Sản xuất hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất rau sạch theo công nghệ thủy canh, khí canh, chăn nuôi an toàn sinh học… là hướng đi đang được nông dân các địa phương tiến hành. Tuy nhiên, việc bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ lại đang gặp nhiều khó khăn thách thức.
Xã Nghi Long là vùng trọng điểm trồng rau an toàn trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Hiện xã có 12 nhà màng trồng rau củ, quả an toàn với diện tích 60ha, trong đó có gần 7ha trồng rau VietGAP. Dưới sự quản lý và điều tiết sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp, các hộ trồng rau thực hành canh tác theo quy trình an toàn. Khi tham gia sản xuất rau an toàn, các hộ dân trên địa bàn xã đã được tập huấn kiến thức. Các hộ đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, do đó các sản phẩm rau đưa ra thị trường đảm bảo chất lượng, giá thành bán ra tăng hơn so với sản xuất rau truyền thống. Thu nhập của người dân từ đó cũng tăng lên đáng kể. Hiện địa phương cũng đã có nhãn hiệu rau an toàn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ rau sạch của người dân bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái nhỏ lẻ, chưa có kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm… Gặp khó khăn, nên một số hộ không còn mặn mà với mô hình.
Trên diện tích ban đầu 2.000 m2 được sự hỗ trợ của huyện Yên Thành từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới 190 triệu đồng, anh Trần Quốc Liên ở xóm 4 xã Bảo Thành xây dựng 1 nhà lưới hơn 700 triệu đồng, trong đó trồng chủ yếu là dưa lưới. Mô hình sản xuất này hữu cơ, sử dụng phế phụ cẩm cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đến nay diện tích trồng dưa lưới của anh Liên mở rộng lên hơn 4.000m2. Trung bình mỗi năm vườn dưa của anh thu hoạch khoảng 30 tấn, giá xuất bán tại ruộng giao động khoảng 40.000 đồng/kg. Tính bình quân mỗi năm 3 vụ dưa, doanh thu mỗi năm anh Liên thu khoảng 700 – 800 triệu đồng/năm. Vườn dưa lưới đã được cấp chứng chỉ VietGAP và huyện Yên Thành hoàn thiện quy trình để được công nhận sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo chia sẻ của anh Trần Quốc Liên, khi quyết định xây dựng mô hình, anh đã lường trước những khó khăn. Quá trình trồng, chăm sóc áp dụng quy trình kỹ thuật khắt khe. Tích lũy kinh nghiệm qua các vụ dưa đã giúp anh giảm được thiệt hại và chủ động ứng phó với thời tiết gây bất lợi cho sự phát triển của cây dưa. “Tuy nhiên sản xuất nông sản theo hướng an toàn với chi phí sản xuất cao hơn nhưng lại khó cạnh tranh về giá so với sản phẩm canh tác đại trà. Người tiêu dùng luôn mong muốn có những thực phẩm là nông sản sạch, an toàn nhưng chưa hẳn đã mua được sản phẩm sạch đúng nghĩa. Trong “ma trận” thực phẩm sạch – “bẩn” lẫn lộn, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Điều đó đang gây khó cho những mô hình đầu tư bài bản như chúng tôi…” – anh Liên chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Nguyễn Quang Tùng cho biết, lâu nay việc tiêu thụ nông sản đang tập trung ở chợ là chính, do đó việc sản xuất chuẩn và không chuẩn chưa phân biệt rõ ranh giới nên dẫn đến chưa rạch ròi giữa rau trồng an toàn và rau trồng đại trà. Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất theo quy trình chặt chẽ, giá thành cao, làm giảm độ hăng hái của người sản xuất an toàn. Trở ngại đầu tiên khi phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh chính là thói quen sử dụng hóa chất trong sản xuất. Một thực tế là nhiều bà con nông dân sử dụng chất cấm theo kinh nghiệm, chưa có sự hiểu biết về danh mục chất cấm, phân tích các chất hóa học đối với nông dân là điều không dễ. Hơn nữa việc quản lý còn nhiều vấn đề đặt ra, thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép vẫn còn trôi nổi…
Còn ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục Trưởng Chi cục quản lý nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: “Để nông sản sạch vào các cửa hàng cần chứng chỉ về an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta đang mang tính nhỏ lẻ, còn thiếu những kiểm soát theo quy trình sạch. Một số siêu thị, cửa hàng nông sản sạch yêu cầu hàng hóa phải qua khâu trung gian là công ty mới được nhập vào với số lượng lớn, quy mô, chủng loại, mẫu mã đóng gói, khả năng đáp ứng các quy chế siêu thị…”
“Trong khi đó hoạt động sản xuất nông nghiệp của chúng ta lại quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết và thiếu những giấy chứng nhận theo quy định. Điều đó, vô hình trung làm khó cho các hộ sản xuất nông sản hàng hóa. Mặt khác, công tác kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, người tiêu dùng chưa thật sự yên tâm, tin tưởng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ” – ông Nguyễn Văn Hà cho biết thêm.
Trên địa bàn Nghệ An hiện có 23.784 cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, trong đó có 2.144 cơ sở thuộc diện cấp giấy (có sơ chế, chế biến). Hơn 9.000 hộ nông dân có cam kết (50% đối tượng được cam kết). Sản xuất theo quy trình VietGAP có hơn 297ha và hơn 200 hộ tham gia chăn nuôi.
Để kết nối tiêu thụ nông sản, hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã hình thành một số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cùng nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch. Những năm gần đây, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã cũng đã xúc tiến hình thành các chuỗi thực phẩm sạch, kênh bán hàng online; tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, chưa kết nối được nhiều mô hình giữa người sản xuất với người cung ứng để đưa ra thị trường tiêu dùng.
Bà Trần Thị Mỹ Hà – Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho rằng: Một số sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững như mía đường, dứa quả, chè… Tuy vậy, một lượng lớn các sản phẩm nông sản khác vẫn đang thực hiện tiêu thụ theo phương thức cũ, rất dễ bị tổn thương, khiến vẫn xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, ùn ứ hàng hóa khi vào chính vụ, bị thương lái ép giá; khả năng bảo quản sản phẩm kém, khiến phẩm cấp sản phẩm giảm, gây thiệt hại cho người nông dân. Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm thương mại… bị đình trệ, sản phẩm hàng hóa rất khó tiếp cận với các thị trường mới.
Trên thực tế, có một số mô hình liên kết giữa hộ nông dân sản xuất với các doanh nghiệp đã được hình thành. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã bị đứt gãy do nhiều nguyên nhân, trong đó, chủ yếu do xung đột lợi ích giữa các bên. Nhiều hộ sản xuất chưa nhận thức sâu sắc về lợi ích của mối liên kết, phân vân khi giá thu mua của doanh nghiệp thấp hơn trên thị trường. Cùng đó, các bên liên quan cũng chưa đánh giá sát mức độ biến động của thị trường, khiến nhiều lúc hàng hóa nông sản ứ đọng, dẫn đến “phá kèo” mối liên kết.
Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định nông nghiệp là “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế – xã hội nước ta. Đặc biệt trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh Covid-19, “bệ đỡ” càng phát huy vai trò. Thế nhưng, diễn biến khó khăn của thị trường nông sản làm mọi người lo lắng cho “bệ đỡ”. Rõ ràng, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay và thời gian tới, bên cạnh phải “trông trời, trông đất, trông mây”, lĩnh vực này cần những dự báo về thị trường cũng như tăng khả năng bảo quản, chế biến sau thu hoạch và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ…
(Còn nữa)