Chuyện kể rằng: Một ngày đẹp trời, chim hót véo von, hoa nở tím đường, cá bảy màu tung tăng dưới suối, có vị tiến sĩ nọ lên thuyền dạo mát làm thơ và ngắm cảnh. Đang thả hồn cùng sông nước bất ngờ vị tiến sĩ hỏi bác ngư dân chèo thuyền rằng: “Anh biết gì về triết học không?”, bác ngư dân trả lời “Không biết”. Vị tiến sĩ liền nói: “Như vậy anh đã mất đi một phần tư cuộc đời rồi”. Được một lúc, vị tiến sĩ lại hỏi: “Anh biết gì về di truyền học không?”, bác ngư dân lại trả lời “Không biết”. Tiến sĩ lại nói: “Vậy anh lại mất đi thêm một phần tư cuộc đời nữa rồi”. Thuyền tiếp tục chạy, vị tiến sĩ lại hỏi: “Anh biết gì về vũ trụ học không?”, bác ngư dân vẫn trả lời “Không biết”. Vị tiến sĩ đăm chiêu, lặng im, ông tỏ ra thất vọng vô cùng. Đúng lúc ấy trời bỗng nổi cơn gió lớn, làm cuộn lên những con sóng khổng lồ, bác ngư dân vội hỏi vị tiến sĩ: “Ngài biết bơi không?”, vị tiến sĩ trả lời “Không biết”, bác ngư dân nghe vậy liền nói: “Vậy thì ngài mất đứt cả cuộc đời rồi”.
Thế đấy, cuộc sống có “lý lẽ” riêng để giải quyết cấc vấn đề do nó tạo ra. Thay vì sự hàn lâm thì nhiều khi cuộc sống lại chọn kỹ năng để thử thách con người. Thú thực tôi không biết mình đã xem đi xem lại bao nhiêu lần những video cứu người đuối nước vừa diễn ra trong tuần này. Một mình anh Thái Ngô Hiếu vật lộn với sóng biển cứu bốn mạng người. Thanh niên “mậm” Nguyễn Văn Chính nhảy từ độ cao 30 mét xuống sông để cứu một nữ sinh.
Như chúng ta đã biết, tối 9/4, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video và những hình ảnh về một người hùng nhảy từ trên cầu (khoảng cách gần 30 m) cứu một bé gái đang chới với dưới dòng nước. Anh là Nguyễn Văn Chính (SN 1994), trú tại khu 8, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sau sự việc, anh Chính nói: “Tôi nghĩ nếu ai có kỹ năng bơi lội, gặp phải hoàn cảnh như vậy cũng sẽ làm như tôi”. Chỉ một ngày sau, Trung úy Thái Ngô Hiếu, sinh năm 1989, cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom, đang đi nghỉ mát cùng gia đình thì phát hiện nhóm thanh niên đuối nước tập thể tại khu vực nước rất sâu, chảy xiết và sóng biển lớn. Anh Hiếu đã bơi ra chiến đấu sóng lớn đưa được 4 người vào bờ. Anh còn thực hiện sơ cứu tại chỗ, hồi sinh 4 nạn nhân. Được biết trong quá trình công tác, anh Hiếu đã cứu sống được 11 người, tìm kiếm được 37 thi thể nạn nhân, tham gia di chuyển hơn 50 hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn…
Quá xuất sắc, quá xúc động và quá là anh hùng, nói như ngôn ngữ giới trẻ là quá đỉnh. Dù có thể xấu hổ thì tôi cũng cứ phải thú thực rằng, tôi có đủ lương tâm và cả sự dũng cảm để làm như Hiếu và Chính, nhưng rất tiếc trước tình huống này thì tôi hoàn toàn bó tay bởi không có đủ kỹ năng. Tôi không thể bơi ngược cơn sóng biển, tôi cũng không thể chịu được áp lực nước khi nhảy từ độ cao 30 mét. Cảm ơn thượng đế đã chọn anh Hiếu và anh Chính để có mặt trong tình huống ấy. Còn nhớ cách đây gần 10 năm, trong cơn lũ lụt một chiếc xe khách đã trôi xuống dòng sông Lam. Câu chuyện đau lòng được kể lúc ấy là có người bố kịp nhảy xuống đường nhưng chỉ có thể nhìn theo đứa con ngồi trên nóc xe chìm dần vì cả hai đều không biết bơi. Đã có rất nhiều người bỏ mạng vì cứu người khác. Họ không hèn, họ rất trong sáng và cao thượng, họ đáng để chúng ta ngưỡng mộ và tôn kính, nhưng họ cũng quá thiệt thòi, cái giá phải trả cho sự khuyết thiếu kỹ năng là quá hà khắc và xót xa. Lòng tốt là thứ vô cùng quý giá nhưng nếu chỉ có lòng tốt thôi thì lại chưa đủ. Nhìn kỹ năng anh Hiếu thành thục trong việc cấp cứu người bị nạn hay “cú nhảy thần thánh” của anh chính ở độ cao 30 mét xuống dòng sông mới hiểu hai chữ kỹ năng nó giá trị đến mức nào.
Sự sống là món quà vô giá của tạo hóa. Việc chúng ta có mặt trong vũ trụ này, được hít thở, được ăn uống, được nhìn thấy ánh mặt trời thức gọi bình minh mỗi ngày đã là một diệu kỳ. Thượng đế cho chúng ta mạng sống cũng là giao cho chúng ta trọng trách. Chúng ta có bổn phận dành từng tích tắc của cuộc sống để phụng sự cho trọng trách ấy. Với những người tốt thì sống không phải là quá trình hưởng thụ mà là để dâng hiến, là để làm việc nhưng là làm việc tốt, việc thiện, việc có ích. Đành rằng bên cạnh những con người như Nguyễn Văn Chính hay Thái Ngô Hiếu, bên cạnh hàng triệu trái tim dũng cảm và nhân hậu thì trên thế gian này vẫn có những kẻ coi cuộc sống như một lần dạo chơi, khi cuộc sống kết thúc mới tá hỏa nhận ra lỗi lầm. Hầu hết lời trăng trối của các tử tù đều toát lên sự ân hận. Họ nhận ra những giá trị lương thiện quá muộn mằn, họ không có cơ hội làm lại cho dù những giọt nước mắt rơi ở trường bắn cũng có vị mặn như hàng tỷ giọt nước mắt khác từng rơi trên hành tinh này. Họ đi rồi, nhưng cái cách họ về với đất thật đáng buồn và đáng giận. Trước cái chết của họ là những sai lầm, sau cái chết của họ là những nỗi đau. Họ đã sống như thế đấy, bất nhẫn với tạo hóa và bất nhẫn với xung quanh. Tại sao cũng là con người, cùng hít thở chung một bầu không khí mà có người nên anh hùng lại có kẻ trở thành tội phạm? Đừng nói họ không phân biệt được tốt xấu đúng sai mà rất có thể họ không đủ kỹ năng vượt qua cám dỗ để đến với lương thiện.
Nhà triết học Gớt từng nói: “Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Lý thuyết quan trọng lắm, nhưng trong những tình huống cụ thể thì có khi kỹ năng mới là yếu tố quyết định. Trên mạng xã hội, một Facebooker viết: “Trong hàng nghìn người có mặt tại bãi tắm hôm đó, chắc chắn có nhiều người đã được huấn luyện về các kỹ năng sơ cấp cứu người gặp tai nạn đuối nước, nhưng do không nắm chắc, không thành thục về kỹ năng nên họ không dám thực hành sơ cứu, bởi vì nếu có sai sót sẽ không thể khắc phục… Trong thực tế, rất nhiều trường hợp tai nạn, đuối nước thương tâm do các nạn nhân trẻ tuổi chưa nắm vững các kỹ năng sống cơ bản, không tuân thủ các khuyến cáo về bảo đảm an toàn khi tham gia các hoạt động có yếu tố nguy hiểm. Hành động của anh Thái Ngô Hiếu khẳng định yếu tố kỹ năng có vai trò quyết định trong xã hội hiện đại. Từ thực tế nói trên, càng đặt ra yêu cầu cấp thiết về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và cho giới trẻ nói chung”.
Câu chuyện của anh Hiếu và anh Chính là những ví dụ điển hình về giá trị của kỹ năng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng đối diện với tình huống đuối nước hay nhảy cầu. Cuộc sống thiên hình vạn trạng bởi thế đòi hỏi chúng ta cũng phải rèn luyện vô số kỹ năng. Hành trang vào đời ngày nay không chỉ là lòng tốt và sự uyên bác mà đính kèm với đó phải là các kỹ năng. Kỹ năng chính là một trong những chiếc chìa khóa để mở ra từng cánh cửa của cuộc sống. Trở lại với câu chuyện vị tiến sĩ và bác ngư dân ở đầu bài viết. Đành rằng đó là một tác phẩm hư cấu, nhưng mỗi lần đọc nó chúng ta lại cứ day dứt: Chỉ vì thiếu kỹ năng mà vị tiến sĩ uyên bác nọ đã mang cả một lượng kiến thức đồ sộ đến với… đáy hồ!