Những ngày cuối tháng 10/2023, thầy giáo Đặng Văn Bằng – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông), vẫn đang “vò đầu bứt tóc” tìm nguồn tài trợ cho bãi tập, sân chơi của học sinh. “Một người bạn học của tôi ở TP.Vinh kết nối tài trợ cho trường 50 tấn xi măng. Nhưng chừng đấy vẫn chưa đủ, vì vẫn còn cát, đá và tiền thuê nhân công…”, thầy giáo Bằng nói.
Nhiều năm nay, kể từ khi lên làm Hiệu trưởng, việc đi xin tài trợ giáo dục cho học sinh trong trường đã quá quen thuộc với thầy giáo Bằng. Gần như mọi mối quan hệ cá nhân cũng đã được thầy tận dụng gần hết. Nhưng, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn còn rất thiếu thốn, đặc biệt là để phục vụ cho việc học của các em.
Trường THPT Mường Quạ có gần 500 em học sinh, đến từ các xã Lục Dạ, Môn Sơn. Tùy từng năm, nhưng hầu hết năm nào cũng trên 94% các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Gắn bó với ngôi trường từ ngày mới tốt nghiệp đại học ở dưới xuôi lên, thầy Bằng kể: Trường được thành lập từ năm 2000. Cơ sở vật chất ban đầu chỉ là 4 phòng học cấp 4 mới xây do vốn đầu tư của huyện, nằm giữa cánh đồng. Nhân dân 2 xã góp vật liệu và ngày công để dựng lên 2 dãy nhà tranh trên nền đất thấp vốn là ruộng của người dân bản Khe Ló.
Sau hơn 20 năm, cơ sở vật chất nhà trường đã cải thiện phần nào, nhưng cơ bản vẫn còn rất thiếu thốn. Khó khăn là vậy, nhưng suốt 7 năm nay, nhà trường chủ trương không thu tiền xã hội hóa. “Phần lớn các em học sinh là con em đồng bào thiểu số, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn nên chẳng nỡ nào thu. Mà có vận động thì có lẽ cũng chẳng được bao nhiêu”, thầy Bằng nói. Để học sinh có được môi trường học tập đầy đủ nhất có thể, Hiệu trưởng Đặng Văn Bằng đã phải tận dụng các mối quan hệ cá nhân để xin tài trợ giáo dục từ bên ngoài.
Đối với những khoản đầu tư lớn, thầy giáo Bằng phải xin từ nguồn ngân sách của huyện. Còn các vật dụng, thiết bị phục vụ trong trường, chủ yếu là xin từ các cá nhân. Dẫn chúng tôi đi tham quan các phòng học, thầy giáo Bằng cho hay, 12 tivi đặt ở 12 phòng học đều xin từ một người bạn học thời cấp 3. Mới đây, 4 cái đã bị hỏng, thầy lại phải tiếp tục đi xin những người khác từng cái một. Còn 20 máy tính thì mới xin của một trường đại học ở Hà Nội.
“Tôi luôn tranh thủ cơ hội để xin cho các em học sinh. Như 20 cái máy tính là khi tôi đi coi thi ở huyện Nam Đàn, gặp các thầy ở trường đại học liền trình bày nguyện vọng và được tài trợ”, thầy giáo Bằng kể. Mặc dù thời tiết mùa hè ở huyện vùng cao rất khắc nghiệt, nhưng phòng của Ban giám hiệu cũng chỉ mới được lắp điều hòa cách đây ít tháng. Đó cũng là món quà tài trợ từ một người bạn của hiệu trưởng Bằng đang công tác ở TP.Vinh.
Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ cũng cho hay, dù đã tận dụng mọi mối quan hệ để xin tài trợ cho nhà trường, nhưng ở đây vẫn còn thiếu thốn nhiều. Không chỉ sân chơi, bãi tập cho học sinh, gần 500 học sinh vẫn còn khao khát nhà học đa chức năng, phòng giáo dục truyền thống. Ngoài ra, căn nhà hiệu bộ đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi lần mưa xuống lại thấm dột nhưng nhà trường cũng không dám vận động từ phụ huynh.
Đã có nhiều hiệu trưởng ở các trường vùng cao Nghệ An tận dụng các mối quan hệ cá nhân để xin tài trợ như thế. Tại xã biên giới đặc biệt khó khăn Tam Hợp (Tương Dương), cứ mỗi dịp đầu năm học, thầy Nguyễn Đình Mận – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Hợp lại dành phần lớn thời gian để tìm cơ hội gặp các đoàn thiện nguyện, xin tài trợ các thiết bị phục vụ việc học cho các em học sinh.
Ngôi trường này chỉ vỏn vẹn hơn 300 học sinh, nhưng do địa bàn cách trở nên có đến 4 điểm trường. Vì vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị là rất lớn. Trong khi nguồn lực của địa phương lại có hạn. Kể về việc chuyện thu xã hội hóa, thầy giáo Mận cho hay, cứ mỗi dịp đầu năm học, nhà trường lên danh sách, dự toán các hạng mục cần xây dựng, sửa chữa rồi gửi cho ban quản lý các bản. Hầu hết đều là các hạng mục nhỏ lẻ, tổng mức đầu tư mỗi năm cũng chỉ khoảng 30 triệu đồng cho toàn bộ 4 điểm trường. Sau đó, ban quản lý các bản tự vận động. Có bản thì vận động toàn dân hỗ trợ, có bản thì chỉ vận động những hộ có con em đang học trong trường. Sau khi vận động được tiền, ban quản lý các bản tự đứng ra xây dựng, sửa chữa rồi bàn giao lại cho nhà trường.
“Về cơ bản Hiệu trưởng vẫn phải đi xin tài trợ ở ngoài, đặc biệt là những thiết bị phục vụ việc học như tivi, máy tính… Sau khi tận dụng hết các mối quan hệ cá nhân của mình, tôi lại nhờ lãnh đạo xã, đồn biên phòng đóng trên địa bàn kết nối giúp”, thầy giáo Mận nói thêm.
Tại huyện Con Cuông, ông Lương Đình Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn có hơn 40 trường học, nhưng kể từ năm 2020 đến nay, không một trường nào thu xã hội hóa. “Chúng tôi cũng không phải là cấm mà chỉ là siết chặt, nhà trường muốn thu phải được huyện phê duyệt chủ trương. Nhưng 3 năm qua, không phê duyệt trường nào cả. Đời sống người dân ở đây vẫn còn khó khăn, đặc biệt là sau dịch Covid-19, nên phải giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh. Ngoài ra, cũng để tránh các nhà trường có ý đồ lạm thu, xảy ra sai phạm. Quan điểm của lãnh đạo huyện là nhà trường chỉ cần lo việc dạy học, tập trung vào chất lượng giáo dục, còn cơ sở vật chất là việc của huyện, của Nhà nước”, ông Việt nói.
Trước mỗi năm học, huyện Con Cuông đều phát văn bản, trong đó, đưa ra nguyên tắc; nội dung, hạng mục kêu gọi tài trợ phải hết sức thiết thực, góp phần giải quyết những ách yếu của nhà trường. Không vận động tài trợ với các công trình đã được đầu tư của Nhà nước hoặc các công trình đã hoàn thành. Khuyến khích UBND các xã, thị trấn, các cơ sở giáo dục huy động đóng góp tự nguyện về ngày công, vật tư, thiết bị, xây dựng công trình theo mô hình “chìa khóa trao tay”; có thể xây dựng kế hoạch vận động tài trợ cho 1 công trình trong nhiều năm để giảm bớt gánh nặng cho người tài trợ trong một thời điểm. Khi vận động tài trợ không được đề ra mức tối thiểu, không được áp đặt, không giao chỉ tiêu cho các lớp; không được vận động gia đình hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa hội phụ huynh để thực hiện lạm thu tại các trường.
Đặc biệt, chỉ được phép thực hiện kêu gọi tài trợ khi được UBND huyện Con Cuông phê duyệt chủ trương. “Ban đầu huyện đưa ra quy định thì cũng có dư luận, nhưng sau đó các trường cũng nhận thấy như thế là đúng. Mình không cho các trường thu, nhưng bù lại huyện phải có trách nhiệm tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường. Ngoài từ nguồn ngân sách, lãnh đạo huyện cũng thường xuyên kêu gọi, vận động từ các doanh nghiệp lớn, các cá nhân thành đạt để tài trợ cho nhà trường. Có nhiều trường vừa rồi được tài trợ từ 5 đến 7 tỷ đồng”, ông Việt kể thêm.
Tại huyện Kỳ Sơn, ông Phạm Viết Phúc – quyền Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 70 trường học, nhưng cũng chỉ có 3 trường đóng trên địa bàn thị trấn Mường Xén là có thu tiền xã hội hóa, nhưng cũng không đáng kể. “Ở huyện Kỳ Sơn không cấm nhà trường thu, mà là do đời sống người dân còn khó khăn quá, các trường muốn vận động tài trợ từ phụ huynh cũng không được”, ông Phúc nói.