Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn – Bài cuối: Nâng vai trò người sản xuất trong chuỗi liên kết

Trước những khó khăn đặt ra đối với các mặt hàng nông sản, nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành chung tay tháo gỡ; trong đó giải pháp đầu tiên được đưa ra là tăng cường hơn nữa việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn rau thủy canh xanh mơn mởn hơn 1.000m2, anh Hồ Sỹ Vương ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Xuất phát từ nhu cầu sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, tôi bắt tay xây dựng mô hình dù chi phí đầu tư khá cao, nhưng cái được là tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn. Mô hình tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sinh trưởng của rau. Qua thực hiện cho thấy rau sinh trưởng nhanh. Mỗi lứa rau, sau 30 ngày cho thu hoạch với các loại rau phổ biến như: cải canh, cải bó xôi, cải ngọt, xà lách…”. Việc mở rộng mô hình, theo anh Vương là điều không khó, cái quan trọng nhất là thị trường tiêu thụ, rất cần sự ủng hộ rộng lớn hơn của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau sạch.

Các mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh ở Quỳnh Lưu, trồng dưa lưới trong nhà giàn ở Thanh Chương, chăn nuôi ở Quỳnh Lưu và trồng ổi xã Nghi Ân (TP Vinh).
Các mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh ở Quỳnh Lưu, trồng dưa lưới trong nhà giàn ở Thanh Chương, chăn nuôi ở Quỳnh Lưu và trồng ổi xã Nghi Ân (TP Vinh).

Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Thanh Chương tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, khu vườn kiểu mẫu…, từng bước hình thành tư duy sản xuất xanh, sạch, bền vững cho người nông dân. Quá trình triển khai các mô hình, người dân được tập huấn về kiến thức an toàn sinh học, tiếp cận những quy trình kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi an toàn, thân thiện môi trường. Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – ông Trình Văn Nhã, cho hay: “Quan điểm của huyện là phát triển tăng tốc nhưng phải bền vững, chuyển đổi mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng sản xuất hữu cơ, VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP. Huyện đã ban hành “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác giai đoạn 2021-2025” và Đề án “Phát triển kinh tế trang trại gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo mô hình an toàn sinh học giai đoạn 2021-2025”, mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, đảm bảo bền vững.

Việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi thực hành sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản an toàn đang được các cấp ngành triển khai mạnh mẽ đến các tầng lớp nông dân. Các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả; vận động hội viên nông dân thực hiện nghiêm 3 có (Có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm an toàn; Có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; Có trách nhiệm phát giác và ngăn chặn thực phẩm không an toàn) và thực hiện 3 không (Không sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; Không kinh doanh chất cấm và nông sản thực phẩm không an toàn, kém chất lượng; Không tiêu dùng nông sản thực phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn).

Thu hoạch chè ở huyện Thanh Chương.
Thu hoạch chè ở huyện Thanh Chương.

Quá trình triển khai, rất nhiều hộ nông dân đã thực hành sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu thụ nông sản an toàn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn chưa đảm bảo tính bền vững. Qua trao đổi, ông Phan Thế Phương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn cho rằng, khi được hướng dẫn, các hộ nông dân đều có thể thực hành sản xuất nông sản hàng hóa sạch, an toàn. Bây giờ, mỗi hộ nông dân đều hiểu rằng, sản xuất nông nghiệp vẫn là gốc rễ, từ đó mạnh dạn đầu tư, tích cực học hỏi, nắm vững khoa học kỹ thuật để làm ra nhiều sản phẩm. Vấn đề đặt ra là khi nhiều hộ dân cùng tham gia sản xuất hàng hóa an toàn, các sản phẩm nông sản tăng lên, trong khi đầu ra lại là yếu tố quyết định cần tháo gỡ.

Để tháo gỡ khó khăn cho một số sản phẩm nông nghiệp, các ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh, Sở Công Thương, Liên minh HTX cùng các địa phương đã triển khai các hoạt động hỗ trợ, giới thiệu, kết nối các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Cùng đó, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ, diễn đàn xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm của Nghệ An đến các vùng, miền. Các ngành cũng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như BigC, MM Mega Market, Vincomerce, Bibi green để kết nối, tiêu thụ nông sản. Mới đây nhất, đầu tháng 11/2021, “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm thuộc khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An” diễn ra tại TP. Vinh với sự tham gia của 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã với gần 100 sản phẩm các loại, Công ty TNHH EB Vinh đã lựa chọn và nhận tiêu thụ 7 sản phẩm OCOP vào siêu thị Big C Vinh.

Ký kết thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử và ký kết tiêu thụ sản phẩm cam Vinh.
Ký kết thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử và ký kết tiêu thụ sản phẩm cam Vinh.

Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản cho biết: “Đơn vị tăng cường phối hợp tuyên truyền về công tác quản lý chất lượng, đảm bảo vệ sinh ATTP cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất như nông dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến. Vận động các tổ chức, cá nhân áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó, thường xuyên giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP nông, lâm, thủy sản. Đơn vị còn hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý sản xuất; hỗ trợ túi, hộp nhãn bao bì sản phẩm và tem QR truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận, sử dụng công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Chúng tôi cũng tham mưu với tỉnh tổ chức “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Nghệ An tại Hà Nội” vào cuối tháng 11/2021; tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản miền Trung tại Nghệ An vào tháng 12/2021”.

Nhằm giúp hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ khai trương các cửa hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn tại huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Thanh Chương. Đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid -19, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, Hội Nông dân tỉnh nỗ lực kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tập huấn cho các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ chuyên trách Hội Nông dân các cấp giỏi các điều kiện để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, các điều kiện về mẫu mã chất lượng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm khi lên sàn thương mại điện tử. Cùng đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng vào cuộc tích cực để tìm kiếm, xây dựng các khối liên kết tiêu thụ nông sản an toàn.  Trong lĩnh vực này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình UBND tỉnh ban hành Đề án “Phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”.

Kết nối tiêu thụ nông sản Nghệ An vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Kết nối tiêu thụ nông sản Nghệ An vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ.

Bảo đảm an toàn thực phẩm từ sản xuất, kinh doanh, chế biến đến tiêu dùng vì sức khỏe của mỗi người là yêu cầu cấp bách hiện nay. Trong đó, việc tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn là nhiệm vụ của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Việc Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam thống nhất triển khai Chương trình phối hợp “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025” khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành trong hỗ trợ, động viên sản xuất và sử dụng thực phẩm an toàn.

Định hướng đã rõ, vấn đề hiện nay là tăng cường khuyến khích người dân thực hành sản xuất an toàn nhiều hơn, đồng thời hỗ trợ đầu ra để kích thích sản xuất an toàn. Hội Nông dân các cấp đang tích cực phối hợp các cấp ngành đẩy mạnh tập huấn để người dân xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Quá trình đó, chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh – ông Nguyễn Quang Tùng trao đổi thêm: “Nông sản phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm – tư tưởng này xuyên suốt và phải làm thường xuyên, đồng bộ, trong các hoạt động, phong trào của đơn vị, Hội Nông dân tỉnh luôn cố gắng cao nhất để lồng ghép vấn đề này. Việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn được xác định là khâu trọng yếu, cần phải có thái độ rạch ròi, chỉ hỗ trợ những nông sản đảm bảo sản xuất tiêu chuẩn an toàn, tránh tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” như đã từng diễn ra. Đồng thời tăng cường các hoạt động giới thiệu quảng bá đối với nông sản đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Hỗ trợ giúp bà con tiêu thụ nông sản nhưng phải tác động ngược trở lại cho bà con phải sản xuất an toàn mới được hỗ trợ. Các nguồn vốn chương trình hỗ trợ triển khai các mô hình phải đạt 4 ưu tiên: Mô hình thúc đẩy ứng dụng KHKT; các mô hình tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi, sản xuất an toàn; xây dựng tập hợp hội viên. Nếu các cấp các ngành đều có thái độ như vậy, sẽ nâng cao nhận thức cho nông dân trong sản xuất, chế biến nông sản an toàn. Hơn nữa chính người tiêu dùng, thị trường cũng khắt khe hơn, yêu cầu người sản xuất phải cải thiện chất lượng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Đồi cam ở xã Thanh Đức (Thanh Chương) được trồng với phương thức sản xuất an toàn sinh học. Ảnh: Lê Quang Dũng
Đồi cam ở xã Thanh Đức (Thanh Chương) được trồng với phương thức sản xuất an toàn sinh học. Ảnh: Lê Quang Dũng