Phát huy vai trò, trách nhiệm đảng viên hưu trí – Bài 2: Tình trạng “trốn tránh” sinh hoạt

Qua rà soát cho thấy một số đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng phổ biến ở việc không chuyển sinh hoạt Đảng, hoặc có chuyển nhưng tự ý bỏ sinh hoạt, viện cớ thoái thác khi được giao nhiệm vụ ở địa phương nơi cư trú…

Phường Hưng Bình (TP. Vinh) có 1.390 đảng viên, với 89% là đối tượng hưu trí. Trong khi nhiều đảng viên thể hiện đầu tàu, gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ và các phong trào chung ở khối phố nơi cư trú, thì vẫn có một số đảng viên sau khi nghỉ hưu đã không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về Đảng bộ phường. Theo đồng chí Hoàng Thị Thanh Loan – Bí thư Đảng ủy phường Hưng Bình: Qua rà soát phát hiện từ năm 2017 trở về trước, có khoảng 200 hồ sơ chuyển về Thành ủy Vinh, đảng viên không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng về phường. Năm 2016 đã có một trường hợp bị xóa tên do không chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú.

Bí thư Thành ủy Vinh – đồng chí Võ Viết Thanh cho biết: Tình trạng đảng viên về hưu không nộp hồ sơ Đảng ở nơi cư trú hoặc có nộp nhưng không tham sinh hoạt Đảng đã, đang diễn ra ở nhiều địa bàn và ở nhiều đối tượng như: công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, có cả cán bộ lãnh đạo các cơ quan đầu ngành cấp tỉnh; cấp thành phố, cán bộ trung, cao cấp trong lực lượng quân đội, công an… Theo thống kê sơ bộ trong năm 2017, thành phố Vinh có khoảng 300 trường hợp không nộp hồ sơ Đảng ở nơi cư trú. Bên cạnh tâm lý chung là về hưu muốn nghỉ ngơi, sức khỏe yếu, cũng có một bộ phận đảng viên tự đánh mất phẩm chất, không trung thành với lý tưởng của Đảng…

Tại huyện Nam Đàn, Ban Tổ chức Huyện ủy hiện đang xem xét về việc xóa tên 7 trường hợp không chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng. “Đây mới chỉ là những trường hợp hồ sơ chuyển về huyện nhưng không chuyển sinh hoạt về xã, ngoài ra những trường hợp khác không chuyển về thì không thể nắm được. Điều này cho thấy kẽ hở trong công tác quản lý đảng viên” – đồng chí Hoàng Xuân Thủy – Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn cho biết.

Nhiều bí thư chi bộ khối xóm phản ánh: “Chúng tôi biết đó là đảng viên nhưng khi cấp ủy gặp và trao đổi, cá nhân đó trả lời là đã chuyển sinh hoạt Đảng về quê. Quả thực chi bộ cũng không nắm được họ có sinh hoạt ở quê hay không, vì không có điều kiện để thẩm tra, nhưng theo nguyên tắc thì đúng ra họ phải chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Cũng có trường hợp đúng là có chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng về quê, nhưng không tham sinh hoạt thường xuyên mà chỉ nhờ người điểm danh, ghi tên vì ở quê toàn anh em, họ hàng thân thiết”. Thậm chí, như một bí thư chi bộ của một phường trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: “Có đảng viên lúc về hưu không chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng, nhưng khi con cái làm hồ sơ kết nạp Đảng, cần xác minh lý lịch tại nơi cư trú quay về xin chi bộ xác nhận… Tuy nhiên không được chi bộ nơi cư trú chấp nhận”.

Đảng viên tham gia ý kiến tại sinh hoạt chi bộ Khối Trung Yên, phường Hưng Dũng, TP Vinh. Ảnh tư liệu
Đảng viên tham gia ý kiến tại sinh hoạt chi bộ Khối Trung Yên, phường Hưng Dũng, TP Vinh. Ảnh tư liệu

Đồng chí Dương Công Hợi – Bí thư Chi bộ khối 5, thị trấn Hưng Nguyên  cho rằng: “Hiện tượng đáng buồn là những trường hợp đảng viên khi đang công tác thì “chạy chức, chạy quyền”, giờ về hưu lại “trốn chức, trốn quyền”, không muốn tham gia công việc thôn xóm, ngại sinh hoạt chi bộ”. Ngay như trên địa bàn khối 5 cũng có 2 trường hợp là sỹ quan quân đội về hưu không tham gia sinh hoạt Đảng; một trường hợp nhà ở tại TP. Vinh nhưng đã chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng về tại địa bàn khối 5, thị trấn Hưng Nguyên vì có mẹ đẻ đang sinh sống ở đây. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tráng – Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Nguyên, hiện tượng như trên không phải là hiếm, bản thân đồng chí cũng đã từng trực tiếp vận động, thuyết phục một số cán bộ, sỹ quan trong lực lượng vũ trang có ý định không tham gia sinh hoạt Đảng khi về hưu, mặc dù con cái họ đều là đảng viên và đang công tác trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang. Đó là một thực trạng đáng lo ngại…

Đồng chí Lê Trung Thái – Bí thư Chi bộ xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc (TP. Vinh) cho rằng: “Việc đảng viên về hưu không chuyển hồ sơ tham gia sinh hoạt Đảng là một kẽ hở trong công tác quản lý về đảng viên. Ngay trong Chi bộ xóm Xuân Hùng cũng có 4-5 trường hợp như thế. Điều này ảnh hưởng đến không chỉ uy tín của cá nhân đảng viên mà còn của cả tổ chức Đảng…”.

Thanh Chương là huyện có đông đảng viên hưu trí với 2.855 đồng chí, trong đó số được miễn sinh hoạt là 1.460 trường hợp. Đồng chí Nguyễn Trọng Anh – Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho rằng việc miễn sinh hoạt Đảng cho đảng viên tuổi cao, sức yếu, không thể tham gia sinh hoạt Đảng được là chủ trương rất nhân văn của Đảng, cho phép đảng viên được miễn sinh hoạt nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ các quyền lợi: Được dự đại hội đảng viên; được cung cấp thông tin theo quy định, được xét tặng Huy hiệu Đảng khi có đủ tiêu chuẩn… Tuy vậy, vẫn có một bộ phận đảng viên đã lợi dụng quy định này (tuổi chưa cao, vẫn còn đủ sức khỏe) nhưng vẫn làm thủ tục miễn sinh hoạt Đảng; có tình trạng này là do đảng viên thiếu  tính tự giác, gương mẫu, phai nhạt ý chí chiến đấu. Chi ủy chi bộ còn nể nang, thiếu nghiêm túc trong việc xét miễn sinh hoạt Đảng.

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 40.633 đảng viên đã nghỉ hưu và nghỉ công tác. Trong đó số được miễn công tác và sinh hoạt là 16.561 (chiếm 40.75%), là một con số khá lớn. Việc miễn sinh hoạt đối với đảng viên tuổi cao, sức khỏe yếu là chủ trương đúng và được các TCCS Đảng và đảng viên chấp hành khá nghiêm túc. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có những trường hợp vận dụng không đúng đối tượng. Một số đảng viên (có cả cán bộ thường vụ huyện ủy, cấp ủy các sở, ban, ngành về hưu) viện nhiều lý do như sức khỏe, bận chăm con, chăm cháu để xin miễn sinh hoạt Đảng. Trong khi thực tế họ vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào ở cơ sở, tham gia sinh hoạt trong các chi hội CCB, phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu giáo chức, công an hưu trí…

Đồng chí Lang Văn Xuân - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu trao đổi với các đảng viên chi bộ bản Hội 1.
Đồng chí Lang Văn Xuân - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu trao đổi với các đảng viên chi bộ bản Hội 1.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng đảng viên về hưu thoái thác không muốn nhận nhiệm vụ ở khối, xóm, đến kỳ đại hội chi bộ là viện lý do để đi “trốn”, một bộ phận đảng viên không muốn tham gia việc xóm, việc làng nhưng luôn tỏ thái độ công thần, hay nói ngang, nói trái, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ khiến công tác tìm kiếm nhân sự cho các vị trí chủ chốt ở khối, xóm gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong điều kiện hiện nay khi toàn tỉnh đang thực hiện chủ trương “phủ sóng” xóm, khối trưởng là đảng viên. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ khối xóm cho rằng: Đây là một thực tế đáng lo ngại dễ dẫn đến nguy cơ tái trắng, làm suy giảm tính chiến đấu của chi bộ, nhất là đối với các chi bộ ít đảng viên. Bởi thực tế hiện nay việc kết nạp đảng viên mới ở cơ sở rất khó khăn do không có nguồn, bên cạnh đó là hiện tượng nhiều đảng viên trẻ rời địa bàn đi làm ăn xa, nếu như đảng viên hưu trí không chịu thay nhau “đứng mũi, chịu sào” sẽ tạo ra một khoảng trống lớn ở cơ sở.

Nói về nguyên nhân của các hiện tượng trên, đồng chí Lê Quốc Khánh – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận định: Việc lạm dụng chủ trương miễn sinh hoạt, trốn không tham gia sinh hoạt Đảng, thoái thác trách nhiệm công dân nơi cư trú của một bộ phận đảng viên về hưu là biểu hiện của sự suy thoái. Xuất phát từ sự thiếu tự giác, thiếu gương mẫu, thiếu tính Đảng của một số đảng viên. Nhiều nơi, chi bộ còn có sự cả nể, thiếu tính đấu tranh, tính chiến đấu, chưa phát huy tinh thần phê bình và tự phê bình đối với đảng viên…

Nguyên nhân nữa, theo đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, là do đảng viên về hưu có lương không phải nặng gánh về kinh tế nên không muốn tham gia vào các chức danh ở thôn xóm, một số đảng viên ngại tham gia sinh hoạt chi bộ vì sợ bị giao trách nhiệm, “quy hoạch” vào vị trí bí thư, xóm trưởng, hay trưởng phó các chi hội đoàn thể, tâm lý không muốn va chạm, ngại áp lực…

Ngoài ra, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc một số đảng viên “trốn” sinh hoạt Đảng là do nội dung, chất lượng, hình thức sinh hoạt Đảng tại một số tổ chức cơ sở Đảng chưa thực sự nghiêm túc, hiệu quả. Trên thực tế, có không ít chi bộ ở địa phương nội dung sinh hoạt đơn điệu, tẻ nhạt, ít thông tin, thiếu sinh động. Hoặc sinh hoạt theo kiểu đối phó, hình thức, máy móc, không thể hiện được vai trò, vị trí, năng lực và sức chiến đấu của Đảng… dễ gây nhàm chán, xơ cứng không tạo sức hút đối với đảng viên.

Tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt, không nộp hồ sơ, khai không trung thực về nơi sinh hoạt Đảng và nơi cư trú; lạm dụng việc miễn sinh hoạt Đảng; có biểu hiện trốn tránh tham gia giữ các chức vụ bí thư, phó bí thư chi bộ, khối trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận ở khối xóm; tham gia sinh hoạt chiếu lệ, không nghiêm túc… đã làm giảm sút nghiêm trọng niềm tin của nhân dân đối với hình ảnh của người đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Bên cạnh đó còn tạo ra sự tác động lớn đến tư tưởng, tâm lý phấn đấu vào Đảng, mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ, những nhân tố tích cực rất cần cho Đảng.

Chi bộ Yên Lương (xã Giang Sơn Đông - Đô Lương) tham gia làm đường giao thông với người dân.
Chi bộ Yên Lương (xã Giang Sơn Đông - Đô Lương) tham gia làm đường giao thông với người dân.

Về khía cạnh tổ chức, phần nào ở đó thể hiện sự buông lỏng của một số cấp ủy Đảng, chi bộ trong việc quản lý đảng viên hưu trí, đồng thời cho thấy những hạn chế trong các khâu, quy trình làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên hưu trí. Mặt khác, cán bộ làm công tác nghiệp vụ chưa làm tròn trách nhiệm, nể nang, thậm chí có trường hợp nắm chưa chắc nghiệp vụ công tác Đảng; công tác kiểm tra, giám sát, sự phối hợp giữa cấp ủy nơi đảng viên chuyển đi và nơi đến còn lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Đó cũng chính là những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta nhận diện và chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Thực tế đáng lo ngại này đòi hỏi ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần có những giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, siết chặt công tác quản lý đối với đội ngũ đảng viên về hưu, nghỉ công tác…