Ngay sau khi lũ ống, lũ quét xảy ra ở huyện Kỳ Sơn vào ngày 2/10, chúng tôi đã ngược núi, tìm nguyên nhân vì sao dẫn đến cơn lũ dữ này. Qua khảo sát thực địa, cùng với chia sẻ của người dân cho thấy, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng chưa từng có ở Kỳ Sơn là do sạt lở núi nơi thượng nguồn. Vùng núi nơi bắt nguồn cơn lũ dữ hầu như không còn nhiều cây xanh, chỉ còn nham nhở đất đá. Đây chính là vùng sản xuất nương rẫy của người dân các bản của xã Tà Cạ đã bao đời nay. Vì mưu sinh và nhiều lý do khác, những vùng rừng đầu nguồn có tác dụng giữ đất, giữ nước, ngăn sạt lở, lũ quét dần bị chặt phá, hoặc thay thế bằng đất rừng sản xuất, nương rẫy. Như đã biết, không có cây, thì đất rừng không còn “công năng” giữ nước, không ngăn được sạt lở, không có tác dụng phòng hộ… mỗi khi có mưa lớn kéo dài.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, huyện Kỳ Sơn hiện có 191.186,43 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 109.669,57ha đất rừng phòng hộ. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích đất lâm nghiệp của huyện biên giới này hiện có tới 82.705,19ha đất trống, chiếm 43,25%. Đây là diện tích đất nương rẫy, đất trống chưa có cây, hoặc đất trồng rừng nhưng chưa được trồng, chưa trồng trở lại sau khi thu hoạch (theo số liệu thống kê đến 31/12/2021). Đối với đất quy hoạch rừng phòng hộ, hiện Kỳ Sơn có 41.675,23ha đất trống, chiếm 38%. Mặc dù tính đến tháng 9/2022, Kỳ Sơn trồng được 508,76ha cây phân tán so với kế hoạch đăng ký là 650ha (đạt 78%), song về tổng thể số rừng đã trồng so với diện tích đất lâm nghiệp của huyện tính đến tháng 9/2022 chỉ mới đạt 308,02ha, tương ứng tỷ lệ 0,16% là quá thấp.
Như vậy, một trong những vấn đề cốt lõi, cấp bách cần làm hiện nay là phải tái tạo rừng đầu nguồn, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Trồng rừng vốn là thế mạnh của Nghệ An, các cấp ngành, địa phương cần xem xét hiệu quả việc triển khai trồng rừng bấy lâu nay; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư trồng rừng ở những vùng ách yếu đầu nguồn, vùng biên giới, những nơi có nguy cơ sạt lở.
Bởi vậy, các huyện miền núi cao miền Tây tỉnh nhà nói riêng cần đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, đặc biệt đối với những diện tích quy hoạch rừng phòng hộ, rừng trồng nơi đầu nguồn ách yếu, những vùng có nguy cơ cao về sạt lở; nghiên cứu đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, giao đất giao rừng phù hợp theo hướng giữ, tái tạo rừng đầu nguồn và ổn định sản xuất cho người dân. Cùng với làm giàu lên rừng đầu nguồn thì các dòng chảy, khe suối cần được giữ lưu thông, kịp thời khắc phục ách tắc dù là khe nhỏ.
Mặt khác, người dân cũng cần được trang bị những kiến thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng rừng, giữ rừng đầu nguồn; phải thấy được việc bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống của chính mình và cộng đồng.
Việc tạo sinh kế, phát triển kinh tế cho người dân vùng ách yếu nhằm hạn chế việc chặt phá rừng, làm rừng nghèo kiệt cũng là giải pháp quan trọng. Ở nhiều địa phương vùng miền núi đã có những bước dịch chuyển trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng đến sản xuất dịch vụ du lịch sinh thái dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ví dụ như ở huyện Tương Dương, một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế là hướng phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Hiện nay, huyện Tương Dương đã hình thành được một số địa điểm thu hút du khách, tạo sinh kế cho người dân, giảm sự phụ thuộc vào rừng.
Ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, nhiều năm qua, người dân trên địa bàn huyện đã nhận thức được đầy đủ giá trị của rừng mang lại, bảo tồn được nhiều cánh rừng có giá trị về môi trường sinh thái. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện từng bước nâng nhận thức về giá trị từ rừng, ngoài bảo vệ môi trường sinh thái, còn khai thác được du lịch, trồng cây dược liệu dưới tán rừng… Bên cạnh đó, người dân còn được hưởng chế độ chính sách khoanh nuôi, dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước, nên công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng, tái tạo rừng trên địa bàn Tương Dương phát triển mạnh, từ chỗ phục hồi đã tạo thành hàng trăm ha rừng tái tạo. Đến nay, tỷ lệ độ che phủ của rừng trên địa bàn Tương Dương đã đạt 79,26%.
Ở huyện Kỳ Sơn, cùng với hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn cũng đã xác định một trong chiến lược phát triển kinh tế nhiệm kỳ 2020 – 2025 và những năm tiếp theo của huyện sẽ chú trọng phát triển trồng cây dược liệu và các ngành dịch vụ du lịch sinh thái. Hiện huyện đang thí điểm ở một số xã như Mường Lống, Na Ngoi và đã có những tín hiệu tích cực; người dân đã bắt đầu tiếp cận các dịch vụ du lịch tạo thu nhập bền vững, giảm sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng để sinh kế.
Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch trong toàn tỉnh là 1.160.242,4ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Với 965.056,87 ha đất có rừng, trong đó đất có rừng tự nhiên 784.339,69 ha; đất có rừng trồng 180.717,18 ha; đất chưa có rừng 270.901,59 ha (bao gồm 31.781,25 ha đất đã trồng rừng chưa thành rừng). Tài nguyên rừng ở Nghệ An phong phú và đa dạng, giá trị tài nguyên rừng đang là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất các loại hàng hoá từ lâm sản và các dịch vụ môi trường trên địa bàn; có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là tư liệu sản xuất tiềm năng cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Thời gian qua, với các mục tiêu trong định hướng chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007; trên cơ sở các điều kiện thực tế của địa phương, ngành Lâm nghiệp Nghệ An đã đạt nhiều kết quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, độ che phủ rừng ngày một tăng, tính đa dạng sinh học được bảo tồn, khả năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi, người làm nghề rừng. Ngành Lâm nghiệp có bước tăng trưởng mạnh về trồng, khoanh nuôi rừng và bảo vệ rừng, độ che phủ rừng đến năm 2019 đạt 58,5%.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp hiện nay đang còn nhiều hạn chế, tồn tại, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành. Những biểu hiện rõ nhất là chất lượng và hiệu quả rừng trồng còn thấp, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn còn hạn chế. Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển toàn diện từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm rừng trồng chủ yếu còn xuất nguyên liệu thô hoặc sơ chế đơn giản nên chuỗi giá trị hàng hóa còn thấp. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác gỗ trái phép vẫn còn xảy ra. Giá trị đầu tư cho lâm nghiệp còn thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Sau hơn 10 năm kể từ năm 1999, công tác điều tra rừng, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh mới được thực hiện. Công tác điều tra, kiểm kê rừng năm 2015 đã cơ bản thu thập được các thông tin phản ánh kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An; phục vụ tốt việc tính toán các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện của ngành Lâm nghiệp; đáp ứng yêu cầu quản lý, lập kế hoạch, quy hoạch, hoạch định các chính sách phát triển sản xuất lâm nghiệp của các cấp, các ngành; đồng thời kịp thời cập nhật, theo dõi các biến động về rừng và đất lâm nghiệp hàng năm trên địa bàn tỉnh, trong đó có giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cấp Giấy CNQSD đất lâm nghiệp.
Trong giai đoạn này, chủ trương giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã thực hiện, song thực tế cho thấy việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp chưa gắn liền với việc giao rừng, cho thuê rừng. Do vậy, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, khai thác rừng trái phép vẫn diễn ra, rừng vẫn chưa thực sự có chủ.
Theo số liệu tại Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, báo cáo của ngành Tài nguyên và Môi trường và số liệu kiểm kê tài nguyên rừng, tính đến thời điểm hiện nay, UBND cấp huyện đã tổ chức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được 330.999,04 ha. Trong đó, đã cấp Giấy CNQSDĐ được 241.328,05 ha, chiếm tỷ lệ 73% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, chiếm tỷ lệ 19% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong toàn tỉnh.
Trên toàn tỉnh hiện có 14 Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, 1 Vườn Quốc gia Pù Mát với tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý và sử dụng 421.667,39 ha, chiếm 34,11% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh; có 12 Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp, gồm 5 công ty lâm nghiệp và 7 công ty nông nghiệp, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao 59.385,4 ha, chiếm tỷ lệ 4,80% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong toàn tỉnh. Hiện nay, các Công ty nông, lâm nghiệp đang thực hiện sắp xếp, đổi mới hoạt động theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Sở Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị tổ chức thẩm định phương án sử dụng đất cho các Công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để thu hồi.
Nhìn chung, đối với địa bàn vùng núi cao như ở Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông và Quế Phong… việc giữ rừng đầu nguồn đều là cấp bách, cần làm ngay. Các địa phương này không chỉ là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, bảo vệ sự đa dạng sinh học, mà còn là khu vực có lợi thế để phát triển dịch vụ hệ sinh thái. Đây cũng là khu vực có quỹ đất lâm nghiệp lớn với 757.238 ha và có diện tích rừng tự nhiên chiếm tỷ trọng lớn với tổng diện tích 617.966 ha, chiếm 37,5% tổng diện tích rừng tự nhiên trong toàn tỉnh… là điều kiện để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo vùng sinh thái để phát huy tiềm năng, lợi thế và hạn chế những khó khăn, thách thức của từng vùng.