Bài 1: Vượt khó làm giàu

Thời tiết ở Nghệ An những năm gần đây ngày càng có chiều hướng nắng nóng, gây khô hạn cho các cánh đồng sản xuất, đặc biệt là trồng lúa. Để duy trì, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương ở Nghệ An đã tìm cách chống hạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Lãnh đạo xã Tam Quang (Tương Dương) kiểm tra mô hình chuyển đổi cây trồng chống hạn tại bản Bãi Sở.
Lãnh đạo xã Tam Quang (Tương Dương) kiểm tra mô hình chuyển đổi cây trồng chống hạn tại bản Bãi Sở.

Được đưa về từ các tỉnh miền Bắc, cây nhân trần đã có mặt ở xã Tiến Thành (Yên Thành) gần 40 năm nay, nhưng để trở thành loại cây trồng thực sự giá trị, hàng hoá, thì chỉ từ khi được người dân đưa ra đồng, trồng trên đất lúa. Đặc biệt, từ mấy năm nay, khi được địa phương xác định là loại cây trồng chủ lực, đưa vào nghị quyết để phát triển cây hàng hóa.

Chuyển từ 3 sào đất lúa của gia đình trong vụ hè thu vốn năng suất chỉ đạt khoảng 2 tạ/sào, chị Hồ Thị Liễu, xóm 6A, xã Tiến Thành còn được xã cho thuê thêm đất để sản xuất nhân trần. “Trồng lúa sau khi trừ hết chi phí còn lãi may lắm được 50 kg/sào”, chị chia sẻ. Còn nhân trần, giữa tháng 6 gieo cấy, đến đầu tháng 9 thu hoạch, trong thời gian 3 tháng, người dân thu về từ 2- 2,5 tạ/sào. Không tốn chi phí phun thuốc cỏ, thuốc sâu, phân hoá học, với giá bán dao động từ 40- 50 nghìn đồng/kg, những thời điểm “giáp hạt”, 1 kg có giá lên tới 60- 65 nghìn đồng, tính bình quân, hơn 1 ha cây nhân trần của gia đình chị cho hiệu quả cao gấp 4- 5 lần trồng lúa.

Xã Tiến Thành được xem là
Xã Tiến Thành được xem là "thủ phủ" của cây nhân trần trên địa bàn huyện lúa Yên Thành. Theo người dân ở đây cho biết, cây nhân trần dễ trồng, cho thu nhập cao, thị trường ưa chuộng, dễ tiêu thụ, nên bà con trồng ngày càng nhiều. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hà Danh Tuệ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, nhân trần chủ yếu được trồng ở các vùng cao, vùng vàn chuyên màu, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Từ 15 năm lại nay, cây nhân trần trên đồng đất lúa cho năng suất, giá trị rất cao nhờ được chủ động nước tưới. “Mục đích đầu tiên khi đưa cây nhân trần ra đồng lúa, là nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng chống hạn, thay thế cho cây lúa kém hiệu quả, do nhân trần là loại cây không đòi hỏi nhiều nước. Đem lại giá trị cao, đây còn là “cứu cánh” giúp chấm dứt tình trạng lãng phí đất đai khi những năm gần đây, người dân bỏ hoang không sản xuất vụ hè thu ngày càng nhiều”, ông Hà Danh Tuệ cho hay. Xã Tiến Thành có 260 ha đất 2 lúa, vụ hè thu thường xuyên hạn hán, năng suất cao nhất đạt 2,5 tạ/sào. Nhờ chuyển đổi, đến nay, diện tích trồng lúa hè thu chỉ khoảng 200 ha, diện tích cây nhân trần trên 40 ha, với tổng sản lượng 60- 80 tấn/năm, cây nhân trần ở Tiến Thành đã được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình trồng bí cho thu nhập cao chuyển đổi từ đất trồng lúa ở xã Thanh Khai (Thanh Chương).
Mô hình trồng bí cho thu nhập cao chuyển đổi từ đất trồng lúa ở xã Thanh Khai (Thanh Chương).

Để giúp cây nhân trần trở thành loại cây trồng hàng hoá, năm 2020, tổ hợp tác sản xuất nhân trần ra đời với gần 40 thành viên, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện để các hộ khó khăn được vay vốn sản xuất. Đặc biệt, từ năm 2022, khi cơ sở chế biến Hải Lam được thành lập đã bao tiêu sản phẩm cho người dân, giá cả cũng ổn định, không bị tư thương ép. Anh Nguyễn Sỹ Hải, chủ cơ sở cho biết: Với số vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng, cơ sở chủ yếu sản xuất trà túi lọc, sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Trong tương lai, với những dự định đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của cơ sở, vấn đề tiêu thụ sản phẩm của người dân sẽ càng khởi sắc.

Những ngày giữa tháng 6/2023, khi vụ lúa mùa đang được khởi động xuống giống khắp các huyện miền Tây Nghệ An, bà con xã biên giới Tam Quang, huyện Tương Dương cũng bắt đầu gieo mạ. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài ngay từ đầu năm, diện tích lúa vụ mùa ở Tam Quang đang được đưa vào kế hoạch giảm gần 1/3 để chuyển đổi sang trồng cây khác. Tại đây không có nguồn nước tự chảy, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào đập Nậm Khủn, thế nhưng đập nước này hiện đang cạn dần và thường bị rò rỉ nên nước tưới cho vùng đồng Bãi Sở rất khó khăn, bà con đang tận dụng nguồn nước ít ỏi để xuống giống gieo mạ. Toàn xã có 100,67ha lúa, theo Chủ tịch UBND xã Kha Thị Hiền, thì do nắng hạn, sản xuất hè thu phải bỏ vì không còn kịp thời vụ. Tam Quang dự kiến sẽ khép kín toàn bộ diện tích vụ mùa, song nếu vẫn không có mưa thì may lắm chỉ gieo cấy được khoảng 75ha. Những diện tích lúa kém hiệu quả bởi ảnh hưởng của hạn hán, những năm qua, người dân đã bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây hoa màu, cây ăn quả khác như ngô, lạc, dưa…

Mô hình trồng dưa hấu trên đất hạn hán ở xã Tam Quang (Tương Dương) cho thu nhập cao của anh Trần Văn Đô.
Mô hình trồng dưa hấu trên đất hạn hán ở xã Tam Quang (Tương Dương) cho thu nhập cao của anh Trần Văn Đô.

Trên vùng đồng vốn đã bỏ hoang nhiều năm do khô hạn, gia đình anh Trần Văn Đô (thôn Bãi Sở) đang thu hoạch ngô trái vụ. Những bông ngô vàng ruộm, chắc hạt, cho năng suất cao nhờ chủ động được nguồn nước tưới. Trước đây, trên vùng đất này, ngay cả cây ngô chính vụ cũng bị chết nhiều, mất mùa vì không có nước. Năm nay, anh Đô đầu tư hệ thống đường ống dẫn nước từ khe suối gần đập Nậm Khủn để trồng gần nửa ha ngô trái vụ, ngoài ra trồng dưa hấu. “Vùng đồng bãi này vốn bỏ hoang, cây bụi mọc um tùm. Gia đình đã đầu tư gần chục triệu đồng thuê máy phát dọn, cày đất, kéo đường điện và mua ống dẫn nước để trồng dưa hấu. Mùa dưa năm 2022 cho thu nhập trên 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 10 triệu đồng, hiệu quả hơn trồng lúa” – anh Trần Văn Đô cho biết.

Anh Trần Văn Đô, thôn Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) thu hoạch ngô trái vụ.
Anh Trần Văn Đô, thôn Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) thu hoạch ngô trái vụ.

Thấy được hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng khô cằn của thôn Bãi Sở, năm 2023 đã có nhiều hộ khai hoang vùng đất bãi này. Đến tháng 6/2023, đã có gần một nửa vùng đất hoang được phủ xanh bởi cây dưa, cây sắn cao sản. Người dân còn dựng lán, kéo đường điện, biến vùng bãi hoang thành nơi nhộn nhịp mỗi khi mùa vụ.

Nông dân xã Tam Quang (Tương Dương) chuyển đổi cây trồng trên vùng đất bãi Nậm Khủn.
Nông dân xã Tam Quang (Tương Dương) chuyển đổi cây trồng trên vùng đất bãi Nậm Khủn.

Trên địa bàn huyện Tương Dương, theo ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, ngoài Tam Quang còn có nhiều xã “rơi” vào vùng nắng nóng, thường xuyên khô hạn khiến cây lúa kém phát triển. “Những năm qua, huyện tập trung định hướng người dân chuyển đổi sang trồng cây hoa màu, cây dược liệu đem lại thu nhập cao hơn; nhiều diện tích lúa, ngô được chuyển sang trồng cây ăn quả ngắn ngày, các loại cây chịu hạn tốt như sắn, các loại dưa, đậu và cây dược liệu như khôi tía. Riêng năm nay, Tương Dương đăng ký chuyển đổi 250ha lúa sang cây trồng khác” – ông Lô Khăm Kha cho biết.

Chủ tịch UBND xã Tam Quang (Tương Dương) Kha Thị Hiền (áo đen) định hướng nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn hiệu quả.

Giữa trưa nắng những ngày cuối tháng 5, khi hầu hết những thửa ruộng ở xóm Thắng Lợi, xã Thanh Khai, Thanh Chương đã trơ gốc rạ, thì tại vùng đồng 5ha trồng bí vẫn xanh mơn mởn, những cây bí đang thì ra quả. Vừa miệt mài tỉa lá, ngọn, chị Nguyễn Thị Mai cho hay, chị được chủ ruộng thuê chăm sóc bí với tiền công 200 ngàn đồng/ngày. “Trước đây vùng đất này bị khô hạn do thiếu nước, trồng lúa không đem lại hiệu quả nên người dân không mặn mà với cây lúa. Trồng lúa kém năng suất, song chuyển sang trồng bí thì lại cho thu nhập tiền tỷ” – ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch Chi Hội Nông dân xã Thanh Khai cho biết. Cụ thể, theo chủ vườn Lê Thị Thuỷ, mỗi ha bí cho thu nhập trung bình 300 triệu đồng/năm. Với 5ha, mỗi năm 2 vụ trồng bí cũng cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Trừ chi phí đầu tư, thuê nhân công chăm bón và thu hoạch, chị thu về hơn 1 tỷ đồng/năm, cao gấp nhiều lần trồng lúa.

Người dân bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) đầu tư đường ống nước chống hạn cho cây trồng.
Người dân bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) đầu tư đường ống nước chống hạn cho cây trồng.

Ngoài chuyển đổi từ trồng lúa, sắn sang trồng bí, một số địa phương khác ở Thanh Chương còn đa dạng cách chuyển đổi để phù hợp với thực tế. Ông Nguyễn Xuân Ánh – phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương cho biết, nhờ thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đã nâng cao được giá trị sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Như chuyển từ đất màu trồng ngô sang trồng bí xanh, trồng tỏi cho giá trị cao hơn từ 52- 72 triệu đồng/ha/vụ, hay từ đất trồng lúa sang trồng sen cho lãi ròng 34,7 triệu/ha, cao hơn trồng lúa 16,3 triệu đồng/ha…

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ là nội dung đã được nhà nước quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, đem lại hiệu quả rõ nét trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt những năm qua. Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Đây là cơ sở quan trọng để ngành Nông nghiệp định hướng, chỉ đạo chuyển đổi đất lúa. “Các tiến bộ kỹ thuật, KHCN ngày càng phát triển và được ứng dụng vào sản xuất đã tạo điều kiện cho nông dân trong quá trình sản xuất, canh tác. Nhờ đó, trong điều kiện khó khăn về đất đai, nguồn nước, các mô hình chuyển đổi vẫn đạt được những kết quả đáng kể, đem lại giá trị, thu nhập và giá trị sản xuất cao”, ông Phùng Thành Vinh khẳng định.

Trồng sắn chịu hạn trên vùng đât hoang hóa ở bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương).
Trồng sắn chịu hạn trên vùng đât hoang hóa ở bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương).

Riêng trong năm 2022, tổng diện tích chuyển đổi trên địa bàn toàn tỉnh là gần 760 ha, trong đó chuyển đổi trên đất 2 lúa là 588 ha, trên đất 1 lúa là trên 169 ha. Nhiều loại cây trồng vừa có tác dụng chuyển đổi chống hạn ở những diện tích không chủ động nước tưới, vừa cho giá trị kinh tế cao như bí xanh cho thu nhập 200 triệu/ha (lãi ròng 96 triệu đồng); rau các loại thu nhập 60 triệu đồng/ha/vụ (lãi ròng 30 triệu đồng); trồng sen cho thu nhập trên diện tích chuyển đổi gần 110 triệu đồng/ha/năm (lãi ròng 30-35 triệu đồng)…

Trong kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và PTNT giao, năm 2023, Nghệ An sẽ chuyển đổi 717 ha, trong đó 497 ha chuyển trồng cây hàng năm, 29 ha trồng cây lâu năm và khoảng 160 ha trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản.