Bức tường xanh nơi chân sóng: Kỳ 2: Tiền đề phát triển nuôi trồng thủy sản

Nghệ An có bờ biển trải dài 82 km, kinh tế biển là một trong những mũi nhọn của tỉnh ở cả 3 lĩnh vực: Khai thác, nuôi trồng và chế biến. Trong đó, nuôi trồng thủy, hải sản mặn lợ của Nghệ An đã vận dụng khá hiệu quả vai trò của rừng ngập mặn.

Các xã Diễn Bích, Diễn Vạn nổi tiếng với mô hình nuôi cua biển nhờ tiềm năng rừng ngập mặn ở đây. Từ tháng 10 hàng năm đến các tháng 1, 2 năm sau, cua biển thường vào rừng ngập mặn để sinh sản và tháng 3 là thời gian cua con trưởng thành. Vào những năm đầu khi rừng ngập mặn hình thành, cua biển rất nhiều, người dân Diễn Châu luôn có loại đặc sản này để bán ở chợ.

Tuy nhiên, nguồn lợi tự nhiên này dần khan hiếm, bà con bắt đầu đi bắt những con cua nhỡ trong rừng ngập mặn về và thả nuôi xen với cá vược, nuôi xen tôm sau vụ tôm chính, nuôi cua ruộng lúa trên địa bàn, từ đó góp phần hình thành nên nghề nuôi cua cho đến nay.

Ông Phan Văn Trung là người nuôi cua biển sớm nhất ở xã Diễn Bích cho hay, gia đình ông nuôi cua quảng canh đã khá lâu, nguồn cua giống được bắt từ rừng ngập mặn và thu mua từ các hộ dân trong vùng.

Trên diện tích 3 ha, gia đình ông thả khoảng 20.000 con, có năm đạt sản lượng đạt gần 1 tấn/ha. Nuôi cua do chưa có nguồn tiêu thụ ổn định nên gia đình không nuôi nhiều, nhưng lại là nguồn thu nhập chính cho gia đình nhiều năm qua.

Anh Trần Minh Tuấn, khuyến nông viên xã Diễn Vạn (Diễn Châu) cho biết: Diễn Vạn là địa phương có nhiều hộ nuôi cua nhất huyện. Nhờ rừng ngập mặn cho nguồn cua giống dồi dào, bà con trên địa bàn đã nuôi cua xen canh sau vụ tôm cho thu nhập cao. Hiện cả xã có hơn 20 hộ nuôi cua với hơn 20 ha. Trong đó có nhiều gia đình nuôi lâu năm với 3.000 – 4.000 m2; mỗi vụ nuôi cua ở một hộ thu hoạch được khoảng 20 triệu đồng.

Là nguồn cung cấp giống cho các hộ nuôi cua, rừng ngập mặn còn tạo việc làm cho một đội ngũ “thứ cấp” – đó là những hộ săn cua giống. Cua giống được người nuôi thu mua với giá 5.000 đồng/con; 1 kg cua giống khoảng 25 con có giá 250.000 đồng. Cua là loài nuôi ít dịch bệnh, và nuôi được 2 vụ trong năm. Cua khi được chăm sóc tốt chỉ sau thời gian 4 tháng có thể thu hoạch được.

Huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai là các địa phương trọng điểm nuôi thuỷ sản của Nghệ An cũng được hưởng lợi từ rừng ngập mặn. Ở huyện Quỳnh Lưu, nghề nuôi ngao thương phẩm phát triển từ năm 2010 và đến nay là một trong những “thủ phủ” chuyên nuôi và xuất khẩu ngao giống đi cả nước.

Nói về nguồn gốc con ngao của Quỳnh Lưu, có thể kể tới vai trò của rừng ngập mặn. Cùng với nguồn thủy sản sinh sôi, phát triển đa dạng như cua, cáy, cá bống, hàu… dưới chân rừng thì việc phát hiện ngao sinh thành từ rừng ngập mặn và đưa con giống về nhân lên nuôi được coi như một thành quả lớn ở đây.

Từ số lượng con giống ít, nuôi manh mún, sau một thời gian, ngao được nhân rộng từ một vài ha và đến nay đã lên 140 ha. Từ nuôi ngao, nhiều hộ nông dân thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/năm. Khi thấy được thế mạnh từ nuôi ngao, bà con trăn trở về chất lượng con giống và muốn tăng năng suất và giá trị. Từ đó, nhiều hộ đã tìm vào các trại nuôi ngao ở tỉnh Bến Tre để lựa chọn con giống tốt mang về nuôi tại địa phương.

Ảnh: Việt Hùng
Ảnh: Việt Hùng

Ông Đồng Như Nguyên ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: “Từ xuất hiện con ngao trong môi trường rừng ngập mặn, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngao và sau đó kết hợp nuôi cùng ngao Bến Tre cho thấy hiệu quả rõ rệt. Bình quân 1 ha ngao cho năng suất 50 tấn, mỗi kg ngao hiện có giá từ 10.000 – 15.000 đồng; mỗi năm gia đình thu về khoảng hơn 250 triệu đồng”…

Và như chúng tôi đã đề cập, nhờ có rừng ngập mặn chở che, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai nói riêng đã phát triển mạnh nghề nuôi tôm, nuôi hàu, nuôi mặn lợ ven biển. Đến nay, Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai có hơn 500 ha tôm, Quỳnh Lưu hơn 500 ha tôm, đáng chú ý bà con đã nuôi theo VietGAP, nuôi theo công nghệ sinh học bảo vệ môi trường ngày một nhiều hơn.

Xác định thế mạnh của kinh tế biển trong phát triển kinh tế, Nghệ An đã quan tâm, chăm lo đầu tư xây dựng nhiều công trình ven biển góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ thành quả kinh tế và bảo vệ rừng ngập mặn. Các công trình đê biển, đường giao thông xuống biển nên việc phát triển kinh tế của người dân làng biển nói riêng và nhân dân huyện Quỳnh Lưu ngày càng thuận lợi.

Theo báo cáo từ UBND huyện Quỳnh Lưu, trong thời gian 5 năm (từ năm 2015 đến 2020) bằng các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, huyện Quỳnh Lưu đã ưu tiên, bố trí nguồn vốn, nhân lực, vật lực triển khai gần 10 công trình liên quan đến kinh tế vùng biển như nạo vét cửa Lạch Quèn, Lạch Thơi, xây dựng kè, trụ bê tông chằng néo tàu thuyền với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng để phục vụ phát triển kinh tế biển cũng như công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt.

Nhiều tuyến đường ven biển đang được Trung ương và Nghệ An đầu tư như đường ven biển Nghi Sơn nối Cửa Lò, đường ven sông Lam, cầu Cửa Hội, đường xuống biển Quỳnh… tất cả đều nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, biển, chống biến đổi khí hậu và góp phần khai thác tiềm năng du lịch ven biển, ven sông từ những khu rừng ngập mặn.