Phát huy vai trò, trách nhiệm đảng viên hưu trí – Bài cuối: Đề cao tính tự giác, gương mẫu

Thực tế cho thấy, công tác quản lý hoạt động đảng viên hưu trí hiện nay cần có những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc nghiêm túc của cấp ủy các cấp; qua đó kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện suy thoái và nhất là phải phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của đội ngũ này trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Theo đồng chí Lê Quốc Khánh – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Dù vì bất cứ lý do gì thì hiện tượng đảng viên hưu trí bỏ sinh hoạt Đảng, lạm dụng quy định miễn sinh hoạt Đảng, trốn tránh, thoái thác nhận nhiệm vụ là đều chứng tỏ tinh thần, thái độ, ý thức, trách nhiệm chưa cao. Đây chính là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã chỉ ra.

Thời gian qua, công tác chuyển thủ tục sinh hoạt Đảng cho đảng viên hưu trí có nơi còn lỏng lẻo, việc thực hiện các khâu, quy trình chuyển sinh hoạt Đảng được quy định tại Điểm a, Điểm c mục 6.3, Điều 6, Quy định 29-QĐ/TW về thi hành Điều lệ Đảng, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chưa nghiêm. Việc ghi phiếu báo hồ sơ tới nơi chuyển đảng viên sinh hoạt có nơi thực hiện còn qua loa, đại khái, có trường hợp cán bộ làm thủ tục chuyển hồ sơ nể nang, ghi nơi chuyển đến không khớp với nơi đảng viên cư trú hiện tại… dẫn tới thực trạng có một bộ phận không nhỏ đảng viên không nộp hồ sơ, tự ý bỏ sinh hoạt Đảng.

Ông Phạm Tri Phương - Bí thư chi bộ xóm 8, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) thường xuyên quan tâm tới phát triển kinh tế của người dân.
Ông Phạm Tri Phương - Bí thư chi bộ xóm 8, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) thường xuyên quan tâm tới phát triển kinh tế của người dân.

Mặt khác, theo quy định tại Điểm d, Mục 6.3, Điều 6, Quy định 29-QĐ/TW: “Khi chuyển sinh hoạt Đảng chính thức cho đảng viên, cấp ủy nơi đảng viên đang sinh hoạt và công tác làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức Đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt Đảng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương”. Vì vậy, hầu hết chi bộ đều giao cho đảng viên tự cầm hồ sơ để làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng, dẫn tới “kẽ hở” trong công tác quản lý đảng viên khi một số trường hợp thiếu tính tự giác, cầm hồ sơ gốc về nhà “cất tủ” chứ không nộp cho tổ chức cơ sở Đảng cấp trên nơi có thẩm quyền để chuyển sinh hoạt Đảng.

Về nguyên tắc, tổ chức Đảng ở đơn vị mới không nhận được giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng, thì dù biết người đó là đảng viên cũng không công nhận là đảng viên. Còn tổ chức Đảng ở đơn vị cũ đã chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên do mình quản lý trước đó là coi như hết trách nhiệm.

Do vậy, để quản lý tốt hồ sơ đảng viên hưu trí, chấn chỉnh tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt, theo đồng chí Lê Quốc Khánh: “Cần phải khép kín quy trình chuyển sinh hoạt Đảng. Cấp ủy cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt trước khi nghỉ hưu phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên tại đảng ủy cấp trên cơ sở, để cấp trên cơ sở viết phiếu báo gửi về cấp ủy và cấp ủy cấp trên cơ sở nơi đảng viên sinh hoạt sau khi nghỉ hưu; sau đó mới cầm hồ sơ và giấy chuyển sinh hoạt về giao cho đảng viên thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình chuyển sinh hoạt Đảng về nơi cư trú. Vì vậy, cần đề nghị Trung ương nghiên cứu để quy định lại cho thống nhất. Mặt khác, trong Hướng dẫn số 01-HD/TW về thi hành Điều lệ Đảng mới chỉ nói chung các trường hợp chuyển sinh hoạt Đảng, nên chăng Ban Tổ chức Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể riêng cho đối tượng đảng viên hưu trí, bởi đây là đối tượng có số lượng lớn (riêng Nghệ An theo kết quả thống kê năm 2017 là 40.633 đồng chí), có ảnh hưởng rất quan trọng đến chất lượng, năng lực, sức chiến đấu của các chi bộ cơ sở khối huyện, thành, thị ủy”.

Những con đường hoa ở xóm 4, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn đã và đang được hình thành nhờ sự tiên phong của cán bộ, đảng viên.
Những con đường hoa ở xóm 4, xã Nam Lĩnh, huyện Nam Đàn đã và đang được hình thành nhờ sự tiên phong của cán bộ, đảng viên.

Đối với thực trạng ghi phiếu báo hồ sơ chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc, hoặc ghi nơi chuyển đến không khớp với nơi đảng viên cư trú hiện tại, đồng chí Hoàng Văn Phi – Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên cho rằng: “Quy định số 29-QĐ/TW, Hướng dẫn số 01-HD/TW của Trung ương, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương đã quy định rõ trách nhiệm của Đảng ủy cấp trên cơ sở, phải viết 2 phiếu báo chuyển sinh hoạt Đảng, gửi bằng đường công văn (1 phiếu gửi cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi đảng viên chuyển đến, 1 phiếu gửi cấp ủy cơ sở nơi đảng viên chuyển đến). Vì vậy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc gửi phiếu báo chuyển sinh hoạt, lưu trữ, cập nhật hồ sơ sổ sách, từ đó sẽ cho ra kết quả so sánh tổng số lượng đảng viên nghỉ hưu của đảng bộ và số lượng phiếu chuyển trong năm”.

Đối diện với thực trạng đảng viên cư trú một nơi nhưng khi về hưu lại xin chuyển hồ sơ Đảng đi sinh hoạt nơi khác (ví dụ nhà ở thành phố nhưng xin chuyển về quê), đồng chí Hoàng Thị Thanh Loan – Bí thư Đảng ủy phường Hưng Bình (TP. Vinh) cho hay: Những trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn muốn chuyển sinh hoạt Đảng nơi khác, Đảng ủy phường đều yêu cầu phải có ý kiến xác nhận của cấp ủy nơi chuyển đến thì mới làm thủ tục chuyển. Đồng thời đề nghị các chi bộ cơ sở phải sâu sát, nắm bắt, rà soát thường xuyên những trường hợp đảng viên sắp về hưu, đảng viên chuyển từ đơn vị khác về trên địa bàn sinh sống nhưng không chuyển sinh hoạt để báo cáo với cấp trên. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động đảng viên phát huy tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu trong tham gia sinh hoạt Đảng.

Một giải pháp quản lý hoạt động của đảng viên hưu trí được các cấp ủy, lãnh đạo Ban Tổ chức các huyện, thành, thị ủy đồng tình cao, đó là khi phát hiện đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng, cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về xóa tên đảng viên, đây chính cũng là biện pháp nhằm thể hiện tính nghiêm minh trong việc thi hành Điều lệ Đảng.

Đối với tình trạng làm dụng chủ trương miễn sinh hoạt Đảng, đồng chí Lê Quốc Khánh – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng “đây chính là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đảng viên, để chấn chính tình trạng này, Ban Tổ chức Trung ương cần tham mưu để Trung ương điều chỉnh, quy định thẩm quyền miễn sinh hoạt Đảng phải là Đảng bộ cơ sở, đồng thời kèm theo đơn xin miễn sinh hoạt cần có xác nhận của cơ quan y tế xác nhận tình trạng sức khỏe không đảm bảo để tham gia sinh hoạt Đảng”.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần đẩy mạnh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết hợp tuyên truyền giáo dục, nêu gương, nâng cao tính chiến đấu của cấp ủy, chi bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên.

Nhờ sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên, đời sống, vật chất tinh thần của người dân xóm 2, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên không ngừng được nâng lên
Nhờ sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên, đời sống, vật chất tinh thần của người dân xóm 2, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên không ngừng được nâng lên

Quan tâm tới vấn đề đảng viên hưu trí có biểu hiện đùn đẩy, trốn tránh tham gia giữ các chức vụ ở khối xóm, đồng chí Hoàng Xuân Thủy – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn nêu: “Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục cho đảng viên nâng cao tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ Đảng giao, phát huy trí tuệ để xây dựng quê hương, thì các cấp ủy, chi bộ cơ sở, huyện ủy cần quan tâm tới công tác quy hoạch, giới thiệu nguồn kế cận, quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, thông suốt tư tưởng cho đảng viên. Mặt khác, đối với những đảng viên cố tình không nhận nhiệm vụ, các cấp ủy chi bộ quản lý trực tiếp cần có các biện pháp tham mưu cho đảng ủy cấp trên xử lý kỷ luật đảng viên theo quy định. Tránh tình trạng mặc dù đảng viên có biểu hiện thoái thác, trốn tránh trách nhiệm ở địa phương nhưng xếp loại cuối năm vẫn hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp cũng cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hình thức sinh hoạt chi bộ đảm bảo ngắn gọn, dân chủ, khoa học; kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những đảng viên sinh hoạt không nghiêm túc đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Đội ngũ đảng viên hưu trí của cả nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng là lực lượng rất quan trọng, đóng vai trò nòng cốt của chi bộ cơ sở khối huyện, thành thị. Đây là đội ngũ có trí tuệ, kinh nghiệm, đã kinh qua nhiều lĩnh vực, môi trường công tác, có trình độ hiểu biết sâu rộng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, vì vậy có nhiều đóng góp trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tuy vậy, đội ngũ này cũng có những nét đặc thù riêng, có tâm lý muốn nghỉ ngơi sau một thời gian dài cống hiến cho xã hội, một mặt nào đó đây là nhu cầu chính đáng của cá nhân và cần được thông cảm, chia sẻ. Tuy nhiên, như đồng chí Nguyễn Bá Dinh – Bí thư Chi bộ xóm 10, xã Nghi Long (Nghi Lộc) chia sẻ: “Dù ở môi trường, hoàn cảnh nào, người đảng viên đều phải giữ vững lập trường cách mạng, phẩm chất, đạo đức, giữ vững lời thề danh dự của mình với Đảng”. Trước khi nghỉ hưu, đảng viên Nguyễn Bá Dinh đã có 30 năm công tác với các vị trí Bí thư Đoàn xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã rồi Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã. Sau khi về hưu đồng chí nhiệt tình gánh vác nhiệm vụ Bí thư Chi bộ xóm đã hơn 10 năm. Dù con cái trưởng thành, bản thân có lương hưu, nhưng hai vợ chồng đảng viên Nguyễn Bá Dinh vẫn tham gia làm 7 sào ruộng, bởi như đồng chí chia sẻ: “Người dân đa số làm nông nghiệp nên tôi phải tham gia sản xuất để gần dân, hiểu dân và giúp chi bộ đưa ra những chương trình, nghị quyết sát thực với thực tiễn”.

Ông Phan Sỹ Lý, 60 năm tuổi đảng, ở chi bộ khối 22 phường Hưng Bình (TP. Vinh) trao đổi với phóng viên.
Ông Phan Sỹ Lý, 60 năm tuổi đảng, ở chi bộ khối 22 phường Hưng Bình (TP. Vinh) trao đổi với phóng viên.

Đồng chí Phan Sỹ Lý, 85 tuổi đời, 60 tuổi Đảng ở khối 22, phường Hưng Bình (TP. Vinh) thì bày tỏ: “Điều lệ Đảng không quy định tuổi “nghỉ hưu” cho đảng viên. Còn sức khỏe, còn cống hiến. Vì vậy, mỗi đảng viên đừng tự biến mình thành “một bộ phận không nhỏ” có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ngược lại, đảng viên phải luôn phát huy tính Đảng trên mọi phương diện, nhất là trong sinh hoạt chi bộ và phải tự giữ lấy quyền lợi chính trị của mình để làm gương cho thế hệ trẻ”.

Bác Hồ đã từng nhắc nhở “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên.

Vì vậy, việc đảng viên khi về hưu không chuyển sinh hoạt Đảng, viện lý do “trốn” sinh hoạt chi bộ gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của không chỉ cá nhân đảng viên mà còn làm suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng. Trách nhiệm này không chỉ thuộc về những đảng viên có biểu hiện suy thoái mà còn là trách nhiệm chung của cấp ủy các cấp. Do đó, bên cạnh công tác quản lý, việc khơi gợi, phát huy vai trò đội ngũ đảng viên hưu trí để họ thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong hệ thống chính trị cơ sở, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp. Quan trọng hơn, bản thân đảng viên là những cán bộ nghỉ hưu cần nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác chấp hành nghiêm quyền và nghĩa vụ của người đảng viên đã được ghi trong Điều lệ Đảng, tiếp tục trui rèn đạo đức cách mạng, đóng góp xây dựng tổ chức Đảng nơi cư trú vững mạnh./.