Sức sống mới ở làng Phan

Đón khách bằng sự mộc mạc, hồn hậu của một lão nông chân chất, ông Hồ Văn Thân – Bí thư Chi bộ làng Phan, năm nay 78 tuổi, có thâm niên hàng chục năm đứng đầu thôn, xóm vui vẻ chia sẻ: “Chúng tôi mới nhận tin vui tập thể cán bộ và nhân dân làng Phan được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định tặng Bằng khen trong xây dựng nông thôn mới nâng cao đấy. Trong năm 2022, người dân làng Phan còn được đón Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Tỉnh ủy về thăm, dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, vinh dự lắm!”.

Cụm dân cư làng Phan được sáp nhập từ xóm 8 cũ và xóm 9 cũ nằm ở phía Đông Bắc cuối trung tâm xã, có đường liên hương chạy qua, giao thông thuận lợi. Làng có diện tích tự nhiên 130ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 70 ha, có 258 hộ với 1.098 nhân khẩu.

Người dân làng Phan vinh dự đón Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý về thăm, dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh tư liệu: Thành Duy
Người dân làng Phan vinh dự đón Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý về thăm, dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Là một vùng quê thuần nông, đời sống của bà con nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và kinh doanh nhỏ lẻ. Ấy thế nhưng, làng Phan lại trở thành điển hình trong thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương và là điểm sáng trong đảm bảo an ninh nông thôn. Lý giải điều này, Bí thư Chi bộ Hồ Văn Thân cho biết, chính sự đoàn kết, đồng thuận đã tạo nên sức mạnh. Muốn vậy thì “ lợi ích của người dân phải được đặt lên hàng đầu”, cùng với đó là tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Ví như để xây dựng nông thôn mới nâng cao, năm 2022, bên cạnh tranh thủ ngoại lực, làng Phan đã phát huy nội lực đầu tư xây dựng cụm cờ trị giá 25 triệu đồng; nâng cấp 1,5km đường bê tông với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng, trong đó huy động sức dân 1,2 tỷ đồng với bình quân mỗi hộ đóng góp 10 triệu đồng; có hộ góp tới 30 triệu đồng. Một số hộ đã hiến đất mở đường như gia đình đảng viên Nguyễn Trọng Lựu (90 tuổi), gia đình ông Hồ Văn Vịnh… Công trình nhà văn hóa của làng cũng được đầu tư xây dựng khang trang trị giá 2,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để tạo cảnh quan môi trường làng quê sạch đẹp, các chi hội đoàn thể trong xóm đã gương mẫu thay phiên nhau chăm sóc 500m đường hoa, hàng rào xanh và bồn hoa, cây cảnh trong khuôn viên nhà văn hoá; phát động và tổ chức duy trì Ngày chủ nhật xanh đều đặn.

Nhờ sự đồng lòng, đoàn kết, người dân làng Phan đã tạo được cảnh quan môi trường làng quê khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Gia Huy
Nhờ sự đồng lòng, đoàn kết, người dân làng Phan đã tạo được cảnh quan môi trường làng quê khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Gia Huy

Làng Phan còn tiên phong đi đầu trong chỉnh trang quang cảnh nông thôn, giải tỏa lấn chiếm lòng, lề đường nhằm tạo sự thông thoáng, an toàn. Ông Nguyễn Trọng Đệ – trưởng làng Phan, cho biết: “Trước đây do lịch sử để lại 50% hộ trong làng xây cổng đổ bê tông dốc ra đường. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền người dân đồng thuận để ban quản lý xóm huy động máy móc múc, san bằng, giờ nhà nào cũng xây cổng bằng, đây thật sự là một cuộc cách mạng lớn”. Một điều đặc biệt nữa ở làng Phan là dù hiện đã phát triển theo hướng đa ngành nghề với các loại hình dịch vụ như máy cày, máy gặt, máy xay xát, vận tải, hàng quán phát triển mạnh; các loại hình tiết kiệm như phường, hội, góp vốn kinh doanh đã tạo điều kiện giúp nhau phát triển kinh tế có hiệu quả. Trong làng có 2 tổ thợ mộc, 7 tổ thợ nề tạo việc làm thường xuyên cho hơn 80 lao động với mức thu nhập trung bình từ 6 – 9 triệu đồng/tháng; có 90 lượt người đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra còn có một số lao động tham gia các khu công nghiệp như điện tử, chế biến gỗ… cho thu nhập ổn định.

Ấy thế nhưng người dân vẫn gắn bó với nông nghiệp, không bỏ hoang ruộng đất. Chi bộ làng Phan đã ban hành các nghị quyết khuyến khích, động viên bà con nhân dân gieo cấy hết 100% diện tích đảm bảo đúng cơ cấu giống, thực hiện nghiêm lịch thời vụ. “Với thực tế hiện nay, lao động trẻ trong làng đi làm ăn xa nhiều, ở nhà chủ yếu người già và trẻ em, làm sao để người dân không bỏ ruộng?”- nghe chúng tôi đặt câu hỏi, vị trưởng làng Phan hồn hậu đáp lời: “Muốn người dân không bỏ ruộng thì người đứng đầu thôn xóm, chi hội đoàn thể phải gương mẫu làm trước để làng nước theo sau thôi. Chẳng nói đâu xa, như Bí thư Chi bộ làng Phan Hồ Văn Thân nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã có lương hưu, hiện đã lớn tuổi nhưng vẫn làm hơn 7 sào ruộng đấy !”.

Bí thư chi bộ và Xóm trưởng làng Phan kiểm tra tình hình sản xuất của người dân. Ảnh: GH
Bí thư chi bộ và Xóm trưởng làng Phan kiểm tra tình hình sản xuất của người dân. Ảnh: GH

Nhờ những chủ trương sát đúng, trong năm 2022, làng Phan đã chỉ đạo khoanh vùng được 20 ha cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống AC5, VNR20, thiên ưu cho năng suất, sản lượng cao. Người dân làng Phan còn đi đầu trong phong trào sản xuất vụ Đông với diện tích 9 ha, cơ cấu chủ yếu là cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột và rau màu các loại cho thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/ sào. Riêng cây dưa chuột được người dân làng Phan trồng sáng tạo không cần giàn, vừa tiết kiệm công sức, tiết kiệm chi phí lại tận dụng được đất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn hẳn; mỗi vụ thu về hàng tỷ đồng. Trong làng còn có 10 héc ta trang trại của 21 hộ, trong đó có 9 hộ là đảng viên. Ông Nguyễn Trọng Thịnh – một trong những hộ đi đầu trong phát triển trang trại cho hay: Gia đình tôi đã xây dựng mô hình trang trại ở vùng bàu sâu này được 20 năm, mới đầu vùng này được huyện chọn xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng, giờ đây là “cánh đồng lớn” nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Lúc mới khởi nghiệp, phát triển theo mô hình cá – lúa, sau mở rộng chăn nuôi lợn, gà, vịt đẻ, trồng dưa chuột… tổng thu nhập từ trang trại bình quân 1 năm đạt khoảng 50 – 60 triệu đồng.

Nhờ sự những nghị quyết sát thực tiễn của chi bộ, sự năng động, cần cù, sáng tạo của người dân, thu nhập bình quân đầu người của làng Phan đạt 59-60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, người dân còn tập trung phát triển kinh tế vườn, trong năm đã xây dựng được một số vườn mẫu, trong đó có 1 hộ đạt giải ba cuộc thi “Vườn chuẩn nông thôn mới đẹp” cấp huyện năm 2022.

Người dân làng Phan trồng rau vụ Đông. Ảnh: Thanh Phúc
Người dân làng Phan trồng rau vụ Đông. Ảnh: Thanh Phúc

Không chỉ là mô hình điểm trong xây dựng nông thôn mới, làng Phan còn là điển hình về công tác bảo đảm an ninh trật tự. Sau 22h đêm, khi tiếng kẻng bình yên ở nhà văn hóa cộng đồng vang lên, các hoạt động gây ồn ào chấm dứt, người dân không đi lại lộn xộn nếu không có việc cần thiết. Điều đặc biệt dù có nhiều gia, trang trại nhưng tài sản của người dân gần như không cần người phải trông coi, bảo quản, trên địa bàn không có nghiện ma tuý, không xảy ra trộm cắp tài sản, không có người dân vi phạm pháp luật hình sự.

Bên cạnh xây dựng các mô hình “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Làng quê an toàn, thân thiện cho phụ nữ, trẻ em”, làng Phan còn thành lập 8 tổ tự quản phụ trách các cụm dân cư và tổ hòa giải cơ sở gồm 10 thành viên hoạt động tích cực. Mọi mâu thuẫn, tranh chấp đều được hóa giải ngay từ lúc mới manh nha để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm. Việc kế thừa và phát huy Hương ước Phan Thôn của tổng Thông Lãng xưa được lập từ năm Gia Long thứ nhất (1982) cũng đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở.

Tiếng kẻng bình yên ở làng Phan. Ảnh: G.H
Tiếng kẻng bình yên ở làng Phan. Ảnh: G.H

Ông Nguyễn Trọng Tâm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Hưng Tân cho hay: Có nhiều nội dung trong hương ước cổ vẫn còn giá trị đến tận ngày hôm nay, trên cơ sở đó, người dân có sự kế thừa, phát huy những mặt tích cực, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, xây cất mồ mả, tổ chức lễ hội ở địa phương; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mê tín dị đoan góp phần xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc, bảo vệ trẻ em; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bảo đảm an ninh trật tự…

Điều đáng quý là trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân làng Phan đặc biệt chú trọng giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam như việc phát huy những làn điệu dân ca, ví dặm hay duy trì tổ chức lễ rước tại Lễ hội đền Phan Thôn hàng năm để tưởng nhớ công đức các bậc tiền nhân. Đền Phan Thôn – xã Hưng Tân được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ 18, thờ Đức bản cảnh Thành hoàng làng cùng các vị phúc thần có công hộ quốc, an dân. Đền được xây dựng trên thế đất phong thủy “Đông hội ngũ long hồi tụ thủy/Anh linh chính khí trấn Nam thiên” (nghĩa là: Nơi năm con rồng ở phía đông dồn nước về tụ lại/Tạo linh khí trấn giữ trời Nam). Lễ hội Đền Phan Thôn có nhiều nghi lễ truyền thống, trong đó lễ xin nước, lễ kỳ phúc, kỳ yên, lễ rước Thành Hoàng… thu hút đông đảo nhân dân và du khách về tham dự. Nhờ vậy Làng Phan đã giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đều tăng, năm 2022 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 96%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 51%.

Lễ rước thần tại Lễ hội Đền Phan Thôn được nhân dân làng Phan tổ chức hàng năm. Ảnh: Trọng Tâm
Lễ rước thần tại Lễ hội Đền Phan Thôn được nhân dân làng Phan tổ chức hàng năm. Ảnh: Trọng Tâm

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hưng Tân – ông Nguyễn Văn Tâm cho hay: Sở dĩ làng Phan trở thành “điểm sáng” là bởi nội bộ chi ủy, ban quản lý và các chi hội đoàn thể luôn đoàn kết, thống nhất cao; sâu sát, gần gũi và giữ mối quan hệ khăng khít, gắn bó với nhân dân, luôn vì dân phục vụ. Cũng nhờ vậy mà có được “lòng dân”, các chủ trương liên quan đến xây dựng nông thôn mới nâng cao luôn được người dân hưởng ứng nhiệt tình từ việc xây dựng nhà văn hóa đến làm giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang thôn xóm…

Điều đó được minh chứng khi chúng tôi ghé thăm cụ Hồ Xuân Biểu (93 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng) là một đảng viên gương mẫu ở làng Phan, dù tuổi cao vẫn tích cực tham gia sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt xóm. Cụ cũng là người vinh dự đại diện cho cán bộ, đảng viên làng Phan phát biểu dịp Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an và đoàn công tác của Trung ương, của tỉnh về thăm làng.

Đảng viên lão thành Hồ Xuân Biểu (thứ hai phải sang) trao đổi với cán bộ xã Hưng Tân và Bí thư, Xóm trưởng làng Phan. Ảnh: G.H
Đảng viên lão thành Hồ Xuân Biểu (thứ hai phải sang) trao đổi với cán bộ xã Hưng Tân và Bí thư, Xóm trưởng làng Phan. Ảnh: G.H

Trò chuyện với chúng tôi, người đảng viên lão thành ấy cho biết: “Làng Phan là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, truyền thống văn hoá. Trong thời kỳ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc có 342 thanh niên tham gia kháng chiến, trong đó có 24 liệt sĩ hy sinh cho đất nước; 14 thương binh; 11 bệnh binh, có 2 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện nay, các thế hệ người dân Làng Phan đã và đang kế thừa và phát huy truyền thống ấy trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, những đảng viên như chúng tôi tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng luôn xác định phải nêu gương cho quần chúng nhất là thế hệ trẻ, chung sức xây dựng quê hương no ấm, bình yên, hạnh phúc”.