm ông Trương Văn Chung – nguyên Kế toán trưởng UBND xã, ông Nguyễn Công Bằng – nguyên là công chức địa chính, xây dựng, bà Nguyễn Thị Thương – nguyên là công chức Tư pháp kiêm thủ quỹ UBND xã lấy tiền ngân sách chi đối ngoại, giao dịch, chi nội bộ trái quy định. Để hợp thức hoá khoản chi này, ông Mão đã chỉ đạo các đối tượng trên lập khống hồ sơ chi hỗ trợ xây dựng Nhà Văn hóa xóm Chùa, xã Hợp Thành, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 300 triệu đồng. Trên thực tế Nhà Văn hóa xóm Chùa, xã Hợp Thành đã được UBND xã hỗ trợ xây dựng vào năm 2017, số tiền 350 triệu đồng.
Hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo; công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc, người đứng đầu thiếu gương mẫu… Điển hình như sai phạm liên quan đến quá trình thực hiện Đề án phát triển kinh tế – xã hội dân tộc Ơ Đu xảy ra ở Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, 3 cán bộ có liên quan đã bị khởi tố và xét xử cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” (riêng ông Lương Thanh Hải – nguyên Trưởng ban đã bị khởi tố và xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”).
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống rất nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Bởi vậy đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn này có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước liêm chính và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Cùng với lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền trong thi hành công vụ thì hành vi “giả mạo trong công tác”, “tham ô tài sản” cũng là hành vi vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật diễn ra tại một số địa phương trong thời gian qua. Điển hình trong tháng 8 và tháng 10/ 2021, Công an huyện Quỳnh Lưu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Bá Thái, nguyên Trưởng Công an xã Quỳnh Giang; Nguyễn Ngọc Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân và Chu Thị Ngọc – nguyên Ủy viên BCH Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang) cùng về tội “Giả mạo trong công tác”. Cụ thể là làm giả hộ khẩu cho Cao Văn Trực (SN 1991) trú tại thôn 1, xã Quỳnh Giang (là em rể của bà Ngọc thời điểm đang là Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giang) nhằm hợp thức hoá, che giấu việc sử dụng giấy phép lái xe giả của Trực mục đích là để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của đối tượng này trong một vụ án tai nạn giao thông trước đó.
Vì hành vi giả mạo trong công tác (lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu, làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn… vì mục đích cá nhân), thuộc 1 trong 15 hành vi tham nhũng bị nghiêm cấm được quy định lại Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, bà Ngọc và các cán bộ liên quan không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn bị khai trừ khỏi Đảng.
Bên cạnh đó, lợi dụng cơ chế kiểm soát chưa chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, một số cán bộ, công chức viên chức còn cấu kết với nhau để tham ô tài sản của nhà nước. Điển hình là vụ việc tham ô tài sản xảy ra tại trường THCS Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc). Theo hồ sơ, Vương Thị Nga nguyên là kế toán trưởng của Trường THCS Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc), là người có chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm trong việc lập dự toán quỹ lương, thanh toán lương cho giáo viên trong trường. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, từ năm 2013 đến 2017, Nga đã cố ý lập sai bảng lương để được Phòng Tài chính kế hoạch huyện duyệt, trình UBND huyện Nghi Lộc quyết định giao dự toán cao hơn thực tế quy định nhằm rút được nhiều tiền hơn thực tế mức lương trường được cấp từ Kho bạc.
Sau khi rút tiền từ kho bạc về thanh toán cho giáo viên, còn thừa số tiền kê chênh lệch, Vương Thị Nga và Lê Thị Tư (nguyên thủ quỹ của trường) đã thống nhất chia nhau để chiếm đoạt. Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền mà Nga lập sai dự toán quỹ lương của trường cao hơn thực tế là hơn 1,5 tỷ đồng. Nga chiếm đoạt hơn 900 triệu đồng. Tư chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng. Số tiền còn lại chia cho các giáo viên trong trường. Tại phiên tòa diễn ra vào tháng 9/2020, Hội đồng xét xử tuyên phạt Vương Thị Nga 7 năm tù; Lê Thị Tư 3 năm tù, cho hưởng án treo về tội Tham ô tài sản. Riêng Đậu Thị Tân – nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Vạn bị tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Những vụ việc trên là những câu chuyện buồn về đạo đức công vụ, biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của cán bộ, đảng viên. Những vụ việc này không chỉ gây thất thoát về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của bộ máy chính quyền nhà nước mà còn tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Theo đánh giá của công an tỉnh: Tội phạm tham nhũng là nhóm tội phạm có tỷ lệ ẩn cao, khó phát hiện, khi bị phát hiện, đối tượng thường thực hiện việc cất giấu, hợp thức hóa, tiêu huỷ tài liệu chứng cứ. Các vụ việc, vụ án về tham nhũng, chức vụ có đặc thù riêng về đối tượng đấu tranh và phương thức thủ đoạn phạm tội (chủ thể đặc biệt, có chức vụ, trình độ cao, có quan hệ xã hội rộng, am hiểu pháp luật…) đòi hỏi nhiều thời gian xác minh, điều tra, xử lý, họp bàn xin ý kiến cấp uỷ địa phương, thống nhất quan điểm của các cơ quan tư pháp.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, trong đó, nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
Thực tế chỉ ra rằng, trong cơ chế thị trường, cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, sa vào chủ nghĩa cá nhân dẫn đến lợi dụng chức quyền, vị trí công tác của mình để đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng Đảng về đạo đức, loại bỏ cán bộ, công chức nhũng nhiễu tiêu cực ra khỏi bộ máy.
(Còn nữa)