Lũ lụt và những vấn đề đặt ra: Bài 1: Ám ảnh những cơn “đại hồng thủy”

Có mặt tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn vào ngày 3/10 ngay sau khi xảy ra trận lũ ống, lũ quét đổ xuống 2 xã, đêm mồng 1 và sáng ngày 2/10, ai cũng bàng hoàng trước một cảnh tượng hoang tàn, đổ nát. Hai bên Quốc lộ 7 là đất đá vùi lấp cao quá đầu người, bịt kín cổng, tràn vào các ngôi nhà với độ dày 2 – 3m. Mọi tài sản, đồ đạc nếu không bị cuốn trôi thì cũng mất hút dưới bùn. Trên các trục đường chính ngổn ngang đá lớn nhỏ, có những tảng to bằng ngôi nhà đè bẹp tất cả những gì nó lướt qua.

Chỉ sau một đêm, 233 ngôi nhà của người dân và cơ quan chính quyền bị cuốn phăng hoặc sụp đổ, vùi lấp dưới hàng nghìn tấn bùn đất, đá núi. Kèm theo đó, 1 người thiệt mạng và hàng trăm tỷ đồng của cải, tài sản cũng trôi theo dòng lũ dữ. Ông Hạ Bá Chống ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ – 1 trong 2 bản vùng tâm lũ đổ xuống ở Kỳ Sơn, khi kể lại những gì bản thân và gia đình, bà con dân bản hứng chịu giọng vẫn còn thảng thốt: “Khoảng 1h đêm 1/10, chợt tỉnh giấc vì nghe tiếng người kêu cứu thất thanh, nghe tiếng suối chảy và đất đá lao xuống ầm ầm như tiếng máy bay trực thăng. Sau đó là nước chảy cuồn cuộn dâng cao tràn về các con khe trước và sau bản. Chỉ trong nháy mắt, 3 ngôi nhà phía đầu bản bị sập hoàn toàn. 1 cháu bé thiệt mạng, 3 người bị lũ cuốn trôi, trong đó có người em họ của tôi. Còn bản Hòa Sơn thì cả trăm ngôi nhà bị cuốn, bị ngập trong bùn, đất, đá” – ông Hạ Bá Chống nhớ lại.

Bản Hoà Sơn (Kỳ Sơn) bị thiệt hại nặng nề sau lũ quét. Ảnh: Thành Cường
Bản Hoà Sơn (Kỳ Sơn) bị thiệt hại nặng nề sau lũ quét. Ảnh: Thành Cường

Khi cơn lũ dữ đổ xuống, ngoài 1 người ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ bị tử vong; lũ còn cuốn trôi, làm hư hỏng, đổ sập 233 ngôi nhà; cuốn trôi 2 ô tô và 72 xe máy; 11 ô tô và 118 chiếc xe máy và xe đạp bị vùi lấp dưới bùn. Hàng trăm đồ gia dụng, đồ điện tử… cũng hư hỏng hoàn toàn. Mưa lũ làm ngập và sạt lở tắc đường rất nghiêm trọng, hàng chục điểm trên tuyến Mường Xén – Tây Sơn, xã Tây Sơn, Nậm Cắn bị cô lập hoàn toàn. Quốc lộ 7 trên địa bàn các xã Tà Cạ, Nậm Cắn sạt lở trên 11 điểm. Tuyến Tỉnh lộ 543D Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền sạt lở ta-luy dương khiến các phương tiện không thể lưu thông. Ngoài ra, trên nhiều tuyến đường vào các xã cũng sạt lở hàng chục điểm nghiêm trọng.

Trước đó gần 1 tháng, từ tối 4 đến 7/9, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng đã xảy ra trận mưa lớn tại một số xã như Hữu Kiệm, Chiêu Lưu, Bảo Nam, Tà Cạ, Phà Đánh… Nước từ khe, suối đổ về gây ra lũ quét, khiến nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, sập đổ, nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị ách tắc trong nhiều ngày liền. Có 138 ngôi nhà ở của người dân các xã: Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng bị ảnh hưởng, trong đó có 8 nhà ở kiên cố của người dân xã Bảo Nam và Hữu Lập bị sập hoàn toàn; gây sạt lở đường tại hàng chục điểm, với khối lượng hàng nghìn m3 đất đá tại các tuyến đường đi các xã Hữu Lập, Bảo Nam, Bảo Thắng, Hữu Kiệm… Trận lũ quét cũng khiến hơn 50 ha diện tích lúa hè thu – mùa bị thiệt hại nặng, chủ yếu tập trung ở các xã Chiêu Lưu, Hữu Lập và Phà Đánh. Nhiều diện tích lúa bị vùi lấp dưới lớp đất đá khó khôi phục.

Trong lúc miền núi gánh chịu nhiều thiệt hại do lũ ống, lũ quét, thì nhiều địa phương khu vực hạ du cũng bị ngập sâu trong nước lũ.

Hệ thống đường giao thông ở huyện Kỳ Sơn hư hỏng nặng sau lũ. Ảnh: Hoài Thu
Hệ thống đường giao thông ở huyện Kỳ Sơn hư hỏng nặng sau lũ. Ảnh: Hoài Thu

Cách đây chưa đầy 10 năm, đầu tháng 10/2013, thị xã Hoàng Mai lúc này mới thành lập đã phải hứng chịu trận lũ kinh hoàng nhất trong lịch sử khiến 3 người chết và mất tích, 8.000 hộ dân bị ngập sâu, 620 hộ phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm. Chưa kể hàng nghìn ha cây trồng, ao đầm nuôi tôm bị ngập và hàng nghìn vật nuôi bị nhấn chìm trong nước, cùng nhiều công trình Nhà nước bị hư hỏng. Con số thiệt hại sau đó được thống kê lên đến hơn 835 tỷ đồng.

Kể từ đó đến nay, liên tiếp nhiều lần thị xã này phải thường xuyên hứng chịu những trận lũ lớn nhỏ khác nhau. Năm 2021 cũng là trận lũ vào tháng 9 đã khiến cho 188 hộ của các phường, xã như Mai Hùng, Quỳnh Thiện, Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang bị ngập và nhiều diện tích rau, màu, ao hồ nuôi trồng thủy sản bị nhấn chìm, hư hỏng. Mới đây nhất là trận lũ từ ngày 29 đến 30/9 đã gây thiệt hại nặng nề cho thị xã Hoàng Mai về hoa màu, vật nuôi. Ngoài ra, ngập lụt cũng làm cho 3.385 hộ dân bị nước vào nhà, 144 hộ phải di dời… Đây được xem là trận lụt lớn tiệm cận với trận lụt lịch sử vào năm 2013 xảy ra trên địa phương này.

Vùng sản xuất rau lớn nhất TP. Vinh ngập sâu sau đợt mưa lũ 9/2022. Ảnh tư liệu: Quang An
Vùng sản xuất rau lớn nhất TP. Vinh ngập sâu sau đợt mưa lũ 9/2022. Ảnh tư liệu: Quang An

Ông Nguyễn Duy Thao – Phó Chủ tịch HĐND thị xã Hoàng Mai lo ngại rằng, trước đây khi nhắc đến lũ lịch sử người ta thường định hình một chu kỳ hàng chục năm, nhưng những năm gần đây, khoảng cách giữa các trận lũ lớn đã được rút ngắn với tần suất ngày càng nhiều hơn. Trong bối cảnh bê tông hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, khiến cho nước lũ khó tiêu thoát. Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng được xây dựng mới như đường cao tốc, đường ven biển… được làm cao hơn mực nước lũ đã vô tình biến thành những con đê, khiến nước lũ ở các địa phương phía trên sẽ rất khó tiêu thoát. Đây là một nguy cơ hiển hiện trước mắt, nếu không có giải pháp căn cơ thì chắc chắn việc ngập sâu hơn những năm tới đây là điều khó tránh khỏi.

Không riêng gì TX. Hoàng Mai, tại huyện Quỳnh Lưu, những năm gần đây tình trạng lũ lụt cũng diễn ra thường xuyên. Còn nhớ trận lũ vào cuối tháng 9/2021 cũng đã khiến cho hơn 3.000 hộ dân ở các xã: Quỳnh Lâm, Quỳnh Hồng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Giang, thị trấn Cầu Giát bị ngập. Riêng trận lũ xảy ra vào cuối tháng 9 vừa qua đã khiến cho gần 6.000 hộ dân bị nước vào nhà, nặng nề nhất là tại xã Quỳnh Lâm và thị trấn Cầu Giát. Mưa lũ cũng đã khiến cho 7 ngôi nhà trên địa bàn bị tốc mái, 450m đê sông, hồ đập bị sạt lở. Ngoài ra còn có hơn 1,4km đường giao thông bị sạt lở và khiến cho Quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Cầu Giát và Quốc lộ 48 qua xã Quỳnh Mỹ bị ngập sâu trong nhiều ngày liền, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của các phương tiện giao thông.

Lực lượng công an giúp người dân bản Hoà Sơn sau trận lũ quét. Ảnh: Tình Dương
Lực lượng công an giúp người dân bản Hoà Sơn sau trận lũ quét. Ảnh: Tình Dương

Đối với các địa phương nằm phía hạ nguồn sông Lam như Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… việc đối phó với tình trạng lũ lụt nặng nề thường xuyên đã khiến cho nguồn lực trong dân cũng như chính quyền địa phương bị hao hụt rất lớn. Xã Thanh Xuân là địa phương nằm trong vùng rốn lũ Bích Hào của huyện Thanh Chương, đây là một trong những xã thường xuyên bị ngập lụt nặng nề.

Ông Nguyễn Khánh Thành – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân chia sẻ: là nơi thường xuyên chịu lũ lụt tàn phá, trong đó cường độ và tần suất ngày càng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Đặc biệt, trận lũ sau hoàn lưu bão số 4 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, hoa màu. Trong đó, toàn xã có đến 70% số hộ bị ngập nước, chia cắt hoàn toàn. “Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lụt nào kéo dài ngày như thế (hơn 1 tuần nước mới rút), toàn bộ sinh hoạt, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Không những thế, những ngày bị lũ nhấn chìm, địa phương bị mất điện hoàn toàn, khiến công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn đã khó khăn lại càng thêm chồng chất” – ông Thành nói.

Theo thống kê của huyện Thanh Chương, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 2 người bị tử vong (1 người xã Ngọc Sơn và 1 người xã Thanh Yên), 1.335 nhà dân và 5 trường học bị ngập; 413 điểm sạt lở đất; 6 nhà dân bị đổ sập; lúc cao điểm lực lượng xung kích phòng chống thiên tai các xã thị trấn tổ chức di dời ngay trong đêm 780 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm… Bên cạnh đó, lũ lụt cũng gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất với khoảng 1.300 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị ngập úng; 1.115ha ao hồ bị tràn ra ngoài; 18.677 con gia cầm và 137 con gia súc bị chết, nước cuốn trôi… Tổng thiệt hại sau đợt mưa lũ ước tính gần 100 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn đối với một địa phương còn gặp nhiều khó khăn như Thanh Chương.

Ngập lụt ở huyện Quỳ Hợp sau bão số 4 năm 2022. Ảnh tư liệu: Huy Cường
Ngập lụt ở huyện Quỳ Hợp sau bão số 4 năm 2022. Ảnh tư liệu: Huy Cường

Lý giải nguyên nhân gây ngập úng trên địa bàn huyện, ông Trần Phi Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương cho biết: Tại huyện Thanh Chương, vùng Bích Hào (bao gồm các xã Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Tùng, Thanh Mai, Thanh Giang, Thanh Hà) là những vùng trũng, có nền thấp so với mặt bằng chung, do đó, vào những thời điểm mưa lớn, nước từ các vùng đổ về khiến nơi đây bị ngập úng, không thể tiêu thoát được và tình trạng ngập lụt đã diễn ra nhiều năm nay. Điểm thoát nước duy nhất tại khu vực này là thoát ra sông Lam, tuy nhiên thực tế khi mưa lớn, mực nước ở sông Lam có thời điểm cao hơn bên trong khu dân cư, dẫn đến việc không thể mở các cống thoát vì nước từ ngoài sông lại đổ ngược trở vào, sẽ càng làm tăng thêm độ ngập.

Bên cạnh việc nước dâng nhanh do các yếu tố khách quan về lượng mưa lớn và địa hình thấp trũng, thì thực tế những năm gần đây, nước từ trên thượng nguồn đổ về với tốc độ nhanh hơn, một phần là do diện tích rừng đầu nguồn bị sụt giảm. Cùng với đó vào thời điểm mưa to, các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ cũng làm cho mực nước ở vùng hạ du vốn đã cao lại càng dâng cao hơn.

Tại huyện Hưng Nguyên, vùng ngập úng được chia làm 2 khu vực rõ rệt, bao gồm các địa phương dọc sông Lam và các xã giáp ranh với huyện Nghi Lộc. Trong trận lũ cuối tháng 9 vừa qua, toàn huyện Hưng Nguyên đã có 3.154 hộ ở 38 xóm trên 11 xã, thị trấn trên địa bàn bị ngập, trong đó có những xã ngập sâu như Châu Nhân, Hưng Lợi, Hưng Trung… Bên cạnh đó hàng trăm ha lúa, hoa màu bị ngập úng, nhiều diện tích thủy sản bị cuốn trôi, nhiều công trình bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, trong đêm 29/9 đê kênh thấp xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị vỡ, đe dọa gần 1.700 hộ dân, cùng 400ha cây trồng trên địa bàn xã và các địa phương lân cận.