PV: Thưa ông! Hiện nay, Nghệ An đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch từ “Zero Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Ông Bùi Đình Long: Đợt dịch thứ 4 bùng phát, với biến thể Delta hết sức nguy hiểm, khó lường. Phòng chống dịch, Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng đã phản ứng cẩn trọng với các biện pháp giãn cách, kiểm soát nghiêm ngặt. Ở trong giai đoạn này, đại đa số người dân còn chưa được tiếp cận với tấm khiên bảo vệ là vaccine phòng bệnh, thì “Zero Covid-19” là chiến lược cần thiết để tránh sụp đổ hệ thống y tế, cung cấp sự bảo vệ tối đa cho tính mạng và sức khoẻ của nhân dân.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau của làn sóng dịch, mỗi chiến lược chống dịch mà chúng ta áp dụng đều phát huy những thế mạnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Áp dụng “Zero Covid-19”, các địa phương đã vừa tích cực kiểm soát dịch, bảo đảm đời sống an sinh xã hội, vừa thần tốc triển khai chiến dịch tiêm chủng. Đây chính là những điểm tích cực. Song cũng trong chính giai đoạn này cũng phát sinh những vấn đề rất đáng quan tâm, đó là: Do tâm lý nên nhiều người dân, doanh nghiệp chọn “ngủ đông” hay tạm dừng các hoạt động….
Nhận thấy tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực, đi kèm những tiến bộ lớn trong chương trình tiêm phủ vaccine tại các vùng dịch, Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời từ chủ trương “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, điều này đã thể hiện rất rõ ở Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Có thể nói Chính phủ đã có sự tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như giới khoa học một cách cụ thể và bài bản hơn; để đưa ra một khung khổ chính sách phòng chống dịch phù hợp với thông lệ và xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Cần phải khẳng định: Chuyển sang “sống chung”, “thích ứng an toàn” là chủ trương đúng đắn, chủ động, khoa học để chiến thắng dịch bệnh và nỗ lực đạt được 2 mục tiêu: Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế – xã hội. Chủ trương mới này đòi hỏi mỗi địa phương, cấp ngành phải xây dựng những giải pháp phù hợp với điều kiện thực nhằm “giữ ổn định vĩ mô”, tạo việc làm cho người lao động, cũng như tạo các nền tảng, động lực cho tăng trưởng kinh tế.
PV: Được biết, Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch 598/ KH-UBND và Quyết định 3896/QĐ-UBND để thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định lại các cấp độ dịch cũng như các biện pháp phòng, chống dịch. Vậy, Kế hoạch 598 và Quyết định 3896 có những điểm mới nào thưa ông?
Ông Bùi Đình Long: Nghị quyết 128 mới chỉ là “Kim chỉ Nam”, phương hướng để các cấp, ngành, địa phương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Yêu cầu đặt ra là mỗi địa phương cần phải có kế hoạch triển khai các chính sách cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Chính vì vậy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 598/ KH-UBND và Quyết định 3896/QĐ-UBND quy định tạm thời các biện pháp phòng chống dịch theo từng cấp độ.
Từ kinh nghiệm thực tiễn qua các đợt dịch vừa qua tại địa phương, Nghệ An đã ban hành 598/ KH-UBND và Quyết định 3896/QĐ-UBND theo tinh thần ‘an toàn đến đâu mở cửa đến đó”, “mở cửa ở đâu, nơi đó phải an toàn” nhằm mục tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân là tiền đề quan trọng, là yếu tố quyết định để khôi phục và phát triển kinh tế xã hội.
Về cơ bản Kế hoạch 598 và Quyết định 3896 mà UBND tỉnh Nghệ An ban hành đã cụ thể hóa và triển khai các chỉ đạo của Nghị quyết 128/NQ-CP. Trong Nghị quyết số 128/NQ-CP có rất nhiều nội dung địa phương phải căn cứ tình hình thực tiễn để quy định các biện pháp phòng, chống dịch theo từng cấp độ. Cho nên kế hoạch 598 và đặc biệt là Quyết định 3896 của UBND tỉnh cụ thể hóa các biện pháp phòng, chống dịch theo từng cấp độ.
Ví dụ như cụ thể hóa đối với: Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo… ) đối với địa phương đang áp dụng cấp độ 2 thì số lượng người không được quá 30 người…, ngoài trời không quá 45 người đối với địa phương áp dụng cấp độ 2.
Trong nhóm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khung Quy định của Chính phủ có 5 nhóm lĩnh vực, Hướng dẫn của UBND tỉnh bổ sung 02 nội dung, đối tượng: Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, cảng cá; nơi tập kết hàng hóa, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Căn cứ vào thực tế tình hình dịch, tỉnh sẽ áp dụng thực hiện linh hoạt thích ứng an toàn, đáp ứng với dịch bệnh trong tình hình mới vừa đảm bảo tốt phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, các cấp các ngành cần nghiên cứu kỹ để triển khai thực hiện hiệu quả.
PV: Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 và Kế hoạch số 598/ KH-UBND nhằm giữ vững vùng xanh, tạo đà phát triển trong tình hình mới, thì các cấp ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện những giải pháp nào?
Ông Bùi Đình Long: Hiện nay, nguy cơ dịch Covid-19 có thể bùng phát trong những ngày tới ở Nghệ An là rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, tỉnh đang đối mặt với 4 nguy cơ cần phải có sự chỉ đạo tập trung, đó là: Nguy cơ chủ quan, lơ là trong cán bộ, đảng viên, trong nhân dân; nguy cơ mất kiểm soát nguồn lây bệnh từ những người di cư từ vùng dịch về; nguy cơ tình huống dịch xấu hơn, vượt quá năng lực của tỉnh về điều trị, cách ly; nguy cơ khủng hoảng an sinh xã hội, việc làm, an ninh trật tự, truyền thông trong quá trình chống dịch và sau dịch.
Như vậy, ứng phó với các nguy cơ này, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 và Kế hoạch số 598 của UBND tỉnh, các cấp, các ngành cần tiếp tục kiên trì định hướng, chiến lược phòng, chống dịch của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các Bộ ngành Trung ương trong phòng, chống dịch Covid-19; Triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 598/KH-UBND ngày 21/10/2021 về việc triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 3869/QĐ-UBND về việc Quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các cấp, ngành, địa phương cần tập trung cao độ, triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch từ bên ngoài, chủ động rà soát, quản lý chặt người trở về từ các địa phương khác, đặc biệt là từ các vùng có dịch; củng cố mạng lưới phòng chống dịch ngay tại cơ sở, tiếp tục dựa vào dân, lấy nhân dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch; chuẩn bị cơ sở thu dung và điều trị ở cấp độ cao hơn, nhất là cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Ngoài ra, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là đối với người đến và về từ các địa phương khác; quản lý chặt chẽ di biến động dân cư trên địa bàn với phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện”; thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ người dân trở về từ các địa phương có dịch trên cả nước đặc biệt tại các chốt kiểm soát liên tỉnh và thông qua giám sát tại cộng đồng.
Các ngành, địa phương chấn chỉnh công tác quản lý phòng chống dịch tại các khu cách ly tập trung, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly ra cộng đồng. Trường hợp phát hiện ca nhiễm trong khu cách ly tập trung, phải triển khai ngay các biện pháp y tế phù hợp theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát các trường hợp thuộc diện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn, không để người dân tự ý rời khỏi vị trí cách ly.
Ngành y tế và các huyện/thành/thị phải xây dựng phương án tổ chức tiêm chủng an toàn, an ninh và đảm bảo phòng chống dịch theo từng quy mô phân bổ vắc-xin, không để bị động trong lựa chọn đối tượng và bố trí tiêm ngay khi được phân bổ. Quán triệt thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn đối tượng, tuyệt đối không để xuất hiện tình trạng tiêu cực trong tiêm chủng.
Đồng thời phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa điểm tập trung đông người, các khu dịch vụ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, với yêu cầu chỉ được hoạt động sau khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch và đáp ứng các điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. …Tăng cường công tác truyền thông kịp thời, bảo đảm thống nhất chính xác thông tin với nhiều hình thức, đa phương tiện nhằm nâng cao ý thức của người dân; khuyến khích người dân thường xuyên tự đi xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng (đặc biệt đối với người có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở,… đến ngay Trạm Y tế xã để khai báo y tế và làm xét nghiệm miễn phí và lấy mẫu RT-PCR).
PV: Người dân Nghệ An cần có những “ứng xử” nào trong tình hình mới hiện nay?
Ông Bùi Đình Long: Với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần phải nhận thức được Nghị quyết số 128 của Chính phủ là nhắm đến trọng tâm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Như vậy, người dân cần lưu ý 2 điểm: Thứ nhất là “thích ứng”, tức là chấp nhận tính thường trực của virus SARS-CoV-2 thay vì “zero COVID”. Thứ hai, quan trọng hơn là an toàn và hiệu quả, tức là khi kiểm soát dịch Covid-19 phải cân đối giữa lợi ích và hiệu quả.
Khi nhận thức rõ, tất cả hoạt động trong đời sống của nhân dân và việc sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn (xét nghiệm, tiêm chủng, chữa trị, sản xuất kinh doanh…) đều phải được xây dựng kế hoạch cụ thể, tính toán phương án để đảm bảo bình thường mới nhằm đem lại lợi ích tối đa và rủi ro tối thiểu cuộc sống và trong sản xuất kinh doanh. Người dân cần vào cuộc thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly, không tập trung đông người…
Chúng ta phải nhìn nhận rõ: Nghị quyết 128 là động lực thúc đẩy nhanh quá trình bình thường mới, người dân, doanh nghiệp cần có cách “ứng xử” phù hợp, khoa học, hiệu quả … để có thể chủ động xây dựng kế hoạch sống chung an toàn với SARS-CoV-2 nhằm đưa cuộc sống ổn định sớm nhất và phục hồi sản xuất trong thời gian sớm nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!