Tự do trong tình yêu và hôn nhân ở người Mông

Những thân phận hôn nhân không tình yêu từng rất phổ biến trong văn hóa Mông, đặc biệt là âm nhạc và điện ảnh. Trong số rất nhiều bản nhạc, cả nhạc dân ca hay tân nhạc của người Mông nói về thân phận của những người phụ nữ bị đặt cưới (qhaib) từ khi còn là trẻ em, nổi bật là bài hát “Ước chi anh là đóa hoa – Kheev lam koj yog ib rev paj” được sáng tác và phổ nhạc bởi hai bậc thầy người Mông ở Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc là Nchaiv Yeej Thoj và Chij Tsab.

Năm 1982, trong hội Tết năm mới (Nqaug Toj), Nchaiv Yeej Thoj khi đó là phát thanh viên người Mông của Đài phát tranh Văn Sơn đã đến tham dự để có thể thu một số bài dân ca Mông về phát trên đài. Tại ngày hội, ông vô tình thu được bài dân ca của một cô gái rất trẻ người Mông Trắng (mev nyuam hluas nkauj) khoảng 12-13 tuổi, bài dân ca đại ý kể về việc đôi trai gái yêu nhau thắm thiết nhưng không thể đến với nhau. Sau đó, Yeej phỏng vấn cô gái: “Cháu gái à, vì sao cháu lại hát những lời ca như vậy?”, cô gái đỏ mặt ngượng ngùng, một lúc lâu sau mới trả lời: “Chú ơi, ngay từ khi cháu còn nhỏ xíu thôi, bố mẹ cháu đã đặt cưới cháu cho một người đàn ông rất già rồi, già hơn cháu trên chục tuổi luôn, nên lòng cháu không yêu nổi, trái tim cháu không yêu nổi người đó, không muốn lấy người đó. Rồi cháu lại yêu phải một chàng trai trẻ đẹp hơn, nhưng khổ nỗi cháu yêu được nhưng không thể lấy anh chàng trẻ đẹp đó. Bởi bố mẹ cháu bảo cháu đã được hứa hôn rồi”.

Yeej cảm thấy rất thương cảm thân phận của cô gái. Sau đó ngồi ngẫm nghĩ mãi rồi ông nhận ra đúng là có một con đường hôn nhân mà đa phần người Mông đều làm như thế, đó là bố mẹ đặt cưới (qhaib nyab) cho những người con, khiến nhiều cô gái khi lớn lên mới nhận ra mình không thể kết hôn với tình yêu của đời mình. Từ câu chuyện đó, Yeej sửa lại một chút những lời dân ca của cô gái cho vần điệu hơn rồi đem cho thầy giáo dạy Âm nhạc người Mông – Chij Tsab phổ nhạc. Ông vẫn giữ nguyên những câu ý chính của cô gái trẻ người Mông Trắng kia: “Hỡi dòng sông Hoàng Hà, ngươi từ đâu kéo đến, làm đất miền núi ta trải dài mãi. Hỡi chàng trai trẻ, anh người đâu đến, tiếng sáo anh ca làm não lòng em, khiến em không thể ngồi yên trong nhà nữa. Nev Dej Daj koj ntws qhov tws los, rau peb toj siab ntev os ntev. Txiv leej tub, koj tuaj qhov twg tuaj, suab raj nrov kho siab, ntxhais nkauj see nyob tsis qab hauv tsev lawm ev”.

Sau này, Yeej mới nhận ra đây là một bài hát rất sâu sắc khi cô gái đã so sánh văn hóa Mông, ở đây cụ thể là sự thụ động trong lựa chọn đối tượng để kết hôn của người con gái Mông đã trường tồn như dòng sông Hoàng Hà – nơi được coi là nguồn gốc xuất thân của nền văn hóa Mông chứ không chỉ là câu chuyện về tình yêu đôi lứa không thể đến được với nhau.

Bài hát này được đánh giá cao bởi thể hiện nội tâm của cô gái, một sự chủ động với tình yêu dù không thể với tới, không thể lấy người đó. Trong bài hát, cô gái tìm cách tự an ủi bản thân: “Tiếc rằng anh lại là con trai nhà người, yêu phải cũng lấy không được. Ước gì anh là đóa hoa, em sẽ hái anh cài lên mái tóc. Ước gì anh là trái cây, em sẽ hái anh ngậm làm của riêng – Khuv xim koj yoj luag tej tub txeej, nyiam raus yuav tsis tau. Kheev lam yog lub paj, kuv muab koj de hlo rais sau kuv tau hau. Koj yog lub txwb, kuv muab koj de hlo lo npuav ua kuv li”. Những ẩn dụ “ước gì” ấy như một sự gửi gắm, an ủi tâm lý, để cảm thấy như lúc nào tình yêu cũng bên cô.

Tinh thần chấp nhận hôn nhân không tình yêu và giữ tình yêu của đời mình ở mãi trong lòng rồi thể hiện qua những bài dân ca là một thứ tinh thần rất người Mông. Tuy vậy, dễ dàng nhận thấy qua mỗi thế hệ người Mông khác nhau có sự cảm thụ tác phẩm khác nhau, qua đó thể hiện tâm thức cộng đồng về vấn đề hôn nhân và tình yêu là khác nhau. Tác phẩm “Ước chi anh là đóa hoa” được Yeej hoàn thiện vào năm 1983, và phát trên sóng của Đài phát thanh Văn Sơn nhiều lần với sự đón nhận nhiệt tình từ các khán giả. 10 năm sau, vào năm 1993, nữ ca sĩ lừng danh người Mông Văn Sơn tên là Mim Ham trong lúc chuẩn bị đi biểu diễn lần đầu tiên tại Hoa Kỳ đã đến gặp Yeej và ngay lập tức chọn bài này vào bộ sưu tập những bài ca sẽ mang đi biểu diễn. Mim Ham có tùy chỉnh lại một chút về phần nhạc cho bài hát nhưng vẫn giữ nguyên lời và chính cô là người đầu tiên thể hiện bài hát này đến khán giả là người Mông ở Mỹ và từ đó vang danh đến người Mông toàn thế giới.

Đến năm 2004, nhà sản xuất phim điện ảnh người Mông Hoa Kỳ Ntxawg Vwj trong tác phẩm điện ảnh đẫm nước mắt về một cuộc hôn nhân đổ vỡ ở người Mông mang tên “Nước mắt hôn nhân – Txij Nkawm Teev Kua Muag” đã sử dụng lại bài hát này, phổ nhạc hiện đại và thể hiện bởi cặp ca sĩ – diễn viên người Mông trẻ Tub Yaj – Mabsua Lis mang tên “Hỡi sông Hoàng Hà – Niaj Dej Dag” làm nhạc phim. Phiên bản âm nhạc này tập trung vào tình yêu không thể đến được với nhau. Đó là nỗi khổ tâm của cả chàng trai và cô gái, thay vì lời than thầm của người phụ nữ không thể kết hôn với người cô yêu.

Ngày nay, hầu hết mọi người Mông từ già đến trẻ trên khắp thế giới, từ Vân Sơn, Trung Quốc đến Việt Nam, Lào, Thái Lan hay Mỹ, Pháp, Úc đều ít nhất một lần từng nghe bài ca này. Có thể khẳng định đó là một trong những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng nhất trong lịch sử văn hóa Mông hiện đại thể hiện rõ tinh thần hôn nhân và tình yêu đôi khi là hai phạm trù khái niệm độc lập trong văn hóa Mông.