Bài 2: Đồng hành với doanh nghiệp và người lao động

Đây là năm đầu tiên người lao động thuộc ngành Du lịch được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước với mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người với phương thức chi trả một lần. Thực hiện theo chương trình này, hiện Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Nghệ An đã kịp thời thông báo chủ trương và các văn bản hướng dẫn cho các hướng dẫn viên du lịch đang hoạt động tại các đơn vị hoặc một số hướng dẫn viên đang hành nghề tự do. Theo kế hoạch hơn 200 hướng dẫn viên trong toàn tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ để kịp thời gửi đến các cơ quan chức năng liên quan.

Về phía Sở Du lịch Nghệ An, ngay sau khi có hướng dẫn của tỉnh, Sở đã ra văn bản gửi tới các đơn vị và các chi hội trực thuộc. Qua nắm bắt đã có 11 hồ sơ người lao động gửi trực tiếp về Sở và hầu hết họ đều làm hướng dẫn viên tự do và hiện là hội viên của Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam. Ông Trương Hải Linh – Trưởng phòng Lữ hành – Sở Du lịch cho biết: Nghệ An có hơn 200 hướng dẫn viên du lịch đã được cấp  thẻ nhưng trong số đó có những người hiện đang sinh sống và hoạt động ở các tỉnh thành khác. Vì thế, ngoài việc thông tin qua các đơn vị, các chi hội chúng tôi  đã sử dụng các kênh thông tin khác để thông tin tới người lao động và hướng dẫn họ kê khai làm thủ tục để hưởng chính sách của Nhà nước. Cá nhân tôi cho rằng, dù mức hỗ trợ không nhiều nhưng điều này là rất cần thiết và giúp người lao động phần nào tháo gỡ được các khó khăn trước mắt bởi ngành Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch Covid-19. Hầu hết nhân lực trong ngành Du lịch hiện đang thất nghiệp và phải tạm thời chuyển sang các ngành nghề khác để duy trì cuộc sống.

Với Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (đã đề cập-PV) lần đầu tiên những người làm trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật cũng nhận được sự hỗ trợ. Đó là  đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật phải tạm dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Tại Nghệ An, đây cũng là sự động viên lớn lao cho các nghệ sỹ trong thời điểm các đoàn nghệ thuật gần như phải “đóng băng” gần 2 năm trở lại đây. Tỉnh có 1 đơn vị công lập là Trung tâm Nghệ thuật tỉnh với 90 diễn viên, ca sỹ, nhạc sỹ,… hằng năm có số thu vào khoảng 2,5 tỷ đồng, thế nhưng kể từ đầu năm số thu này chỉ ở con số 0. “Không tập luyện không biểu diễn phục vụ chính trị, cũng không biểu diễn phục vụ đồng bào, không có hợp đồng biểu diễn từ các đơn vị khác thì lấy đâu ra”, ông Trần Văn Sánh – Trưởng ban Pháp chế – Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

Hiện Sở Văn hóa và Thể thao đã nhận được danh sách 65/90 diễn viên, nhạc sỹ, ca sỹ đang hoạt động tại Trung tâm nghệ thuật tỉnh và 1 nghệ sỹ đang làm việc tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh trong diện được hỗ trợ. “Chúng tôi đã rà soát toàn bộ 65 người trong diện này theo các Điểm 28, 29, 30, Chương 8 trong Quyết định 23, và họ phù hợp với điều lệ. Hy vọng họ sẽ nhanh chóng được hưởng chính sách ưu đãi này của Chính phủ”, ông Sánh nói thêm.

Nghị quyết 68, Quyết định 23 được ban hành không chỉ đơn thuần là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp cho người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động. Vì thế, trong 12 chính sách hỗ trợ thì gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chiếm số lượng khá lớn để hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất và một số chính sách về bảo hiểm xã hội. Đây là biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người phải ngừng việc và hỗ trợ vốn tín dụng khi quay lại sản xuất kinh doanh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp gia hạn thời gian đóng một số loại bảo hiểm hoặc giảm mức đóng về 0% để doanh nghiệp dùng số tiền đó triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19.

Trong số các chính sách đang thực hiện, chính sách giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động đã được Bảo hiểm xã hội triển khai khẩn trương. Vì thế chỉ sau một thời gian rất ngắn Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã xác định các đơn vị sử dụng lao động đủ điều kiện điều chỉnh giảm mức đóng gửi thông báo về số tiền được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, toàn tỉnh có 6.906 đơn vị sử dụng lao động được hỗ trợ với 148.463 lao động và số tiền tạm tính được giảm mức đóng trong 12 tháng là 41,7 tỷ đồng.

Với chức năng của mình trong thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh cũng luôn đồng hành, chia sẻ cùng đơn vị sử dụng lao động và người lao động vượt qua khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ tối đa cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động trong quá trình hoàn tất thủ tục hồ sơ, đảm bảo giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Tại thời điểm này, sau khi có các văn bản của Chính phủ và của tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến cơ quan BHXH để gửi hồ sơ xin hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ nằm trong gói 26.000 tỷ đồng của Nhà nước. Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư 568 hoạt động chính ở lĩnh vực tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động của Công ty gặp rất nhiều khó khăn nên khi nhận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước đơn vị đã có văn bản và lập danh sách người lao động được người sử dụng lao động đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất.

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Hàng Hải cũng đã lập danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương cho cơ quan Bảo hiểm xã hội để giúp người lao động kịp thời nhận hỗ trợ. Hay như với Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội (Chi nhánh Vận tải đường sắt Vinh) – một trong những doanh nghiệp chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 thì đại dịch này đã khiến 109 lao động của Công ty phải tạm ngừng việc. Trong bối cảnh đó, công ty đã có văn bản đề nghị cơ quan BHXH tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Bà Lê Thị Thu Hiền – đại diện Công ty cho biết: “Việc giãn đóng bảo hiểm sẽ giúp chúng tôi được giãn nợ mà không tính lãi suất. Dù ít, dù nhiều chúng tôi cũng tiếp cận được chính sách này, nên cũng đỡ đi phần nào”.

Qua gần 2 tuần triển khai, đến thời điểm này, đã có hơn 30 doanh nghiệp trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh để xác nhận hồ sơ và xin hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số lao động cần hỗ trợ là gần 500 người. Qua quá trình triển khai, ông Hoàng Quang Phúc – Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội Nghệ An, cho biết: So với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây thì gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi hơn cho người lao động và người sử dụng lao động. Như ở cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, theo quy định thời gian từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi giải quyết thủ tục là 4 ngày nhưng chỉ 2 ngày là chúng tôi đã hoàn thành cho các đơn vị. Việc đơn giản thủ tục nhằm giúp cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể.

Tuy nhiên, trong 12 chính sách thì có nhiều chính sách dành cho lao động tại các đơn vị doanh nghiệp không có thỏa ước lao động, lao động tự do chưa có hướng dẫn do vẫn còn nhiều luồng ý kiến. Bên cạnh đó đối tượng lao động nếu chiếu theo chính sách được hưởng vẫn còn gặp những khó khăn trong việc làm hồ sơ theo mẫu để được xét duyệt.