Lũ lụt và những vấn đề đặt ra: Bài 2: Khoanh vùng nguy cơ

Sau 10 ngày từ khi cơn lũ kinh hoàng xảy ra ở huyện biên giới Kỳ Sơn cuốn trôi, sập đổ, vùi lấp hàng trăm ngôi nhà, cơ quan, trường học thì các sườn núi, đường sá nơi đây tiếp tục có dấu hiệu nứt gãy, sạt lở. Đến sáng 12/10/2022, tại bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ – nơi tâm lũ quét đã có 36 hộ phải tạm di dời khẩn cấp sang nơi khác vì địa hình núi ở đây xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Ngoài ra, nhiều nhà dân khác cũng bắt đầu xuất hiện các vết đứt gãy ngang nền nhà.

Gặp ông Đinh Nho Thành, hộ dân ở bản Hòa Sơn, ông Thành lo lắng nói: “Không chỉ tường nhà, mà con đường phía trước nhà ngày càng hiện ra nhiều vết nứt dài hơn 60m, đe dọa các ngôi nhà dọc bên đường có thể đổ sập bất cứ lúc nào”. Theo ông Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hòa Sơn, thì nhiều hộ dân trong bản phải đối mặt với nỗi lo sạt lở vì dãy núi phía sau bản đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn chạy dài, thậm chí nhiều ngôi nhà bị “chia đôi” vì nền sụt lún và đứt gãy. Để được an toàn, các hộ dân buộc phải di dời, tạm lánh đi nơi khác.

Quốc lộ 7 qua thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) sau lũ quét. Ảnh: Hoài Thu
Quốc lộ 7 qua thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) sau lũ quét. Ảnh: Hoài Thu

Thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn cho thấy, tính đến ngày 13/10, sau lũ quét toàn huyện có hơn 200 ngôi nhà có nguy cơ bị sập do sạt lở đất, trong đó có 36 nhà phải di dời khẩn cấp, riêng bản Hòa Sơn có 20 nhà nằm trong vùng nguy cơ cao. Ngoài ra, trên các triền núi ở các tuyến đường Tây Sơn – Mường Xén, Tà Cạ – Nậm Cắn vẫn tiếp tục sạt lở núi, đất đá đổ xuống mặt đường gây ách tắc giao thông.

Cách đây nhiều năm, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn là địa phương “nóng” nhất về vấn đề sạt lở đất. Đó là 138 hộ dân đang sinh sống tại 3 bản: Xốp Phe, Vàng Phao, Na Mỳ và 20 hộ thuộc xã Mường Ải sinh sống dọc sông Nậm Mộ. Tính mạng của các hộ dân này đang bị uy hiếp từng ngày, bởi nguy cơ sạt lở núi rất cao. Mặc dù Nhà nước đã bố trí khu tái định cư mới cho những hộ dân này, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Mỗi khi có mưa lớn, sông Nậm Mộ chảy qua địa bàn xã Mường Típ trở nên hung dữ, như muốn cuốn phăng đi tất cả. Đáng chú ý là khu vực dân cư nơi 158 hộ dân sinh sống trên các triền núi này đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, nguy cơ bị sạt lở bất cứ lúc nào. Nhiều gia đình ở bản Xốp Phe, xã Mường Típ có cả người già và trẻ nhỏ, thì những lúc mưa to kéo dài, hằng đêm gần như không ai dám ngủ, vì sợ núi lở chạy không kịp.

Ông Nguyễn Phò Tim – người dân bản Xốp Phe trăn trở nói: Gia đình tôi nằm trong số 25 hộ trong khu vực nguy cơ cao sạt lở đất. Nếu Nhà nước không sớm triển khai công tác tái định cư cho họ thì vào mùa mưa lũ, tính mạng, tài sản của họ như “ngàn cân treo sợi tóc”. Mặc dù Nhà nước đã làm xong “nhà dã chiến” sơ tán khẩn cấp cho các hộ dân, nhưng do khu vực nhà sơ tán khẩn cấp cách xa bản, đường đi khó khăn. Theo tôi, vào mùa mưa, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải theo dõi sát sao thời tiết để có kế hoạch chủ động di dời dân sớm, phòng tránh trước hậu quả…

Chủ tịch UBND xã Mường Típ, ông Hạ Bá Thái chia sẻ: Theo kế hoạch của Nhà nước, sẽ di dời các hộ này tái định cư đến vị trí an toàn khác. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đến nay chưa có hộ nào được tái định cư. Mỗi khi mùa mưa lũ về, chính quyền xã luôn trong tình trạng lo âu, dù cắt cử người theo dõi tình hình, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có sự cố nhưng chưa thể yên tâm.

Cảnh tan hoang sau lũ ở bản Bình Sơn 1. Ảnh: Thành Cường
Cảnh tan hoang sau lũ ở bản Bình Sơn 1. Ảnh: Thành Cường

Theo ông Thò Bá Rê – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, ngoài 158 hộ thuộc diện di dời khẩn cấp ở 2 xã Mường Típ và Mường Ải, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm hộ nằm trong khu vực nguy cơ cao bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất thuộc các xã: Mỹ Lý, Keng Đu, Mường Típ, Tà Cạ, Mường Xén, Phà Đánh, Nậm Cắn, Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Na Ngoi và Hữu Lập. Tuy nhiên, trong số đó có những hộ cần phải di dời đến khu tái định cư an toàn, một số hộ có nguy cơ thấp sẽ thực hiện di vén tại chỗ. “Đây thực sự là nỗi lo lớn đối với địa phương mỗi khi mùa mưa lũ đến, bởi lũ ống, lũ quét và sạt lở đất xảy ra rất nhanh, mức độ tàn phá lớn, người dân khó trở tay”, ông Thò Bá Rê nói thêm.

Tại huyện Tương Dương, cũng có một số điểm “nóng” nguy cơ sạt lở núi. Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Nóng” nhất đối với huyện Tương Dương hiện nay là 53 hộ dân của bản Xốp Nặm và Trường Mầm non của xã Tam Hợp, ở dưới chân đồi núi có độ cao 611m so với mực nước biển, trên bề mặt chủ yếu là cây bụi, nứa tép và có nhiều đá to, có nguy cơ sạt lở rất cao. Năm 2021, do ảnh hưởng mưa bão đã làm sạt lở đất đá xuống một số nhà dân và Trường Mầm non, hiện nay địa phương rất lo lắng khi có mưa to kéo dài. Bản Tùng Hương của xã Tam Quang có 75 hộ dân sinh sống tại chân núi cao, sau các đợt mưa, bão kéo dài, nhân dân ở đây đều phải di dời đến nơi an toàn, do địa điểm này đã xuất hiện sạt lở, nhiều hòn đá với khối lượng rất lớn lăn từ đỉnh đồi xuống nhà dân gây hoang mang, lo lắng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Qua các đợt khảo sát, đánh giá mức độ nguy hiểm, nguy cơ sạt lở, với khối lượng sạt lở ước tính 56.250 m² đất đá.

Huyện Quế Phong cũng nằm trong diện nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cao. Hàng chục năm trước, từng đã xảy ra trận lũ ống, lũ quét nghiêm trọng tại địa bàn xã Nậm Giải, gây thiệt hại nặng nề đối với tài sản của người dân. Đứng trước thực trạng mất an toàn đến tính mạng và tài sản của người dân, năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét và sạt lở đất xã Quang Phong, với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng. Đến nay, sau gần 9 năm triển khai thực hiện, huyện đã di dời được 23/50 hộ ra khỏi vùng nguy cơ cao.

Cũng tại huyện Quế Phong, năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt Dự án di dời 33 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, nguy hiểm tại xã Thông Thụ, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã và đang triển khai thực hiện các hạng mục quan trọng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Sau khi hoàn thành, huyện Quế Phong sẽ di dời toàn bộ 33 hộ trên địa bàn xã Thông Thụ đang sinh sống trên các khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, đến nơi ở an toàn. Như vậy, tại thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Quế Phong vẫn còn hàng chục hộ đang sinh sống trên khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét.

Ông Bùi Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong lo lắng: Trên địa bàn huyện hiện có hàng trăm hộ dân ở dọc ven bờ sông, suối và gần các khu vực núi có nguy cơ sạt lở cao. Trong đó, “nóng” nhất vẫn là 50 hộ trên địa bàn xã Quang Phong và 33 hộ trên địa bàn xã Thông Thụ có nguy cơ bị cuốn trôi do lũ ống, lũ quét. Chính vì thế mỗi mùa mưa bão, huyện đều cảnh báo và hướng dẫn bà con nhân dân phòng tránh. Tuy nhiên, do thiên tai mưa lũ bất thường, mỗi năm xảy ra một kiểu nên chưa thể nói trước điều gì.

Nơi đầu nguồn nước lũ đổ về bản Sơn Hà (Kỳ Sơn). Ảnh: Thành Cường
Nơi đầu nguồn nước lũ đổ về bản Sơn Hà (Kỳ Sơn). Ảnh: Thành Cường

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, trong năm 2022 này sẽ là năm có nhiều cơn bão và lượng mưa lớn hơn trung bình các năm. Do vậy, việc người dân sống ngay dưới khu vực hồ đập thủy điện, thủy lợi có sức chứa từ hàng chục triệu đến hàng tỷ khối nước là một vấn đề cần được tiếp tục đánh giá, nhận định mọi sự cố có thể xảy ra một cách nghiêm túc và sớm có giải pháp phòng tránh khả thi.

Những năm gần đây, Nhà nước cho phép xây dựng 13 công trình thủy điện trên các con sông địa bàn miền núi Nghệ An. Việc xuất hiện các công trình thủy điện hay đập thủy lợi lớn góp phần điều tiết nước và cắt lũ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hàng nghìn hộ dân sinh sống dưới hạ lưu của các con đập thủy điện được ví như “túi nước khổng lồ”, không khỏi lo lắng mỗi khi mùa mưa lũ về. Thủy điện xả lũ là điều bắt buộc khi nước lũ ở thượng nguồn đổ về với lưu lượng quá lớn; đồng nghĩa với tính mạng, tài sản của một bộ phận người dân sẽ khó lường được mức độ rủi ro nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị thủy điện, chính quyền địa phương và ngay cả chính người dân.

Thuộc địa bàn xã Xá Lượng (Tương Dương) có 2 nhà máy thủy điện được xây dựng trên sông Nậm Nơn, là Nhà máy Thủy điện Bản Ang và Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn. Khi hai công trình thủy điện này tích nước, thì người dân xã Xá Lượng đều nơm nớp lo sợ, bởi sinh sống dưới 2 “túi nước khổng lồ”. Một lãnh đạo xã Xá Lượng băn khoăn, xã có 6 bản nằm dưới lưu vực của 2 nhà máy thủy điện: Bản Ang, Khe Lở, Khe Ngậu, Xiêng Hương, Cửa Rào 1 và bản Cửa Rào 2. Mặc dù đã được Nhà nước đầu tư kè đá một số đoạn của sông Nậm Nơn, nhưng nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt vẫn cao, mỗi khi các nhà máy thủy điện xả lũ.

Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt. Ảnh tư liệu
Xây dựng quá nhiều nhà máy thủy điện là một trong những nguyên nhân gây ngập lụt. Ảnh tư liệu

Ông Lương Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông chia sẻ: Mặc dù việc xả lũ các hồ đập thủy điện, thủy lợi đều theo quy trình vận hành liên hồ chứa nhưng để yên tâm và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, cần phải tăng cường phối hợp thông tin giữa các đơn vị quản lý thủy điện với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và thiên tai địa phương, lấy ý kiến tham vấn trước khi vận hành xả lũ. Ngoài trách nhiệm của chính quyền thì các đơn vị thủy điện cũng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở người dân tránh mưa lũ khi đi làm rẫy, không đánh bắt cá trên mặt nước thuộc khu vực hồ đập thủy điện khi đã có thông báo xả lũ để hạn chế những tai nạn đáng tiếc…

Nhớ lại, sự kiện Thủy điện Bản Vẽ phải xả mức nước kỷ lục cùng lúc với các thủy điện khác cũng đã khiến “lũ chồng lũ” vào mùa mưa của năm 2018 đã thiệt hại vô cùng lớn cho hạ du là ví dụ cụ thể nhất. Nhìn rộng ra cả nước, hậu quả để lại của một số đợt thủy điện xả lũ là nhà cửa, tài sản, cây cối, hoa màu, công trình phúc lợi nói riêng của nhân dân bị thiệt hại rất lớn, phải mất nhiều thời gian mới khôi phục được.

Như đã đề cập, một vấn đề lớn đặt ra là, nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho Nhà nước, nhân dân mỗi khi mưa lũ xảy ra, thì việc khảo sát, đánh giá mức độ và xác định nguyên nhân đóng vai trò quan trọng trong việc cảnh báo, đồng thời đưa ra phương án, giải pháp khả thi. Trong đó, cần đánh giá lại năng lực của các hệ thống tiêu thoát lũ và hồ đập, đê sông; công tác trồng rừng, giữ rừng đầu nguồn và dĩ nhiên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương…