Lũ lụt và những vấn đề đặt ra: Bài 3: Bất cập hệ thống tiêu thoát lũ và hồ đập, đê sông

Thực tế trong những năm gần đây, một số hệ thống kênh thủy lợi bị lấn chiếm để xây dựng các công trình nhà ở, chuồng trại… và sự xả thải vô tội vạ xuống kênh mương, gây cản trở dòng chảy, nhất là tại các công trình thủy lợi trọng điểm. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT cũng cho biết, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi chủ yếu như xả nước thải và chất thải sinh hoạt vào công trình; trồng cây trên bờ kênh, xây hàng rào, xây nhà, công trình trong phạm vi bảo vệ của công trình…

Cá biệt, một vài trường hợp như một số doanh nghiệp chế biến đá xây dựng đóng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp xả thẳng nước thải sản xuất vào kênh Tổng Huống; các hộ dân xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn (Diễn Châu) thải nước xử lý hàng đông lạnh vào kênh thủy lợi trên địa bàn. Các trường hợp này mặc dù đã được đơn vị quản lý công trình nhắc nhở, báo cáo địa phương nhưng vẫn tái diễn, gây khó khăn cho việc xử lý. Một số công trình thủy lợi nằm gần sát với khu dân cư, do ý thức của người dân chưa cao, cùng với việc địa phương buông lỏng việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ, khai thác các công trình thủy lợi, nên việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Đối với hệ thống sông chính trên địa bàn thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu bị bồi lắng nhiều năm, khiến việc tiêu thoát nước khó khăn, nhất là vào những ngày mưa lớn, ngập lụt. Hệ quả là, khi có mưa lớn, kết hợp hồ Vực Mấu xả lũ, nước dâng nhanh, khiến nhiều khu dân cư ngập sâu nhiều ngày liền. Gần đây, trong đợt lũ vào cuối tháng 9 vừa qua, tại thị xã Hoàng Mai, một trong những nguyên nhân gây ngập sâu là bởi tại điểm xây dựng cầu Hoàng Mai 2 trên tuyến cao tốc Bắc-Nam và nhánh phía Nam sông Hoàng Mai trên tuyến đường ven biển, các đơn vị thi công đã đắp đường công vụ chắn ngang dòng chảy; khi nước từ hồ Vực Mấu đổ xuống sông Hoàng Mai không kịp tiêu thoát, lại kèm nước từ khu vực các xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, phường Quỳnh Thiện đổ qua kênh Nhà Lê bị ách lại.

Một công trình kiên cố đang xây dựng trong phạm vi hành lang kênh tiêu Vách Bắc, xã Đô Thành (Yên Thành). Ảnh: Nguyễn Hải
Một công trình kiên cố đang xây dựng trong phạm vi hành lang kênh tiêu Vách Bắc, xã Đô Thành (Yên Thành). Ảnh: Nguyễn Hải

Một thực trạng nữa là tình trạng các hộ dân lấn chiếm và xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình kênh tiêu Vách Bắc và kênh N18A trên địa bàn xã Đô Thành (Yên Thành), mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã lập nhiều biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Đây là nguyên nhân khiến gây ngập úng cho các xã dọc kênh Vách Bắc của huyện Yên Thành, như các xã Lăng Thành, Hậu Thành, Phúc Thành, Văn Thành, Mã Thành…

Qua trao đổi, ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh cho rằng: Hiện nay, một số hệ thống tiêu, các tuyến đê bao chính, thủy lợi nội đồng ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai bị bồi lấp dòng chảy; các hệ thống đê sông chưa khép kín, nên khi có mưa lớn (vượt tần suất lũ 5% theo thiết kế thực tế) là không tiêu thoát kịp; hoặc đê biển mới chống được bão cấp 10, chưa chống được những cơn bão lớn hơn và siêu bão. Để giải quyết vấn đề này, mới rồi Trường Đại học Thủy lợi đã vào nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những phương án để đảm bảo cho huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai không bị ngập. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, để giải quyết được vấn đề là phải đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng thì mới chống ngập được. Như thế, đây đang là một thách thức lớn đối với địa phương.

Nói về thực trạng nhiều hệ thống kênh bị lấn chiếm, ông Nguyễn Trường Thành nêu ý kiến: “Theo nguyên tắc, các lòng kênh tiêu phải đảm bảo mặt cắt của nó, nhưng một số kênh tiêu bị bồi lấp, ách tắc dòng chảy, tình trạng lấn chiếm lòng sông… đã ảnh hưởng lớn đến công tác tiêu thoát lũ. Do vậy, cần giải quyết dứt điểm tình trạng này”.

Hồ, đập chứa nước là công trình được hình thành bởi đập dâng nước và các công trình có liên quan để tích trữ nước, có nhiệm vụ chính là điều tiết dòng chảy, cắt, giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt… và cải thiện môi trường. Tuy nhiên, để các hồ, đập chứa nước có năng lực chống lũ thì cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tránh tình trạng rò rỉ, sạt lở thân đập khi có mưa to, nước dâng cao.

Theo ông Nguyễn Trường Thành, thì các hồ, đập lớn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng công tác chống lũ; nhưng với hệ thống hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý, phần lớn chưa được đầu tư nâng cấp, mức độ đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai chưa được cao, nguy cơ xảy ra sự cố khi mưa lớn là rất cao. Như trong đợt mưa lũ vừa qua, một số hồ, đập đã bị xảy ra sự cố, khiến chính quyền địa phương phải huy động lực lượng và phương tiện gia cố.

Huyện Quỳnh Lưu dùng máy xúc dọn rác thải bị xả làm ứ đọng, ách tắc các tuyến kênh thủy lợi. Ảnh tư liệu Quang An
Huyện Quỳnh Lưu dùng máy xúc dọn rác thải bị xả làm ứ đọng, ách tắc các tuyến kênh thủy lợi. Ảnh tư liệu Quang An

Đơn cử trong đêm 28/9 vừa qua, do hoàn lưu của cơn bão số 4 gây mưa lớn trên diện rộng khiến mực nước ở các ao, hồ, đập trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu dâng lên rất nhanh. Tại đập Hóc Cối trên địa bàn xã Quỳnh Tam đã xuất hiện 1 vết sụt ngay thân đập, khiến chính quyền địa phương đã phải huy động người dân và các lực lượng gia cố ngay trong đêm. Ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam cho hay, khi xảy ra sự cố, ngoài lực lượng tại chỗ đã phải huy động thêm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn 215 đóng quân trên địa bàn để kịp thời gia cố thân đập.

Cũng trong đợt mưa lũ nói trên, nhiều hồ, đập ở huyện vùng cao như Quỳ Châu, huyện đồng bằng như Yên Thành… cũng có nguy cơ nứt vỡ, chính quyền địa phương đã phải cử lực lượng túc trực, ứng cứu. Đối với hệ thống đê sông trên địa bàn các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên thì đã xảy ra những sự cố nghiêm trọng, khi nước sông dâng cao, tràn qua bờ đê, uy hiếp nhiều khu dân cư. Cụ thể ngày 29/9/2022, tuyến đê sông Giăng đoạn qua xóm Liên Khai, xã Thanh Liên (Thanh Chương) bị nước tràn bờ đê một quãng dài hơn 200m; huyện Thanh Chương đã phải huy động đơn vị quân đội đóng trên địa bàn và lực lượng dân quân tự vệ khẩn trương sử dụng bao đất để gia cố, ngăn được nguy cơ ngập lụt ảnh hưởng hàng trăm hộ dân. Ông Phan Bá Ngọc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết, nếu nước sông Giăng tràn qua đoạn đê này sẽ gây ngập cho 520 hộ dân trên địa bàn xã. Do vậy, Nhà nước cần sớm đầu tư nâng cấp đoạn đê này để đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi mùa mưa bão đến…

Theo ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, lo nhất trong mùa mưa lũ của huyện vẫn là tình trạng nước sông tràn qua bờ đê, nếu không xử lý kịp thời sẽ xảy ra sạt lở, hậu quả gây ra sẽ là rất lớn đối với nhà cửa, tài sản của người dân sinh sống dọc bờ đê. Hiện tại, khi nước trên các sông dâng cao khi mưa lớn, huyện phải lập tức chỉ đạo các địa phương thường xuyên theo dõi mực nước để có phương án ứng phó kịp thời với tình huống khó lường…

Như thế, dù đã nhận diện những bất cập, hạn chế trong quản lý, khai thác năng lực của hệ thống tiêu thoát nước, ngăn lũ; nhưng các giải pháp, phương án khắc phục, phát huy các công trình nhằm phòng tránh những rủi ro cao trong mùa mưa lũ đối với các địa phương đang là thách thức lớn…