Trường Sa – Kiên cường nơi đầu sóng – Bài 2: Sức sống mãnh liệt

Với quân và dân trên quần đảo Trường Sa, giông gió, bão táp cùng cái nắng cháy da giữa biển khơi không làm phai nhạt ý chí kiên cường nơi họ. Dưới những tán bàng vuông, cây phong ba, hàng mù u cổ thụ, họ vẫn hiên ngang canh giữ đất trời, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khác biệt rất nhiều so với việc đặt chân lên đảo Đá Nam, một hòn đảo chìm chỉ cao 0,3m so với mặt nước biển. Khi lên được Song Tử Tây sau gần 10 ngày hành trình, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi chính là hòn đảo thanh bình đến kỳ lạ với một màu xanh ngát của bàng vuông, phong ba, cây dừa, cây tra… Từ một đảo bị tàn phá tan hoang bởi cơn bão số 9 vào ngày 18/12/2021 đến nay cây xanh lại phủ kín quanh đảo. Thế mới biết, dưới bàn tay nâng niu, chăm sóc của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, cây cối lại vươn lên xanh tốt, những mầm xanh lại đâm chồi đầy khát khao. Là hiện thân cho sức sống mãnh liệt của chính quân, dân trên hòn đảo này.

Sau khi đặt chân lên Song Tử Tây, Thượng tá Trần Văn Hùng – Chính trị viên của đảo là người đón đoàn từ cầu cảng và dẫn chúng tôi vào trung tâm của xã đảo. Chúng tôi đi giữa những lối nhỏ bằng bê tông xuyên dưới tán cây xanh mát mà có cảm giác như đang đi trên một làng quê ở đất liền. Thượng tá Hùng cho biết: Để xây dựng được hòn đảo xanh, đẹp, Ban chỉ huy đảo thường xuyên đề cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong việc trồng và chăm sóc cây xanh. Hàng năm, đều tổ chức trồng mới, nhân giống các loại bàng vuông, cây tra, phong ba bằng hạt hoặc chiết cành để trồng mới, phủ xanh đảo. Đảo còn giao trách nhiệm cho từng cụm trong việc duy trì, phát triển cây xanh, coi đây là một tiêu chí thi đua.

Dù mới bị cơn bão số 9 tàn phá vào dịp cuối năm 2021 nhưng đến nay màu xanh đã trở lại với Song Tử Tây; Ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây; Các chiến sĩ trẻ nghỉ giải lao dưới tán cây xanh sau giờ huấn luyện căng thẳng.
Dù mới bị cơn bão số 9 tàn phá vào dịp cuối năm 2021 nhưng đến nay màu xanh đã trở lại với Song Tử Tây; Ngọn hải đăng trên đảo Song Tử Tây; Các chiến sĩ trẻ nghỉ giải lao dưới tán cây xanh sau giờ huấn luyện căng thẳng.

Hiện tại Song Tử Tây đã trở thành một đơn vị hành chính và là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà với một bộ máy hành chính hoàn chỉnh. Bên cạnh các đơn vị quân đội đang ngày đêm canh giữ đảo, nơi đây còn có các hộ dân sinh sống, các công trình dân sự như UBND xã, trường học, trạm y tế, trạm khí tượng thuỷ văn. Hệ thống năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời cũng đã cung cấp đủ điện cho toàn đảo. Việc tăng gia sản xuất ngày càng hiệu quả với mô hình trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tại đây còn có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn, dịch vụ hậu cần nghề cá cung cấp nước ngọt miễn phí và dầu cho ngư dân bằng giá với đất liền. Đảo còn có Tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây nằm sát biển có tam quan quay về phía Thủ đô Hà Nội, tạo nên một khung cảnh thanh bình giữa biển khơi.

Giữa muôn trùng sóng gió, không khí Xuân cũng đã ngập tràn trên xã đảo. Trước khi đoàn công tác có mặt tại đảo, quân và dân trên đảo đã tập trung trang hoàng lại các con đường, quét vôi, ve lại nhà cửa. Những cành bàng vuông, những cây phong ba  đều được quấn thêm bóng nháy để cảnh sắc Xuân thêm vui tươi. Biết tin có đoàn công tác đến thăm, người dân trên đảo cũng phấn khởi hơn, nhất là các em nhỏ. Sống xa đất liền, các em luôn hào hứng muốn được chúng tôi kể nhiều chuyện hơn về đất liền, những trò chơi, câu chuyện về các bạn cùng trang lứa. Với các em, mỗi câu chuyện là một điều mới mẻ mà rất khó có dịp được trải nghiệm.

Mang không khí Xuân lên đảo.
Mang không khí Xuân lên đảo.

Trong đêm vui Xuân, các cán bộ, chiến sĩ và người dân đều tập trung về hội trường để giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ. Những cây quất, cây mai đã được trang trí những dây đèn nháy, bao lì xì lung linh, tạo nên không khí Tết tươi vui, gần gũi. Những tiết mục văn nghệ, bài hát về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc được các cán bộ, chiến sĩ lần lượt trình diễn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, xen vào đó là những vần thơ viết về những người lính ngoài đảo xa do các em nhỏ sinh sống trên đảo thể hiện khiến ai cũng rưng rưng xúc động.

Gây ấn tượng với chúng tôi là tiết mục trình diễn võ thuật hơn 5 phút của Trung sĩ Đinh Tiên Hoàng, với thân hình rắn rỏi được rèn dũa bởi sóng gió Trường Sa, tiết mục của Hoàng vừa dũng mãnh, vừa thể hiện được tinh thần kiên trung, bất khuất, sẵn sàng chiến đấu của những người lính đảo trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Một trong những tiết mục thú vị không kém trong đêm Xuân sớm tại Song Tử Tây là chương trình hái hoa dân chủ. Cây hoa dân chủ được trang trí bằng những nụ mai vàng, câu đối đỏ. Lần lượt từng chiến sĩ, hộ dân, của các đội chơi được mời lên để bốc thăm các câu hỏi thú vị về kiến thức lịch sử, những câu đố vui, tiếng nói cười, cổ vũ râm ran khiến không khí càng thêm sôi động.

Binh nhất Nguyễn Xuân Hải, quê quán tại Diễn Châu, Nghệ An chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được đón Tết trên đảo, tình cảm của các cán bộ, anh em chiến sĩ và người dân nơi đây đã giúp tôi vơi đi nỗi nhớ quê nhà, cho tôi cảm giác như đang ở bên gia đình những ngày đầu năm mới. Những người lính chúng tôi xem những tình cảm này là nguồn động viên rất lớn để quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Các chiến sỹ sắm sửa bàn thờ Tổ quốc để đón chào năm mới tại đảo Song Tử Tây; Đoàn công tác tặng quà tết cho các hộ dân trên đảo Song Tử Tây; Các  tiết mục văn nghệ đặc sắc  và chương trình hái hoa dân chủ.
Các chiến sỹ sắm sửa bàn thờ Tổ quốc để đón chào năm mới tại đảo Song Tử Tây; Đoàn công tác tặng quà tết cho các hộ dân trên đảo Song Tử Tây; Các tiết mục văn nghệ đặc sắc và chương trình hái hoa dân chủ.

Rời Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục di chuyển về phía Nam để đến với các đảo Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Len Đao và Sinh Tồn. Nơi nào chúng tôi đến đều cảm nhận được sức sống mãnh liệt giữa muôn trùng giông gió. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên việc đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông và Cô Lin, Len Đao rất khó khăn. Chúng tôi chỉ có hơn 1 giờ đồng hồ để gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, chiến sĩ. Dẫu ngắn ngủi nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm, là những phút giây quý giá để chia sẻ những câu chuyện vui, buồn từ đất liền.

Các chiến sĩ  trang trí mai vàng đón Tết; Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông nhận hoa lan do Hiệp hội hoa lan Đà Lạt trao tặng.
Các chiến sĩ trang trí mai vàng đón Tết; Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông nhận hoa lan do Hiệp hội hoa lan Đà Lạt trao tặng.

Do đất trên đảo Sinh Tồn Đông chủ yếu là cát san hô nên chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, bàng vuông. Cũng giống như tên gọi của đảo – Sinh Tồn Đông, địa chất nghèo nàn khiến cây cối ở đây luôn có sức sống mãnh liệt. Từ cầu tàu, con đường bê tông dẫn về nhà trung tâm đảo rợp bóng của những hàng phi lao xanh tốt, những tán bàng vuông, phong ba. Tất cả đều được vun trồng bằng công sức, mồ hôi của những người lính đảo. Đảo Sinh Tồn Đông cũng là 1 trong số 3 đảo nổi đoàn chúng tôi ghé thăm trong hành trình Trường Sa lần này (Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn).

Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp – Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: Khắc phục điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt trên đảo, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn tập trung tăng cường trồng cây xanh, tạo bóng mát, xây dựng cảnh quan trên đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp. Để chủ động được nguồn thực phẩm, nhất là rau xanh, cán bộ, chiến sĩ còn tăng cường tăng gia sản xuất, tổ chức trồng được 3 vườn rau các loại, nuôi thêm nhiều lợn, gà để đảm bảo có thêm thức ăn tươi đưa vào bữa ăn hàng ngày.

Các chiến sỹ và người dân cùng gói, nấu bánh chưng trên đảo Sinh Tồn.
Các chiến sỹ và người dân cùng gói, nấu bánh chưng trên đảo Sinh Tồn.

Dù tại Sinh Tồn Đông không có giếng nước ngọt, nhưng tận dụng nguồn nước mưa, trên các mái nhà tại đảo luôn có đường ống dẫn xuống bể chứa để dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Nước ngọt luôn được các cán bộ, chiến sĩ quán triệt sử dụng tiết kiệm. Nước ngọt sau khi dùng rửa rau thì được sử dụng để tưới cây, nước tắm giặt thì dùng để dọn dẹp chuồng trại chăn nuôi. Nhờ sự tiết kiệm nước mà cán bộ, chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn Đông có thể chống chịu được những ngày nắng nóng kéo dài hàng tháng trời, ngay cả những luống rau, giàn bầu, giàn mướp vẫn đầy sức sống, phát triển xanh tốt. Nhờ vậy mà những năm vừa qua, Sinh Tồn Đông đã tăng gia được hàng tấn rau xanh, hàng trăm con lợn, hàng nghìn con gà, vịt mỗi năm.

Minh chứng rõ nét nhất cho sức sống mãnh liệt trên đảo Sinh Tồn Đông chính là sức mạnh tinh thần của những người lính đảo. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thử thách nào, những người lính làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn Đông vẫn vững vàng tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để đảo Sinh Tồn Đông mãi là lá chắn thép giữa trùng khơi. Thiếu tá Trần Vĩnh Đông – công tác tại Vùng 3 Hải quân, được điều động ra đảo Sinh Tồn Đông cách đây 1 năm chia sẻ: Điều đặc biệt đối với người lính đảo chính là sự đoàn kết, đồng lòng. Dù mỗi người một quê, sống xa gia đình, vợ con, vào những ngày lễ, Tết dù không được quây quần bên mâm cơm gia đình nhưng đã có tình đồng chí, đồng đội, khiến cho nỗi nhớ đất liền được vơi đi.

PV Báo Nghệ An trao đổi với Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông.
PV Báo Nghệ An trao đổi với Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông.

“Dù xa đất liền nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân cả nước nên đời sống vật chất tinh thần mọi mặt được nâng lên. Đó là nguồn động viên rất lớn lao giúp cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vững chắc tay súng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” – Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp – Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ thêm.

Dù lưu lại Sinh Tồn Đông không lâu, nhưng cũng đủ giúp chúng tôi cảm nhận được tinh thần, ý chí kiên cường của người lính đảo. Họ luôn lạc quan, yêu đời, vững vàng tay súng nơi đầu sóng ngọn gió hệt như những cây phong ba vươn tấm thân xù xì ra trước biển mà vút lên đầy kiêu hãnh. Dưới bóng mát của nhiều loại cây xanh mát, chợt nhớ bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa, viết cách nay đã tròn 42 năm “…Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão/Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, trong nhịp đập tim người/Như đá vững bền, như đá tốt tươi…”.

Đảo Sinh Tồn.
Đảo Sinh Tồn.