Giữ vững lá cờ đầu ở Thanh Chương

Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Thanh Liên, tên gọi Thanh Liên có cách đây gần 600 năm, từ thời nhà Lê (1427) gồm 2 xã Cao Điền, Cao Môn (sau này xã Cao Môn đổi thành Đức Nhuận) thuộc tổng Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, phủ Đức Thọ. Đến năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) tách ra khỏi phủ Đức Thọ, sáp nhập vào phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tại chợ Giăng cách đồi Rạng 3 km về phía Đông – nơi các nhà khảo cổ đã tìm thấy những hiện vật của người Việt cổ thuộc Văn hóa Sơn Vi cách đây hơn 12.000 năm, điều đó, chứng tỏ mảnh đất này đã có người sinh sống lâu đời. Nay ở Khe Su vẫn còn những dấu tích hang động của bà con dân tộc Mường, Đan Lai sinh sống theo kiểu du canh, du cư…

Vùng đất Cao Điền, Đức Nhuận xưa, người dân có tinh thần hiếu học. Hiện trước trụ sở UBND xã Thanh Liên vẫn còn lưu giữ nhà bia với 3 tấm bia đá ghi danh 267 vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài đậu đạt ở các thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII. Đây được ví như “Văn miếu” thu nhỏ của tổng Cát Ngạn xưa. Nơi đây, chi bộ Đảng cũng được thành lập sớm vào tháng 4/1930, làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phát triển đảng viên mới, giáo dục, rèn luyện quần chúng tham gia phong trào cách mạng. Nổi bật là ngày 1/5/1930, chi bộ đã lãnh đạo Nhân dân cùng với các xã trong vùng biểu tình, đấu tranh, đốt phá đồn điền Ký Viễn ở Hạnh Lâm – một sự kiện đã đi vào lịch sử của phong trào Xô viết – Nghệ Tĩnh.

Nhà bia với 3 tấm bia đá ghi danh 267 vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài đậu đạt ở các thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII, tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa
Nhà bia với 3 tấm bia đá ghi danh 267 vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài đậu đạt ở các thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII, tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa

Sau 2 lần sáp nhập, Cao Điền – Đức Nhuận đổi tên thành Cao Đức, Tam Đồng; đến ngày 23/3/ 1954, Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phân chia xã Tam Đồng thành 3 xã: Thanh Liên, Thanh Tiên và Phong Thịnh. Kể từ ngày có tên Thanh Liên đến nay, ở mỗi giai đoạn là một dấu mốc nỗ lực, sáng tạo, vượt khó vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Thanh Liên.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, nhân dân Thanh Liên đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của, “tất cả vì tiền tuyến”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần cùng cả dân tộc giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Ghi nhận đóng góp của địa phương, Đảng và Nhà nước đã trao tặng xã danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 82 Bảng vàng danh dự; 1.128 Bảng gia đình vẻ vang; 3.429 huân, huy chương các loại cho tập thể, cá nhân…

Một góc xã Thanh Liên hiện nay. Ảnh: Mai Hoa
Một góc xã Thanh Liên hiện nay. Ảnh: Mai Hoa

Sự phát triển của xã Thanh Liên gắn liền với sự phát triển của quê hương huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và đất nước. Hòa bình lập lại, Đảng bộ và Nhân dân xã Thanh Liên bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất và đời sống, thực hiện công cuộc đổi mới với tư duy, quyết tâm mới. Đặc biệt, 10 năm gần đây, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Thanh Liên đổi mới tư duy, sáng tạo, phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường để bứt phá vươn lên, trở thành đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của huyện Thanh Chương. Đây là địa phương duy nhất trong 10 năm liên tục, Đảng bộ và chính quyền đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; trong đó, Đảng bộ 9 năm xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu. Với kết quả đó, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Liên.

Đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên triển khai nhiệm vụ của cấp ủy trong tháng đối với trưởng các đầu ngành. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên triển khai nhiệm vụ của cấp ủy trong tháng đối với trưởng các đầu ngành. Ảnh: Mai Hoa

Quá trình phát triển, điều được khẳng định ở xã Thanh Liên là cán bộ, đảng viên, Nhân dân đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ độc canh cây lúa sang sản xuất nông nghiệp đa dạng, với 6 loại hình sản xuất được quy hoạch theo vùng. Gồm vùng sản xuất lúa ổn định 379 ha; 40 ha trồng cây ăn quả tập trung, gồm bưởi Diễn, bưởi da xanh, ổi, mít, táo…; vùng trồng rau màu hàng hóa hơn 20 ha, trong đó, bí xanh là chủ lực, đạt 240 triệu đồng/ha/năm; 30 ha nuôi trồng thủy sản; 13 ha trồng sen; vùng trang trại, gia trại với 29 mô hình, thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm/mô hình.

Để có được thành quả hôm nay, cán bộ và Nhân dân Thanh Liên quyết tâm, quyết liệt đầu tư cải tạo ruộng đồng, cải tạo hệ thống tưới tiêu, dồn điền, đổi thửa ruộng đất, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với nhiều lần thử nghiệm, có thành công, có thất bại. Trong các cuộc “cách mạng” này, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở xã là những người tiên phong nhận ruộng đất vùng xa, xấu; thử nghiệm làm các mô hình kinh tế mới trước rồi lan tỏa trong Nhân dân.

Lãnh đạo xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình trồng bưởi da xanh; Chuyển đổi đất làm màu sang trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả cao; Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương kiểm tra mô hình trồng bưởi da xanh; Chuyển đổi đất làm màu sang trồng cây ăn quả đem lại hiệu quả cao; Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa

Điển hình như để chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ đơn thuần sang chăn nuôi tập trung hàng hóa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phạm Văn Dần đảm nhận làm trước. Trong lĩnh vực trồng trọt, mỗi loại cây trồng từ đậu đũa, bí xanh, dưa đỏ, dưa chuột, nghệ đỏ và một số cây ăn quả, như thanh Long, bưởi da xanh, mít thái… đích thân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phan Bá Ngọc chủ động làm trước trên diện tích của gia đình để Nhân dân thấy, tin và làm theo. Và mỗi loại cây trồng được vào sản xuất ở xã Thanh Liên, gắn với đó là việc lo đầu ra, cán bộ xã cũng trực tiếp tìm kiếm thị trường, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Có thời điểm, chính Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phan Bá Ngọc trực tiếp thuê xe ô tô vận chuyển bí xanh xuống TP. Vinh tìm mối bán và khi đã có mối kết nối cho người dân bán.

Các sản phẩm hương Liên Đức và nước súc miệng Xuân Vinh của xã Thanh Liên đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Mai Hoa
Các sản phẩm hương Liên Đức và nước súc miệng Xuân Vinh của xã Thanh Liên đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: Mai Hoa

Hiện nay, trên những con đường nhựa, bê tông khang trang, sạch sẽ ở xã Thanh Liên là đường hoa, hàng cây xanh, đường cờ cùng với ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung của người dân, tạo cảnh quan vùng quê văn minh, hiện đại hơn.

Ông Nguyễn Xuân Hùng – người có gần 30 năm gắn bó công tác ở địa phương, nay nghỉ hưu cho rằng: Sự nổi trội của xã Thanh Liên là đời sống kinh tế của người dân được nâng lên, nhiều hộ khá, giàu; không có hộ ở nhà tạm bợ. Người nông dân hôm nay ứng dụng máy móc để giảm sức người. Kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, đáp ứng chuẩn nông thôn mới nâng cao và một phần nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống văn hóa mọi mặt và phong trào rèn luyện thể dục,thể thao của người dân được nâng lên, trở thành nhu cầu hàng ngày của mỗi gia đình. Cộng đồng dân cư đoàn kết, cộng sự, tin tưởng vào đội ngũ cán bộ xã và xóm; đặc biệt là niềm tin của con em xa quê, mỗi người bằng cách này hay cách khác đều có những đóng góp xây dựng quê hương.

Hệ thống trường học 3 bậc học ở Thanh Liên đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2; Trên địa bàn xã Thanh Liên có bể bơi, tạo sân chơi cho trẻ em. Ảnh: Mai Hoa
Hệ thống trường học 3 bậc học ở Thanh Liên đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2; Trên địa bàn xã Thanh Liên có bể bơi, tạo sân chơi cho trẻ em. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Phan Bá Ngọc – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để tiếp tục xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, quá trình chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền đã có kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện. Rất mừng, trong quá trình triển khai thực hiện có sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đang tiếp tục chỉ đạo nâng cao các tiêu chí để đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

Xã Thanh Liên lấy lối xóm để lan toả phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa
Xã Thanh Liên lấy lối xóm để lan toả phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Mai Hoa

Từ thực tiễn thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Liên tiếp tục phát huy vai trò từng hộ dân, từng dòng họ, lối xóm, lấy từng chi bộ và các tổ chức trong hệ thống chính trị làm nhân tố, nền tảng để lan tỏa, tạo ra những dấu ấn, điểm nhấn mới trên tất cả các lĩnh vực. Trước hết, cấp ủy Đảng phải vào cuộc thật sự, sâu sát, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để “biến” chủ trương được thực hiện nhanh, hiệu quả, tạo được sức lan tỏa trong đảng bộ, đảng viên và gia đình đảng viên. Chính quyền tăng cường công tác quản lý các lĩnh vực; đảm bảo kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Chăm lo xây dựng khối đoàn kết, đồng thuận cao trong Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân cùng chung ý chí, hành động vì mục tiêu xây dựng xã Thanh Liên ngày càng phát triển.

Việc tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, công bố Quyết định đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ và Nhân dân xã Thanh Liên tiếp tục có thêm động lực, đoàn kết đưa địa phương phát triển ở tầm cao hơn, giữ vững “lá cờ” đầu của huyện Thanh Chương.

Hạ tầng giao thông Thanh Liên được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Mai Hoa
Hạ tầng giao thông Thanh Liên được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Mai Hoa