Lũ lụt ở Quỳ Châu: Những điều cần nói

Đã gần một tuần sau khi mưa lụt đi qua, nhưng gia đình ông Lê Sỹ Tuấn và bà Cao Thị Hà ở bản Đồng Phầu, xã Châu Bình vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về cơn lũ bất ngờ ập đến trong đêm. Ngôi nhà cấp 4 của ông bà nằm thấp trũng và sát với chân cầu Cô Ba. Khoảng 1h sáng nước bắt đầu tràn vào sân. Nước lên nhanh trong sự bàng hoàng, bất lực. Chỉ 30 phút sau, tức khoảng 1h 30 phút sáng, nước đã dâng lên nửa bức tường ngôi nhà cấp 4. Đến gần 4h sáng, nước đã dâng tận nóc. Lúc ấy ở nhà chỉ có vợ chồng ông Tuấn, bà Hà và 2 đứa cháu nhỏ. Thấy nước dâng với tốc độ khủng khiếp, ông bà chỉ biết khóa cửa, ôm cháu vượt dòng nước xiết cố gắng chạy lên đường lớn. “Nếu chậm ít phút thì chúng tôi đã bị lũ cuốn trôi…” – bà Cao Thị Hà nhớ lại khoảnh khắc đêm hôm ấy.

Những hình ảnh nhà ở của gia đình ông Lê Sỹ Tuấn, bà Cao Thị Hà ở bản Đồng Phầu, xã Châu Bình trong ngày 27/9.
Những hình ảnh nhà ở của gia đình ông Lê Sỹ Tuấn, bà Cao Thị Hà ở bản Đồng Phầu, xã Châu Bình trong ngày 27/9.

Theo bà Hà cho biết, năm 2009 nơi này đã từng có một trận lũ lụt lớn, nhưng vẫn thấp hơn trận lũ lụt năm nay khoảng 2m. Bà dẫn chúng tôi ra thăm vườn, khu chăn nuôi lợn, gà; tất cả trong cảnh tượng tan hoang. Chuồng nuôi lợn, gà được xây kiên cố đã bị xô đổ, vùi lấp. Đưa ra những hình ảnh, clip mà hàng xóm ghi lại, bà Hà cho biết, lũ lụt đã cuốn trôi của gia đình bà 50 con gà thịt, 5 con lợn, trong đó có 2 con lợn thịt khoảng 50kg và 3 con lợn con. Về nhà cửa, vật dụng, sau khi nước rút tất cả đã bị vùi trong bùn đất, may mà được cán bộ xã Châu Bình, các đoàn viên thanh niên cùng rất nhiều người xúm vào thu dọn. Nghe vợ kể chuyện lũ lụt, ông Lê Sỹ Tuấn nói: “Nguyên nhân gây lũ lụt rõ ràng là do mưa lớn, nhưng nước lên nhanh còn có thể do nguyên nhân các nhà máy thủy điện “mở đập” xả lũ. Thật khủng khiếp, đến giờ này chúng tôi mới hoàn hồn…”.

Bà Cao Thị Hà (bản Đồng Phầu, xã Châu Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về cơn lũ bất ngờ ập đến trong đêm.
Bà Cao Thị Hà (bản Đồng Phầu, xã Châu Bình) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về cơn lũ bất ngờ ập đến trong đêm.

Cũng ở bản Đồng Phầu, bà Nguyễn Thị Hải (60 tuổi) có nhà thuộc phạm vi thực hiện đập phụ Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng đã được giải phóng mặt bằng. Do chưa có đất tái định cư, hơn nữa phần lớn tài sản vẫn đang trong nhà cũ nên bà Hải thường xuyên ở đây để trông coi. May mắn cho bà Hải là vào khoảng 10h30 đêm 26/9 trời mưa rất to nên đã lên nhà bà ngoại ở phía trên để ngủ. Qua nửa đêm, bà nghe loạt tiếng động lớn như lở núi. Chạy ra hiên trông về nhà mình thì thấy đã bị nước tống đổ tường, bờ rào. Nước từ mạn trên ào ạt đổ về, chảy qua đường tạm rồi tống xuống nhà bà cùng mấy nhà lân cận…

Bà Nguyễn Thị Hải ở bản Đồng Phầu, xã Châu Bình.
Bà Nguyễn Thị Hải ở bản Đồng Phầu, xã Châu Bình.

Ngày 1/10 đến bản Minh Tiến, xã Châu Tiến vẫn thấy Thủy điện Châu Thắng vận hành xả lũ. Ở bản, trong mỗi ngôi nhà đều in hằn vết tích của trận lũ rạng sáng 27/9, bởi hầu hết các gia đình nơi đây đều gánh chịu thiệt hại. Chịu thiệt hại nặng nhất bản Minh Tiến có lẽ là gia đình hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm và anh Phùng Hữu Phú. Chị Tâm kể, chiều 26/9, anh Phú vẫn còn ra sông câu cá như những ngày bình thường. Đến tối trời có mưa to nhưng vợ chồng chị không để ý. Tờ mờ sáng, vào khoảng 3h kém 15 phút, khi nghe tiếng còi báo xả lũ từ Thủy điện Châu Thắng phát, thì hai vợ chồng vội choàng dậy chạy ra sau nhà để kéo máy bơm lên thì nước đã ngập băng.

Nước chảy như thác đổ, dâng rất nhanh. Bình thường, nước sẽ đổ từ phía cầu Châu Tiến xuống, nhưng rạng sáng 27/9, nước chảy từ phía nhà máy thủy điện xuống, chảy ngược tràn lên phía cầu Châu Tiến. Vội vàng chạy vào nhà gọi con chạy vào trường học tránh lũ, khi quay trở ra thì nước đã vào đến sân. Anh Phú chỉ kịp mở cửa chuồng cho lợn tự chạy, còn đàn gà thì đành chịu mất. Vậy mà ngay lúc đó nhà đã ngập hơn 1m. Lúc này khoảng 3h30 phút, chị Tâm phải ôm cổ chồng để anh bơi đưa ra mấy nhà phía trên tránh lũ. Khoảng 30 phút sau, nhà dưới của chị ngập băng trong nước; còn nhà trên, ngập đến bàn thờ tổ tiên.

Chị Nguyễn Thị Tâm và ngôi nhà của mình sau trận lũ lụt.
Chị Nguyễn Thị Tâm và ngôi nhà của mình sau trận lũ lụt.

Trường hợp 3 hộ dân nêu ở trên chỉ là một phần rất nhỏ câu chuyện của hàng nghìn người dân chịu cảnh khốn đốn do lũ lụt vừa qua ở huyện Quỳ Châu. Bởi ngay trong ngày 27/9, báo chí, mạng xã hội đã ào ạt đưa những thông tin, hình ảnh nhà cửa, đường sá, đồng ruộng ngập chìm trong biển nước; cảnh người dân chống chịu mưa lũ. Trong nhiều hình ảnh đó, hằn in trong trí não của những người quan tâm là hình ảnh các em học sinh phải dỡ ngói mái nhà để chui lên thoát lũ.

Thầy giáo Lê Quốc Khánh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu là một trong những giáo viên tham gia ứng cứu các học sinh rạng sáng 27/9. Thầy Khánh cho biết, Trường THPT Quỳ Châu có hơn 400 em, gồm học sinh ở trong ký túc xá của trường và trọ tại nhà dân, đã hứng chịu lũ lụt cần phải cứu giúp. Thầy Khánh cũng khẳng định hình ảnh các em dỡ nóc nhà chui ra chạy lũ là học sinh của trường. Thầy kể, trong giấc ngủ phát hiện nước ngập nhanh nên các cháu hò nhau bỏ chạy. Nhưng khi thoát ra thì nhận thấy chưa cứu dỡ đồ dùng học tập, quần áo nên các cháu đã quay trở lại nhà. Sau đó các cháu bị mắc kẹt, buộc phải dỡ ngói nhà chui ra, rồi trèo qua tường rào thoát vào trường.

Hình ảnh các học sinh Trường THPT Quỳ Châu tháo ngói nhà để chạy lũ lụt.
Hình ảnh các học sinh Trường THPT Quỳ Châu tháo ngói nhà để chạy lũ lụt.

“Các cháu chịu thiệt hại nặng. Mất hết…” – thầy Khánh nói. Cũng theo thầy, lũ lụt ập đến vào khoảng 4h sáng. Mưa to, nhưng có việc 3 thủy điện xả lũ nên nước dâng rất nhanh, dân không kịp chạy. Riêng trong trường có nhà ở của 4 hộ gia đình giáo viên chìm trong nước lũ, các vật dụng đắt tiền như ô tô, xe máy cũng không cứu được. Trường THPT Quỳ Châu có 2 ký túc xá, các cháu ở đây cũng bị thiệt hại rất nặng nề. Từ quần áo, sách vở đến gạo muối… đều hư hỏng hết.

Cầu Cô Ba, xã Châu Bình sau trận lũ lụt.
Cầu Cô Ba, xã Châu Bình sau trận lũ lụt.

Ở xã Châu Bình, theo Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Toan, thì có 8 bản bị ngập nặng, trong đó 3 bản Kẻ Khoang, Kẻ Can, Đồng Phầu bị ảnh hưởng nặng nhất. Ông Toan nhận định, dẫn đến việc Châu Bình chịu lũ lụt nặng nề có hai nguyên nhân: “Ngập lụt ở các bản vùng sâu như Kẻ Can là do mưa lũ từ trên cao dồn xuống. Còn với các bản dọc Quốc lộ 48 như Kẻ Khoang, Đồng Phầu… thì ảnh hưởng do nước sông Hiếu dâng quá nhanh”.

Ông Lê Văn Toan cũng nói thêm, trên địa bàn có nhiều công trình thuộc dự án Hồ thủy lợi Bản Mồng còn dang dở. Ví như tại bản Đồng Phầu có công trình đập phụ chưa được xây dựng hoàn thành, khi lũ từ trên cao ập xuống gây ách tắc dòng chảy, nước bị quẩn dẫn đến ngập lụt các khu dân cư. Nếu các công trình thuộc dự án Hồ thủy lợi hồ Bản Mồng trên địa bàn xã Châu Bình hoàn thành thì chắc hẳn nhân dân sẽ không bị ảnh hưởng như vậy…

Xã Châu Tiến có vị trí gần lưu vực 3 con sông Quàng, Nậm Việc, Nậm Hạt, địa hình thấp, thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp nhưng nguy cơ ngập lụt cao. Vì vậy, cán bộ và nhân dân đã quen với tình trạng lũ lụt hàng năm để có sự chủ động. Ngay trong đêm 26, rạng sáng 27/9 toàn bộ cán bộ xã Châu Tiến và các lực lượng liên quan đã thức trắng, từ 2 giờ sáng thì đã gõ cửa từng nhà dân để báo lũ.

Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến Trần Văn Hùng động viên gia đình chị Nguyễn Thị Tâm.
Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến Trần Văn Hùng động viên gia đình chị Nguyễn Thị Tâm.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến Trần Văn Hùng, trận lũ lụt năm nay vượt ra khỏi những dự tính của xã cũng như của nhân dân, vì nước dâng rất nhanh, dẫn đến bị bất ngờ. Về nguyên nhân, ai nấy đều xác định do tính bất thường của thời tiết, nhưng có một số người suy nghĩ theo hướng có thể do thủy điện xả lũ. Trước tình hình này, xã trao đổi với người dân về vấn đề này cần để các nhà chuyên môn kiểm tra xác định; đồng thời, đã báo cáo cấp trên nghiên cứu xây dựng bờ kè ở những nơi có nguy cơ sạt lở…

Hỏi về công tác dự báo, thông báo vận hành xả lũ của nhà máy thủy điện, theo ông Trần Văn Hùng, xã chỉ nhận được thông báo qua điện thoại của Nhà máy Thủy điện Châu Thắng lúc 4 giờ sáng sẽ xả lũ. Nhưng Bí thư Đảng ủy xã Châu Tiến cũng cho biết thêm rằng, ở xã Châu Tiến có một số người dân làm trong nhà máy thủy điện, và họ đã có thông tin đến xã để biết trước đêm nay có thể thủy điện sẽ xả lũ. “Vì vậy, chúng tôi đã tiên lượng trước tình hình để huy động lực lượng kịp thời ứng trực…” – ông Trần Văn Hùng nói.

Bản Xẹt 1, xã Châu Thắng sau trận lũ lụt.
Bản Xẹt 1, xã Châu Thắng sau trận lũ lụt.

Từ ngày 26/9 đến ngày 27/9/2023, Công ty CP Prime Quế Phong liên tục có 3 thông báo vận hành xả lũ hồ chứa Thủy điện Châu Thắng gửi đến UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND 2 huyện Quế Phong, Quỳ Châu; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai công trình hồ chứa nước Bản Mồng.

Ở Thông báo số 67/TB-PQP ngày 26/9/2023, Công ty CP Prime Quế Phong đưa ra thông tin dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế hiện tại lưu lượng về hồ có xu hướng tăng, để dự kiến công tác vận hành xả lũ hồ chứa Thủy điện Châu Thắng. Cụ thể, Công ty CP Prime Quế Phong thông báo kế hoạch vận hành xả lũ hồ chứa dự kiến lúc 4h00 phút sáng 27/9/2023; tổng lưu lượng xả từ 76 m3/s đến 450 m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy).

Nhà máy Thủy điện Châu Thắng.
Nhà máy Thủy điện Châu Thắng.

Sang ngày 27/9/2023, Công ty CP Prime Quế Phong tiếp tục có Thông báo số 68/TB-PQP về việc: Vận hành xả lũ hồ chứa Thủy điện Châu Thắng, thông báo kế hoạch vận hành xả lũ hồ chứa dự kiến thời gian lúc 4h00 phút ngày 27/9/2023. Nhưng do lưu lượng nước về hồ tăng đột biến và Thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp theo Thông báo số 27/9/2023/TB-NMNH vào lúc 2h00 ngày 27/9/2023, nên nhà máy Thủy điện Châu Thắng thực hiện xả lũ khẩn cấp vào lúc 2h35 phút ngày 27/9/2023; tổng lưu lượng xả từ 76 m3/s đến 1.200 m3/s.

Cũng trong ngày 27/9/2023, Công ty CP Prime Quế Phong lại có thêm Thông báo số 69/TB-POP về việc xả tăng cường hồ chứa Thủy điện Châu Thắng. Theo đó, do lưu vực hồ chứa Thủy điện Châu Thắng đang có mưa to, rất to; lưu lượng nước về hồ có xu hướng gia tăng, nên dự kiến mức xả về hạ du có thể đến 2.500m3/s; thời gian dự kiến xả tăng cường từ 8h30 phút, ngày 27/9/2023…

Ở cả 3 thông báo trên, Công ty CP Prime Quế Phong đều có câu kết đầy trách nhiệm rằng: “Chúng tôi xin thông báo để các đơn vị được biết nhằm triển khai các biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản”.

Chính quyền, lực lượng chức năng xã Châu Bình trắng đêm hỗ trợ người dân sơ tán tránh ngập lụt. Ảnh: CSCC
Chính quyền, lực lượng chức năng xã Châu Bình trắng đêm hỗ trợ người dân sơ tán tránh ngập lụt. Ảnh: CSCC

Tìm hiểu từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thì Công ty CP Prime Quế Phong thông báo vận hành xả lũ hồ chứa Thủy điện Châu Thắng chưa đảm bảo đúng quy định. Cụ thể, như đã đề cập: Thông báo số 67/TB-PQP được Công ty CP Prime Quế Phong phát hành vào lúc 23h42 phút ngày 26/9; tại đây, báo cáo vận hành xả lũ lúc 4h sáng 27/9 với lưu lượng xả từ 76m3/s đến 450m3/s. Thế nhưng, đến 2h38 phút ngày 27/9 lại có Thông báo số 68/TB-PQP nêu việc Thủy điện Nhạn Hạc xả khẩn cấp nên thực hiện xả lúc 2h35 phút với lưu lượng xả tăng lên đến 1.200m3/s. Đến 6h56 phút lại tiếp tục có Thông báo số 69/TB-PQP dự kiến đến 8h30 phút tăng mức xả lên đến 2.500m3/s về hạ du. “Theo quy định, thông báo vận hành xả lũ phải được ban hành trước khi thực hiện xả lũ ít nhất 4h đồng hồ…” – cán bộ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trao đổi.

Đặt câu hỏi: Thủy điện thông báo xả lũ lúc nửa đêm và từ 2 – 3h sáng, sau đó lại vận hành xả lũ trước thời gian quy định. Như vậy, người dân làm sao biết để kịp thời có “biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn về người và tài sản”? Chỉ nhận được được câu trả lời: “Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản chấn chỉnh công tác vận hành xả lũ gửi đến các chủ sở hữu thủy điện”(?!).

Công trình đập phụ dự án Hồ chứa nước Bản Mồng dở dang là nghi vấn dẫn đến gây ách tắc dòng chảy.
Công trình đập phụ dự án Hồ chứa nước Bản Mồng dở dang là nghi vấn dẫn đến gây ách tắc dòng chảy.

Ngày 4/10/2023, UBND huyện Quỳ Châu có Báo cáo số 37/BC-UBND tổng hợp thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra từ ngày 26-27/9. Về thiệt hại, có 1 người chết đuối là ông Lữ Văn Khuyên (SN 1952), trú tại bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tìm thấy thi thể lúc 12h30 phút ngày 29/9/2023; phải thực hiện di dời đến nơi an toàn trên 5.000 người. Có 1 nhà ở bị sập hoàn toàn (ở xã Châu Nga), 1.371 nhà/30 khối, bản bị ngập lụt. Quốc lộ 48A với chiều dài khoảng 44 km bị chia cắt 8 điểm; Quốc lộ 48D có 8 điểm sạt lở hàng trăm khối đất, đá; Tỉnh lộ 544 dài khoảng 34 km có 3 điểm sạt lở tại dốc Bù Xen; tuyến đường Châu Thuận – Châu Hội bị sạt lở 3 điểm; nhiều tuyến đường chính của các xã bị sạt lở, chia cắt nhiều thôn, bản; tất cả các cầu tràn trên địa bàn huyện bị ngập hoàn toàn. Nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng, như hồ chứa nước nhỏ Huôi Húng; kè Minh Châu…

Đường ống dẫn nước công trình thủy lợi dọc bờ khe Cô Ba bị hư hỏng.
Đường ống dẫn nước công trình thủy lợi dọc bờ khe Cô Ba bị hư hỏng.

Toàn huyện Quỳ Châu bị đổ gãy 40 cột hạ thế, 5 cột trung thế; 3 trạm biến áp, 2 máy đóng ngắt điện từ xa bị ngập. Có 15 trạm BTS của Vinaphone, 7 trạm của Viettel bị hư hỏng và mất sóng. 36/36 trường học phải nghỉ học; 14.906 học sinh phải nghỉ học do ảnh hưởng mưa lớn, trong đó, có hơn 100 học sinh Trường THPT Quỳ Châu ở trọ nội trú, và trong các hộ dân bị mất hết sách vở, tư trang học tập; có 5 điểm trường và 4 trạm y tế ở các xã Châu Tiến, Châu Thắng, Châu Hội, Châu Bình bị ngập sâu trong nước. Lũ lụt đã làm 850,48 ha lúa hè thu – mùa, 123,29 ha hoa màu và 190,79 ha thủy sản bị thiệt hại; 234,45 ha cây trồng hàng năm bị ngập, gãy đổ; 776 con gia súc trâu, bò, lợn cùng 23.032 con gia cầm bị chết. Nhiều cơ quan, đơn vị và hộ dân bị thiệt hại về đồ điện tử, đồ gia dụng, ô tô, xe máy… Ước tính tổng thiệt hại toàn địa bàn huyện Quỳ Châu lên đến 177.331 triệu đồng.

Tại Báo cáo số 37/BC-UBND, huyện Quỳ Châu xác định, dẫn đến thiệt hại là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới từ ngày 26/9/2023 đến ngày 27/9/2023, đã xảy ra mưa to đến rất to, lượng mưa đo được trên 310mm, lũ trên thượng nguồn chảy về lớn, đồng thời, các nhà máy thủy điện như Nhạn Hạc, Châu Thắng, Nậm Pông đã xả lũ với lưu lượng 2.000 – 2.500 m3/s, gây ngập lụt diện rộng trên toàn địa bàn huyện. Bởi vậy, cùng với kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh xem xét sớm hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại, UBND huyện Quỳ Châu còn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, trong đó, xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ ngày 27/9/2023.

Người dân và các em nhỏ thu dọn đồ dùng sau trận lũ.
Người dân và các em nhỏ thu dọn đồ dùng sau trận lũ.

Là người túc trực chỉ đạo ứng cứu lũ lụt rạng sáng 27/9, ông Lương Thành Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thắng cho biết, trong đêm 26/9, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, nước sông dâng cao, nhưng chưa gây ảnh hưởng đến các hộ dân. Đến khoảng 2h sáng, nhận được thông tin thủy điện xả lũ của Chủ tịch UBND xã, ông đã khẩn trương cắt cử công an, dân quân túc trực và thông báo cho người dân. Đến khoảng 3h, khi biết nhà máy thủy điện xả lũ tăng cường thì lúc này mất điện, mất mạng viễn thông, mất sóng di động nên các lực lượng trực của xã phải chia nhau đi từng nhà dân để cảnh báo; huy động công an, dân quân hỗ trợ người dân, nhà trường cứu tài sản. Đến khoảng 4h sáng, nước sông lên nhanh, tràn vào khu dân cư, nhiều hộ dân không kịp dọn đồ, chỉ kịp bỏ chạy để cứu người…

“Ở xã Châu Thắng, mưa lớn là mất điện, mất sóng điện thoại cũng như mạng internet, nên việc thông báo xả lũ lúc nửa đêm gây rất nhiều khó khăn cho địa phương về huy động lực lượng cũng như thông báo đến người dân. Vì vậy, cần phải có một phương án vận hành phù hợp, từ việc dự báo lũ, thông báo thời gian xả lũ để người dân và chính quyền chủ động trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại…” – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thắng, ông Lương Thành Trung khẩn thiết.

Thủy điện Châu Thắng nhìn từ bản Minh Tiến.
Thủy điện Châu Thắng nhìn từ bản Minh Tiến.

Trao đổi của Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thắng là xác đáng; và việc UBND huyện Quỳ Châu kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện ngày 27/9/2023 là cần thiết. Vì Thủy điện Châu Thắng, Thủy điện Nhạn Hạc thuộc nhóm các thủy điện phải chấp hành nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, tại Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Và vì chỉ khi đánh giá đúng nguyên nhân, làm rõ được tồn tại thì mới có được giải pháp ngăn ngừa thảm họa thiên tai, giảm thiểu được những đau thương mất mát…