Bài cuối: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, các địa phương và người dân cũng đã nỗ lực, nhưng những năm qua, kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn dừng lại ở mức khiêm tốn, chưa đáp ứng nhu cầu chuyển đổi…

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhu cầu chuyển đổi lớn, tuy nhiên, tại hầu khắp các địa phương, kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Chưa nói đến những bất cập trong xác định loại cây chuyển đổi, tiêu thụ sản phẩm, mà trước hết trên địa bàn, chỉ tiêu về diện tích chuyển đổi cơ bản đều chưa đạt kế hoạch. Một số xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả còn thấp như Cát Văn, Thanh Chi, Võ Liệt, Thanh Long, Thanh Tùng, Thanh Dương…

“Dẫn đến thực tế này là do nhiều nguyên nhân. Đến nay, địa phương vẫn chưa xây dựng được mô hình về bảo quản nông sản sau thu hoạch. Một số sản phẩm vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có sức hút để cạnh tranh với thị trường. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại mặc dù đã quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản ổn định, bền vững và giá trị”, ông Lê Đình Thanh chia sẻ.

Người dân xã Thanh Xuân (Thanh Chương) chuyển đổi trồng lúa sang trồng bí để chống hạn. Ảnh: Thanh Phúc
Người dân xã Thanh Xuân (Thanh Chương) chuyển đổi trồng lúa sang trồng bí để chống hạn. Ảnh: Thanh Phúc

Thêm vào đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn manh mún, chưa tập trung thành vùng rộng lớn để thuận lợi cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Về phía người dân, nhiều hộ mặc dù thiếu lao động nhưng vẫn giữ ruộng, sản xuất quy mô nhỏ theo hướng tự cung, tự cấp, cho nên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, nội đồng tưới tiêu chưa đồng bộ và chủ yếu phục vụ cho sản xuất lúa.

Thực tế những năm qua, một số mương máng, giao thông nội đồng đã được cải tạo để chuyển đổi, tuy nhiên, chưa đáp ứng được nhu cầu, do vậy, việc chuyển đổi còn gặp khó khăn. Tại huyện Diễn Châu, theo ông Võ Anh Khoa – Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, rất nhiều diện tích ở các xã Diễn Thành, Diễn Tân, Diễn Nguyên… cần chuyển đổi do không chủ động về nguồn nước, tuy nhiên, đến nay chưa thể thực hiện được.

“Huyện Diễn Châu có gần 3.500 ha đất màu, đến nay đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được gần 500 ha ở các xã: Diễn Mỹ 50 ha, Diễn Phong 189 ha, Diễn Hải 30 ha… Đây là những diện tích đã được đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu, nhờ đó có thể đưa vào những loại cây trồng “khó tính” hơn nhưng cho giá trị cao như dưa lê, dưa hấu, ớt cay… Còn phần lớn diện tích đất màu còn lại đành chấp nhận chỉ có thể sản xuất theo những công thức an toàn hơn như lạc xuân, vừng hè, khoai tây hoặc ngô vụ đông; một số diện tích trồng vừng hoặc ngô sớm từ tháng 2, những tháng mùa Hè do hạn quá phải bỏ trống không sản xuất”, ông Võ Anh Khoa cho biết.

Mô hình 6 ha trồng sen được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả ở xã Minh Châu (Diễn Châu).
Mô hình 6 ha trồng sen được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả ở xã Minh Châu (Diễn Châu).

Năm 2021, huyện Yên Thành triển khai thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Là huyện trọng điểm lúa của tỉnh nhưng sản xuất tại địa phương vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng, chưa khai thác hết được thế mạnh của từng địa phương. Cùng với sự biến đổi khí hậu, tập quán canh tác của người dân, sản xuất nông nghiệp đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng” được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, đồng thời, quản lý được quy hoạch sử dụng đất, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.

Từ năm 2015 đến nay, diện tích đất được chuyển đổi trên địa bàn huyện Yên Thành là trên 300 ha, trong đó, ngoài chuyển từ đất lúa sang trồng cây màu, cây lâu năm và kết hợp nuôi trồng thủy sản, thì còn nhiều diện tích chuyển đổi từ đất màu, đất lâm nghiệp, đất vườn đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dương, kết quả chuyển đổi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Toàn huyện có gần 1.000 ha cần chuyển đổi và con số đã đạt được là khá khiêm tốn, mặc dù địa phương đã có nhiều nỗ lực.

Thực tế hiện nay, ngoài một số ít mô hình hiệu quả, việc chuyển đổi hầu hết vẫn còn mang tính tạm thời, thời vụ là chủ yếu. Khi thời tiết bất thuận, hạn hán không có nước để gieo trồng lúa thì chuyển đổi, nhưng năm sau thời tiết thuận lợi, có nước thì người dân trồng lúa trở lại, gây khó khăn cho công tác vận động, chỉ đạo người dân chuyển đổi lâu dài. Việc chuyển đổi đa phần còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết vùng và tập trung với quy mô lớn, chưa thực hiện được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra các loại cây hoa màu bấp bênh, thiếu ổn định, phụ thuộc nhiều vào thương lái nên nông dân cũng rất ngại chuyển đổi. Nếu có chuyển đổi còn mang tính tự phát.

Sản phẩm trà nhân trần được sản xuất tại xã Tiến Thành (Yên Thành) đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Sản phẩm trà nhân trần được sản xuất tại xã Tiến Thành (Yên Thành) đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Ví như ở huyện Diễn Châu, năm 2020, trước tình trạng cả vùng đất mênh mông trên địa bàn bị bỏ hoang, chị Trần Thị Thơm ở xã Minh Châu đứng ra xin xã cho nhận đất để trồng sen. “Đất này là đất hoang hóa, bùn lầy, nhận được đất, tôi đầu tư cải tạo, đắp bờ, mua giống sen về thả. Đến nay, gia đình đã có mấy đầm sen rộng 2 ha, sản phẩm được tư thương đến thu mua, quảng bá trên các trang mạng xã hội, tự đưa đi nhập ở thành phố Vinh và một số địa phương khác”, chị Thơm cho biết. Tuy nhiên, việc tiêu thụ vẫn còn phụ thuộc tư thương là chủ yếu, trong khi hoa sen là loại sản phẩm không bảo quản được mà đòi hỏi phải được thu hái và tiêu thụ nhanh gọn. Để thuận lợi hơn cho khâu tiêu thụ, chị Thơm tự mày mò muối ngó sen, bán hạt sen tươi… nhưng vẫn khó khăn và bấp bênh do chị chưa đủ nguồn vốn đầu tư hệ thống máy móc, kho bảo quản.

Làm hoàn toàn bằng thủ công nên chất lượng, quy cách, mẫu mã còn nhiều hạn chế, vì thế chị Thơm chỉ đang bán cho tư thương, khách lẻ chứ chưa thể vào các siêu thị, cửa hàng phân phối lớn và uy tín để nâng cao thu nhập và giá trị. Trong dự định của mình, chị mong muốn được nhận thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, theo chị Thơm, sản xuất tập trung, hàng hóa lớn và giá trị cao chỉ có thể thực hiện khi sản phẩm được công nhận, có truy xuất, mẫu mã sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối lớn, và đặc biệt là khâu chế biến và bảo quản.

Nông dân huyện Thanh Chương chủ động kết nối thương lái thu mua bí tại ruộng. Ảnh: Thanh Phúc
Nông dân huyện Thanh Chương chủ động kết nối thương lái thu mua bí tại ruộng. Ảnh: Thanh Phúc

Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng được yêu cầu thực tế, khó khăn, trước hết do tư tưởng người dân ở một số vùng vẫn còn nặng về sản xuất lúa. Cùng với đó là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đầu ra sản phẩm chuyển đổi còn khó khăn, không ổn định, dẫn đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn chậm đổi mới, đa phần manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết vùng, tập trung, quy mô lớn; thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Việc chuyển đổi ở một số địa phương còn tự phát không theo quy hoạch, không nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, yêu cầu kỹ thuật của từng loại cây trồng nên nhiều rủi ro; Chưa có quy hoạch tập trung cho các cây trồng cạn, đặc biệt là quy hoạch vùng chuyển đổi đất lúa tập trung sang cây trồng cạn đi đôi với việc xây dựng hệ thống tưới, tiêu phù hợp.

Theo bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, để có thể chuyển đổi thành công, thì cây trồng chuyển đổi phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khuyến khích các vùng chuyển đổi có diện tích lớn, tập trung để đảm bảo có giá trị kinh tế cao, theo quy hoạch các cây trồng chủ lực của địa phương, đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến và tiêu thụ. Trên diện tích đất trồng lúa chuyển đổi cần bố trí cây trồng một cách phù hợp, linh hoạt, bảo vệ tài nguyên đất nông nghiệp, khi cần thiết có thể trồng lúa trở lại mà không phải đầu tư lớn.

Trồng bí thay thế trồng lúa cho thu nhập tiền tỷ ở xã Thanh Khai (Thanh Chương).
Trồng bí thay thế trồng lúa cho thu nhập tiền tỷ ở xã Thanh Khai (Thanh Chương).

Việc lựa chọn loại cây trồng chuyển đổi phải phù hợp với nhu cầu thị trường, tiềm năng, lợi thế của địa phương và các điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng đất đai, nguồn nước, khí hậu,… trên cơ sở khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; tổ chức sản xuất theo chuỗi tạo ra giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, chuyển đổi phải thực hiện đầy đủ hồ sơ và đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch đến các hộ dân để hình thành các vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn.

“Thời gian tới, bên cạnh xây dựng, tranh thủ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi đối với vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, Nghệ An sẽ tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn cây trồng chuyển đổi phù hợp để đem lại hiệu quả, phù hợp tính chất đất và khí hậu của địa phương và định hướng thị trường, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ hiệu quả của việc thực hiện chuyển đổi”, bà Võ Thị Nhung chia sẻ.

Người dân thôn Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) đầu tư thuê máy bơm nước và làm đất gieo cấy lúa vụ mùa 2023. Ảnh: Hoài Thu
Người dân thôn Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) đầu tư thuê máy bơm nước và làm đất gieo cấy lúa vụ mùa 2023. Ảnh: Hoài Thu