Lũ lụt và những vấn đề đặt ra: Bài cuối: Giải pháp cấp thiết có tính lâu dài

Theo nhiều chuyên gia về khí tượng thủy văn, lũ ống, lũ quét là những hiện tượng dòng chảy cực đoan khi một khối lượng nước khổng lồ di chuyển nhanh từ địa hình cao xuống thấp. Do dòng nước chảy xiết cuốn theo nhiều vật chất như đất, đá, cây cối trên đường di chuyển nên nó có sức tàn phá lớn. Chính vì thế mà nó được ví như một dạng “tai biến” nguy hiểm có thể tàn phá nặng nề khu vực miền núi, nơi mà hình thái thiên tai này thường xuyên xuất hiện.

Vùng lũ ống, lũ quét ở miền núi Nghệ An được chia thành 2 khu vực hữu ngạn và tả ngạn hệ thống sông Cả. Trong đó, vùng tả ngạn gồm địa phận các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, một phần phía Tây Bắc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn; phía vùng hữu ngạn sông Cả, gồm khu vực Tây Nam huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Mức độ tập trung các khu vực lũ ống, lũ quét không đồng đều, đạt mật độ rất cao ở huyện Tương Dương (các xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa), và phía Nam huyện Quế Phong (Nậm Giải, Tri Lễ)…

Để cảnh báo tình hình mưa lũ, trên hệ thống sông Cả thuộc địa phận Việt Nam, đã có nhiều trạm quan trắc, trạm khí tượng, thủy văn được bố trí dọc sông Cả và các phụ lưu, cho các kết quả dự báo tương đối chính xác về tình hình mưa lũ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Tiến – Phó Giám đốc Đài Khí tượng, thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, hiện nay điểm xa nhất đặt trạm khí tượng thủy văn là tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), trong khi phần lưu vực sông Cả rộng lớn nằm trên đất Lào thì chưa có một trạm quan trắc nào, việc trao đổi thông tin, dữ liệu cảnh báo mưa lũ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay hệ thống ra-đa cũng chỉ quét được trong phạm vi 300 km, còn để có thể cảnh báo sớm trong phạm vi xa hơn nữa thì chưa thể.

Cống Diễn Thành (Diễn Châu) giảm ngập cho huyện Yên Thành và Diễn Châu. Ảnh: Trân Châu
Cống Diễn Thành (Diễn Châu) giảm ngập cho huyện Yên Thành và Diễn Châu. Ảnh: Trân Châu

Cũng theo ông Tiến, hiện nay sự phát triển về khoa học công nghệ đã cho phép chúng ta có thể cảnh báo sớm tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất thông qua việc chụp, chiếu địa hình từ vệ tinh hoặc xây dựng các trạm cảnh báo. Tuy nhiên, chi phí cho giải pháp này là rất lớn, vì thế, đến nay vẫn rất khó thực hiện được. Việc tìm giải pháp hữu hiệu để phòng tránh lũ ống, lũ quét cũng đang là một thách thức lớn, bởi hình thái thiên tai này thường xuất hiện bất ngờ, không cố định tại một địa điểm nào. Vì vậy, hiện nay một trong những giải pháp trước mắt giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do lũ ống, lũ quét là phải sớm cảnh báo, thực hiện di chuyển dân cư ra xa khu vực các khe, suối nhỏ, độ dốc lớn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các huyện vùng núi cao cần được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và hộ dân.

Ông Phan Trọng Dũng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong cho biết, địa phương có nhiều khu vực đặt trong tình trạng “báo động đỏ” về lũ ống, lũ quét như: Tri Lễ, Thông Thụ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng, Quang Phong. Đây là thực tế đáng lo ngại, bởi địa hình đồi núi có độ dốc lớn, nên khi xảy ra lũ thường gây hậu quả nặng nề đến người và tài sản. Tại huyện Quế Phong, sau cơn lũ quét khiến 13 người chết ở xã Nậm Giải vào năm 2007, người dân ở khu vực lũ quét đã được chủ động di dời lên vùng cao hơn, vì thế mà nguy cơ thiệt hại do lũ quét cũng được giảm xuống.

Ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh trao đổi: “Hiện nay rất khó có thể cảnh báo một cách sát nhất trên diện hẹp khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Mức độ cảnh báo chỉ có thể xác định theo khu vực trên diện căn cứ vào lượng mưa đo được trong một thời gian ngắn. Bởi thực tế hiện nay, chúng ta chưa có các phương tiện hiện đại để cảnh báo sớm cho chính quyền các địa phương biết mà phòng tránh. Về lâu dài, Nghệ An cũng đã nhiều lần kiến nghị Trung ương ưu tiên bố trí vốn để sớm di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhằm bảo đảm đời sống và sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra ở các khu vực này”.

Huyện Thanh Chương là địa phương hàng năm bị ngập lụt nặng nề. Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Thực tế, để có phương án phòng, chống lũ lụt mang tính bền vững, lâu dài trên địa bàn huyện rất khó, vì cấu trúc địa hình của các địa phương, đặc biệt là vùng rốn lũ không thể thay đổi được. Việc tiêu thoát nước tại các vùng này hoàn toàn phụ thuộc vào sông Lam; tuy nhiên, trong những trận lụt vừa qua, mực nước tại sông có thời điểm ngang bằng, thậm chí cao hơn phía trong, do đó, việc thoát nước không phải dễ dàng, do đó, bà con bắt buộc phải sống chung và tìm cách thích nghi với lũ.

Thực tế, như người dân vùng Bích Hào – hạ huyện đã có kinh nghiệm sống chung với lụt, bão từ bao đời nay, nên họ đã chủ động các phương án mỗi khi có thông báo thời tiết bất thường.

Phương án khả thi nhất để ứng phó trong mùa mưa, bão là huyện đã quán triệt tất các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Trong đó, việc chủ động các phương án phòng, chống lũ lụt là quan trọng nhất.

Tại huyện Hưng Nguyên, việc xây dựng các nhà chòi, cồn tự cứu để thích ứng với mùa mưa, bão được các hộ dân sống ngoài đê Tả Lam thực hiện liên tục trong những năm qua. Theo thống kê của xã Châu Nhân, toàn xã có 73 hộ nghèo, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà chòi chống lũ, mặc dù đã thi công được khoảng 10 năm nay, tuy nhiên, đến nay, các nhà chòi đều phát huy tác dụng. Trong trận mưa lũ lụt vừa qua, bà con xã Châu Nhân đa số đều không phải đưa tài sản, vật nuôi lên đê tránh lũ như các năm trước mà di chuyển lên nhà chòi để sinh hoạt, đảm bảo an toàn.

Ông Phan Đình Hoàn – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho biết: Bên cạnh những hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà chòi để tránh lũ mà những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động làm ăn gom góp, vay mượn để có thể xây được những ngôi nhà cao tầng rất hữu dụng trong mùa mưa lũ, nên bà con không còn phải di tản đi tránh lũ như trước kia mà có thể tá túc, sinh hoạt an toàn trên tầng, trên gác cao trong những ngày lũ về.

Ông Hoàng Anh Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết thêm: Phương án chống ngập lụt trên địa bàn huyện được phân bổ theo từng vùng rõ rệt. Đối với các địa phương sống ở ven sông Lam, tình trạng ngập lụt diễn ra hàng năm, không thể tránh khỏi thì phương án khả dĩ nhất là chủ động theo dõi tình hình thời tiết, di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi cao ráo để đảm bảo an toàn, nếu hộ nào không có tầng cao, gác mái, nhà chòi thì có thể chủ động đưa tài sản lên đê Tả Lam để tránh lũ.

Đối với các xã vùng trung tâm, địa phương đang tập trung chỉ đạo nạo vét, khơi thông hệ thống thủy lợi, đồng thời, kiến nghị với các cấp đầu tư nâng cấp tuyến đê Hoàng Cần và kênh T16 để chống ngập úng cho các xã vùng giữa của huyện. Đối với các xã giáp ranh với huyện Nghi Lộc, huyện đã có phương án xây dựng tuyến đê bao qua địa bàn xã Hưng Trung để chống ngập úng cho khu vực này, tuy nhiên, công trình này có nguồn kinh phí rất lớn nên huyện chưa thể triển khai được.

Về lâu dài, ở phía hạ du, để hạn chế tình trạng ngập lụt, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng để chia cắt lũ. Đối với hệ thống kênh tiêu thì phải nạo vét thông thoát các dòng chảy, trả lại mặt cắt đảm bảo tiêu thoát lũ. Đối với các hệ thống đê ngăn lũ năng lực yếu thì phải gấp rút hoàn chỉnh việc nâng cấp. Đối với vùng trũng, khi các hệ thống đê bao, đê sông đã đảm bảo rồi thì cần xây dựng hệ thống bơm tiêu, để chủ động bơm tiêu nước.

Tại thị xã Hoàng Mai, vào năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Tiểu dự án 3: Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Hoàng Mai, thuộc Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ, sử dụng vốn vay của cơ quan Phát triển Pháp. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện phần nào khả năng tiêu thoát nước cho thị xã Hoàng Mai. Thậm chí từng có ý tưởng đào con kênh qua Quốc lộ 1A để nắn dòng sông Hoàng Mai ngay đoạn khối Thịnh Mỹ, phường Quỳnh Thiện. Thế nhưng, dù chưa thực hiện được nhưng ý tưởng này cũng đã gợi mở cho chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan những giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng tại đây như những năm vừa qua.

Đặc biệt, vào ngày 11/10 vừa qua, tại huyện Quỳnh Lưu, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai tổ chức Hội thảo về kết quả nghiên cứu, đánh giá tình hình lũ, ngập lụt vùng hạ lưu – lưu vực sông Hoàng Mai, sông Thái và đề xuất giải pháp trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai. Từ kết quả nghiên cứu của Viện Thủy văn môi trường và biến đổi khí hậu của Đại học Thủy lợi, Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp cũng đã được các nhà nghiên cứu và chính quyền địa phương đưa ra như: Xây dựng đê bao bảo vệ vùng ngập lòng hồ Vực Mấu ở 2 xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu); Nạo vét sông Hoàng Mai nhằm tăng khả năng tiêu thoát lũ đoạn từ đường tàu (khu vực các xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang) đến xuống vùng cửa sông; Đào kênh thoát lũ tiếp dẫn từ đoạn sông Hoàng Mai đến phụ lưu số 3 của sông tại phường Quỳnh Dị (thị xã Hoàng Mai); Nâng cấp đê Quỳnh Dị; Xây dựng hệ thống cảnh bảo…

Đối với khu vực hạ lưu sông Thái chảy qua huyện Quỳnh Lưu, Hội thảo đề xuất phương án nạo vét kênh tiêu Bến Hải – Hói Muông – Phú Sỹ để giảm ngập cho xã Quỳnh Văn; Nạo vét sông Thái; Nâng cấp, gia cố đê sông Thái đoạn từ thị trấn Cầu Giát đến vùng cửa sông… Tuy nhiên, để hiện thực hóa những giải pháp mà hội thảo đưa ra, ước tính chi phí thực hiện lên đến 1.640 tỷ đồng, đây là con số đòi hỏi chính quyền địa phương các cấp cần phải cân nhắc khi tiến hành đầu tư.

Tóm lại, để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đối với thiên tai, lũ lụt trên địa bàn Nghệ An nói riêng, luôn là việc cần phải làm kịp thời với sự vào quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và của chính người dân; cùng đó, cần vận dụng hiệu quả sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn lực khác.