Nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như thế nào?

Hỏi: Những phiếu bầu cử nào là phiếu bầu cử hợp lệ?

Trả lời: Về nguyên tắc, phiếu bầu cử hợp lệ là phiếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

– Phiếu theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

– Phiếu có đóng dấu của Tổ bầu cử.

– Phiếu bầu đủ hoặc ít hơn số lượng đại biểu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

– Phiếu không ghi thêm tên người khác ngoài danh sách những người ứng cử hoặc ghi thêm nội dung khác.

Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thức bỏ phiếu để bảo đảm phiếu bầu cử hợp lệ. Theo các hướng dẫn tại Thông tư số 01/2021/TT-BNV của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang giữa cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không được để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Tuy nhiên, trường hợp trên phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.

Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Tương tự như vậy, trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn () do những người ứng cử trong danh sách ghi trên phiếu có cả họ, tên và tên đệm giống nhau, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Hỏi: Những phiếu bầu cử nào là phiếu không hợp lệ?

Trả lời: Những phiếu bầu cử không hợp lệ là:

– Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.

– Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.

– Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.

– Phiếu gạch xóa họ, tên của tất cả những người ứng cử; phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.

Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiệu có phiếu bầu cử được cho là không hợp lệ thì Tổ trưởng Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên, nội dung ghi trên phiếu bầu.

Cử tri xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Cử tri xã Nghi Thiết (Nghi Lộc) bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hỏi: Việc kiểm đếm số phiếu bầu cho từng người ứng cử được Tổ bầu cử thực hiện như thế nào?

Trả lời: Việc kiểm phiếu bầu cho từng người ứng cử chỉ thực hiện đối với những phiếu hợp lệ. Các phiếu bầu hợp lệ được xếp thành các loại, gồm: Loại phiếu bầu 01 đại biểu; loại phiếu bầu 02 đại biểu; loại phiếu bầu 03 đại biểu,…

Tổ bầu cử kiểm phiếu theo từng loại phiếu bầu để làm căn cứ xác định số phiếu bầu cho từng người ứng cử.

Để việc kiểm phiếu được chính xác, Tổ bầu cử phân công ít nhất 03 người kiểm phiếu, gồm: 01 người đọc, 01 người ghi, 01 người kiểm tra việc đọc và ghi. Cách ghi số phiếu cho từng người ứng cử tham khảo theo cách vẽ lần lượt các hình vuông và 01 đường chéo, cứ 05 phiếu tạo thành một hình vuông có 01 đường chéo.

Hỏi: Việc tính và ghi tỷ lệ phần trăm (%) trong các biên bản kết quả bầu cử được thể hiện như thế nào?

Trả lời: Tỷ lệ phần trăm (%) trong các biên bản kết quả bầu cử được xác định đến số ở hàng thập phân thứ hai (chữ số thứ hai sau dấu thập phân) và được làm tròn số để bảo đảm tổng tỷ lệ phần trăm của các tiêu chí, thành phần là 100%. Nếu chữ số thứ ba sau dấu thập phân là từ 5 trở lên thì được làm tròn lên thêm 01 đơn vị vào chữ số ở hàng thập phân thứ hai. Ví dụ: 22,566% thì được làm tròn thành 22,57%.

Hỏi: Nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như thế nào?

Trả lời: Nguyên tắc xác định người trúng cử được thực hiện như sau:

– Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp bầu cử lại mà số cử tri đi bầu cử vẫn chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri thì kết quả bầu cử lại được công nhận mà không tổ chức bầu cử lại lần thứ hai.

– Người trúng cử phải là người ứng cử có số phiếu bầu đạt quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.

– Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.

– Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Hỏi: Các khiếu nại, tố cáo tại chỗ về việc kiểm phiếu được giải quyết như thế nào?

Trả lời: Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.

Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng.

| Tác giả: Nhóm phóng viên
| Nguồn: Hội đồng bầu cử quốc gia
| Ảnh: Tư liệu