Hiểm họa mang tên “bụi phổi” – Kỳ 4: Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm

Là địa bàn có nhiều mỏ khoáng sản, với môi trường làm việc nguy cơ cao, ông Nguyễn Văn Thọ – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Hợp cho biết, hàng năm đoàn liên ngành của huyện thường xuyên đi kiểm tra, trong đó có nội dung về an toàn lao động. Tuy nhiên, mỗi năm cũng chỉ kiểm tra được khoảng 10 – 15 doanh nghiệp, trong khi đó, trên địa bàn có đến vài trăm doanh nghiệp. Đặc biệt là 80 mỏ khai thác khoáng sản và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến khoáng sản.

“Khi đi kiểm tra thì hầu như chỗ nào cũng vi phạm về an toàn lao động hầu hết do ý thức của công nhân. Dù công ty đã trang bị bảo hộ nhưng họ không sử dụng. Khi chúng tôi đi kiểm tra, dù công nhân làm việc ở mỏ đá rồi hầm lò, nguy cơ đá rơi cao nhưng hầu hết đều không đội mũ bảo hiểm”, ông Thọ nói và cho hay, ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp theo quy định phải đưa công nhân đi khám sức khỏe hàng năm nhưng không thực hiện.

Đường hầm khai thác than.
Đường hầm khai thác than.

“Rất nhiều doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm cho bộ khung quản lý. Còn hầu hết công nhân không có hợp đồng lao động, hoặc nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách chỉ ký hợp đồng lao động 29 ngày. Bởi theo quy định, hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên là phải đóng bảo hiểm. Chính vì thế, khi phát hiện bị bệnh thì công nhân chính là người thiệt thòi, không được chính sách hỗ trợ dù bụi phổi thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp”, ông Thọ nói thêm.

Trong giai đoạn 5 năm (từ 2018 – 2022), phòng khám bệnh nghề nghiệp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã tiến hành khám, phát hiện và giám định được 13 trường hợp người lao động bị bệnh bụi phổi silic và bụi phổi than nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, con số này chiếm tỷ lệ rất thấp so với số lượng người lao động hiện đang làm việc trong môi trường lao động có nhiều yếu tố tác hại nghề nghiệp, nguy cơ cao như khai thác chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm nên rất nhiều công nhân, đặc biệt là những công nhân làm việc tại các mỏ khoáng sản không được khám sức khỏe định kỳ, không được giám định nghề nghiệp để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cũng như bồi thường của chủ sử dụng lao động.

Nghề làm công nhân mỏ than là nghề độc hại, nguy hiểm.
Nghề làm công nhân mỏ than là nghề độc hại, nguy hiểm.

Ông Lê Tuấn Anh – Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An) cho biết, hiện nay, thực trạng vệ sinh an toàn lao động gặp nhiều vấn đề bất cập. Đầu tiên là việc tuân thủ các vấn đề liên quan đến pháp luật, an toàn vệ sinh lao động chưa cao. Việc nhận thức yếu về pháp luật, thậm chí thiếu ý thức của người sử dụng lao động ở một số cơ sở, đặc biệt là cơ sở vừa và nhỏ. Do đó, công tác khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động tại các đơn vị trên thực tế cho đến nay chưa được chú trọng.

Theo ông Lê Tuấn Anh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa nắm rõ quy định: Mọi cơ sở lao động đều phải định kỳ quan trắc môi trường lao động, lập và định kỳ bổ sung hồ sơ quản lý về vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe cho người lao động và bệnh nghề nghiệp. “Ngoài ra, bản thân người lao động chưa nắm rõ các quyền lợi, chủ quan trong việc sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình làm việc. Trong khi, các chi phí khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, giám sát môi trường lao động… phải tự chi trả nên các doanh nghiệp thường không thực hiện đầy đủ các hoạt động này”, vị Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp nói và cho hay, đối với những người lao động có hợp đồng lao động ngắn hạn, thời vụ, việc đảm bảo quyền lợi cho họ cũng thường chưa được chú trọng.

Mỏ khoáng sản dày đặc ở huyện Quỳ Hợp.
Mỏ khoáng sản dày đặc ở huyện Quỳ Hợp.

Trước thực trạng này, lãnh đạo Khoa bệnh Nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An) đề xuất các giải pháp như, phải tăng cường công tác hướng dẫn thông tin – giáo dục – truyền thông về các cơ sở pháp lý trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người lao động tới người sử dụng lao động và người lao động. Đẩy mạnh công tác hoạt động liên ngành, thanh tra chuyên ngành để hướng dẫn, giám sát các đơn vị triển khai, lập kế hoạch thực hiện tốt công tác khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động. Đối với những đơn vị không thực hiện phải có chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc, nhằm nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Ông Thái Đình Lâm – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Nghệ An cho biết, các công nhân từng làm việc ở Công ty TNHH Châu Tiến bị bụi phổi đều từng điều trị tại đây. Tuy nhiên, do phát hiện muộn nên rất khó khăn để cứu chữa. “Các bệnh nhân đều được chuyển ra Bệnh viện Phổi Trung ương để tiến hành rửa phổi nhưng không hiệu quả. Chỉ có 2 trường hợp còn có thể rửa được, nhưng các hạt bụi bột đá nhỏ mịn bám vào thành phổi không thể sạch sau khi rửa”, ông Lâm nói và khuyến cáo, bệnh bụi phổi nếu phát hiện muộn thì khả năng cứu sống rất nhỏ. Do đó, các chủ doanh nghiệp, công đoàn các cấp phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn lao động, điều kiện làm việc cho công nhân, đặc biệt là các ngành nghề có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, mắc bệnh bụi phổi. Bên cạnh đó, các công nhân cần tự bảo vệ mình và tuân thủ việc bảo hộ lao động.

Một công nhân từng làm việc ở Công ty Châu Tiến mắc bụi phổi, đã biến chứng sang lao.
Một công nhân từng làm việc ở Công ty Châu Tiến mắc bụi phổi, đã biến chứng sang lao.

Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp là bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất trong 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở nước ta. Có thời điểm, bệnh bụi phổi silic chiếm tới 74,40%. Bệnh bụi phổi silic là tình trạng xơ hóa phổi do hít phải bụi có chứa silic. Silic là một tinh thể nhỏ trông giống như pha lê, được tìm thấy trong cát, đá hoặc quặng khoáng sản như thạch anh. Theo thời gian, những tinh thể silic này sẽ tích tụ trong phổi và đường thở của người bệnh. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh bị khó thở, suy hô hấp, ở mức độ nặng có thể tử vong. Đây là căn bệnh tiến triển không hồi phục (không thể chữa khỏi), ngay cả khi người bệnh đã ngừng tiếp xúc với bụi.

Bệnh bụi phổi gây ra các mô sẹo ở phổi. Ảnh minh họa: Shutterstock
Bệnh bụi phổi gây ra các mô sẹo ở phổi. Ảnh minh họa: Shutterstock

Các triệu chứng của bệnh bụi phổi silic thường mất nhiều năm để phát triển và người bệnh có thể không nhận thấy bất kỳ vấn đề nào. Các triệu chứng cũng có thể tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi không còn tiếp xúc với bụi silic. Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh bụi phổi silic có thể là ho dai dẳng, thỉnh thoảng kèm theo đờm, khó thở, hụt hơi. Một số người cuối cùng có thể thấy các hoạt động đơn giản như đi bộ hoặc leo cầu thang rất khó khăn, có thể bị giới hạn phần lớn trong nhà hoặc giường của họ.

Theo ông Lê Tuấn Anh – Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An), nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp phụ thuộc vào 3 yếu tố chính là yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp, nồng độ bụi trong không khí, tỷ lệ silic tự do trong bụi. Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố cá nhân, vì ở những người cùng tiếp xúc với bụi như nhau lại có tình trạng nhiễm bệnh khác nhau. Các biện pháp dự phòng chủ yếu bao gồm 3 phương diện: kỹ thuật, y tế và cá nhân.

Bệnh bụi phổi có nguy cơ cao ở những người làm việc trong môi trường đầy khói bụi. Ảnh minh họa:  Shutterstock
Bệnh bụi phổi có nguy cơ cao ở những người làm việc trong môi trường đầy khói bụi. Ảnh minh họa: Shutterstock

Trong 3 biện pháp nói trên, biện pháp dự phòng về kỹ thuật bao giờ cũng là quan trọng nhất: biện pháp thông khí (bao gồm thông khí chung, thông khí hút cục bộ), áp dụng công nghệ ướt (làm ẩm: phun nước, tưới ẩm nguyên, vật liệu; dùng quạt phun sương,…); cách ly nguồn phát tán bụi. Biện pháp cá nhân là người lao động phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ đúng quy định (áo, quần bảo hộ, mũ, găng tay, kính, ủng đặc biệt là khẩu trang chuyên dụng N95 hoặc bán mặt nạ).