Tự do trong tình yêu và hôn nhân ở người Mông

Bản thân tác phẩm “Ước chi anh là đóa hoa” vào năm 2004 đã được cải biên theo hướng tập trung hoàn toàn vào tự do tình cảm của lứa đôi, thay vì lời tâm sự của cô gái phải kết hôn gượng ép. Điều đó cũng minh chứng rằng, hôn nhân gượng ép ngày một suy thoái trong cộng đồng này. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hương và cộng sự tại Hà Giang chỉ ra rằng, thực trạng bắt vợ là ít và hiếm gặp trong cộng đồng so với tưởng tượng của người ngoài, còn tình trạng bắt chồng gần như không được ghi nhận.

Phụ nữ trẻ người Mông đang ngày càng khẳng định ưu tiên hôn nhân từ tình yêu và từ chối các cuộc hôn nhân sắp đặt (như sơ đồ dưới đây). Điều này cho thấy sự khao khát ngày càng tăng về tự chủ trong việc lựa chọn đối tác hôn nhân của họ.

Xu hướng kết hôn dựa trên tình yêu ngày càng tăng ở người Mông Trắng Hà Giang. Nguồn: Nguyễn Thị Hương và các cộng sự, 2011.
Xu hướng kết hôn dựa trên tình yêu ngày càng tăng ở người Mông Trắng Hà Giang. Nguồn: Nguyễn Thị Hương và các cộng sự, 2011.

Dựa vào bảng báo cáo của Nguyễn Thị Hương và các cộng sự, chúng ta thấy rằng, 69.2% những phụ nữ người Mông dưới 30 tuổi là kết hôn dựa trên tình yêu, trong khi đó con số này ở những phụ nữ người Mông trên 30 tuổi chỉ đạt 53.1%. Hơn nữa, hình thức hôn nhân không dựa trên tình yêu như “cướp vợ” (txhom poj niam yuav) đang giảm đi từ 9.4% ở những người phụ nữ trên 30 tuổi xuống còn 7.7% ở những người dưới 30 tuổi. Ở đây còn thêm một yếu tố nữa được các tác giả đưa ra là sự tự quyết trong hôn nhân của những người phụ nữ. Dựa vào báo cáo này, chúng ta thấy rằng, xu hướng lựa chọn tự quyết hôn nhân ở những phụ nữ người Mông trẻ là vượt trội so với các hình thức khác.

Khảo sát, nghiên cứu của người viết bài này tại Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cũng cho thấy tình trạng hôn nhân không dựa trên tình yêu là có xảy ra nhưng càng ngày càng ít. Trong năm 2022, những người trả lời phỏng vấn cho nghiên cứu này không ghi nhận trường hợp cướp vợ nào diễn ra trong vùng. Lý do cho sự giảm đi của lựa chọn này được lý giải rằng bởi các bạn trẻ càng ngày càng nhận ra hôn nhân gượng ép thường không mang đến hạnh phúc và bình yên, đã có những cô gái bị gượng ép kết hôn dẫn đến tự vẫn và nhà trai buộc phải mất của cải, công sức để tổ chức tang lễ, chưa kể khiến chàng trai bị gắn mác chết vợ và sẽ bị coi như người “rơi một bậc” (poob ib theem), do đó không còn cơ hội tham gia các vai trò chính thức trong hôn lễ của họ hàng trong tương lai.

Thực tế cho thấy, ngày nay, những người Mông trẻ đang ngày càng đặt hoài bão cá nhân và hôn nhân dựa trên tình yêu lên hàng đầu. Điều này có được là do tác động của các chương trình phổ cập giáo dục và va chạm xã hội, cũng như dựa trên bản chất văn hóa Mông mang tính cộng đồng và dễ dàng chấp nhận những tri thức đã được minh chứng là có tính khả dụng.

Tuy vậy, về mặt bản chất, sự thay đổi này vẫn còn nhiều vấn đề phải thảo luận, nhất là sự chênh lệch quyền lực giữa nam và nữ trong xã hội Mông và khả năng lựa chọn hôn nhân dựa trên tình yêu của nam là vượt trội so với nữ. Những cô gái người Mông, một mặt được kỳ vọng có phần chủ động và cởi mở trong tình yêu, nhưng lại phải biết giữ mình để không có thai ngoài hôn nhân và không được chủ động lựa chọn người chồng, thời điểm để lấy chồng. Ngay cả hôn nhân dựa trên tình yêu, những cô gái người Mông vẫn phải chờ để chồng và phái đoàn chồng đến rước về và phải sinh sống dưới sự kiểm soát của chồng và gia đình nhà chồng. Thậm chí nhiều người Mông đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai bản chất của tiền thách cưới (nqi mis nqi mos) từ tiền hỗ trợ công sức nuôi dạy của bố mẹ cô dâu thành tiền mua cô dâu, qua đó, nhà gái yêu cầu tiền thách cưới cao còn nhà trai đối xử với cô gái như người được mua về, chịu sự giám sát nghiêm ngặt và phải luôn đặt nhà chồng lên hàng đầu trong cuộc sống.

Thực tế, sự phản kháng thân phận nữ nhi của những cô gái Mông đang ngày một rõ ràng hơn trong xã hội. Nguyễn Thị Hương và các cộng sự khẳng định rằng, nhiều cô gái người Mông Trắng ở Hà Giang từ chối mặc những bộ đồ người Mông truyền thống để tránh nguy cơ bị bắt làm vợ. Một số phụ nữ Mông trẻ cũng chia sẻ với tác giả rằng, thực tế quấy rối tình dục đối với những người phụ nữ Mông thường xuyên bị làm đơn giản hóa và những bộ váy áo của người phụ nữ Mông thường tạo cơ hội để sự quấy rối này diễn ra, do đó họ từ chối mặc chúng để chuyển sang những bộ đồ có phần che phủ cơ thể kín kẽ hơn.

Người Mông ở huyện Tương Dương trong trang phục dân tộc. Ảnh: Đình Tuân
Người Mông ở huyện Tương Dương trong trang phục dân tộc. Ảnh: Đình Tuân

Tóm lại, người Mông là một cộng đồng cổ xúy tình yêu, nhưng hôn nhân ở người Mông không hẳn luôn gắn liền với tình yêu, và sự độc lập của tình yêu và hôn nhân ở người Mông được ghi nhận như một sự trường tồn. Tuy vậy, ngày nay xu hướng chung ở xã hội người Mông là hướng đến những cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu và sự tự quyết. Đặc biệt là những người phụ nữ Mông trẻ đang ngày một thể hiện sự phản kháng rõ ràng hơn với xã hội phụ hệ ở người Mông, thậm chí thông qua cả việc từ bỏ mặc những bộ trang phục truyền thống từng gắn liền với họ trong suốt chiều dài lịch sử.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Haiv Hmoob. (2013). 邹兴兰假如你是一朵花 Laj Tsawb(Zou Xing Lan) – Kheev Lam Koj Yog Ib Res Paj [Video file]. Retrieved May 15, 2023, from https://www.youtube.com/watch?v=2ggW5N_D05k.
  2. HmongWorld. (2017). Interview “Kheev lam koj yog ib rev paj” The Original composer, xf. Nchaiv Yeej Thoj of Paj Tawg Lag [Video file]. Retrieved May 15, 2023, from https://www.youtube.com/watch?v=uz_Xn-AMbtU&t=164s.
  3. Khang, T. A. (2023). Attitudes of Hmong women towards domestic violence and divorce from an interdisciplinary perspective (thesis).
  4. Mim Haam. (2007, April 6). Kheev Lam Koj Yog Ib Rev Paj (Yi Duo Hua) – Mim Haam [Video file]. Retrieved November 22, 2022, from https://www.youtube.com/watch?v=VGQVl8By2y4.
  5. Moua, T. (2003). The hmong culture: Kinship, Marriage & Family Systems. https://www.researchgate.net/publication/43402561_The_Hmong_culture_Kinship_marriage_family_systems.
  6. Nguyen, Huong Thi, Oosterhoff, P., & White, J. (2011). Aspirations and realities of love, marriage and education among Hmong women. Culture, Health & Sexuality, 13(sup2). https://doi.org/10.1080/13691058.2011.626074.
  7. Vwj, N. (2004). Txij Nkawm Teev Kua Muag [Video file]. Asian Video Production Com.