Giấc mơ blouse trắng

Hồi nhỏ, mình luôn thích nhìn những y, bác sĩ trong bộ blouse trắng trong ngần. Họ hối hả với công việc, mọi thứ như cuốn họ đi, những ánh mắt chờ đợi của bệnh nhân cứ thôi thúc họ làm việc. Mình đứng nép vào hành lang cấp cứu nhìn những bác sĩ, y tá vội vã giành giật lại sự sống cho người bệnh từ tay của thần chết. Vị bác sĩ ngồi bệt lên ghế thở dồn mà miệng vẫn cười “may quá, vẫn còn kịp”, rồi cả ekip cùng nhau mỉm cười. Hay có lần mình đứng ở một góc hành lang, nhìn vị bác sĩ vừa quay đi môi mắt đã rưng rưng, ở phía sau anh là một người phụ nữ nghèo với đứa con bị bệnh “nhà giàu”.

Đứa bạn học bác sĩ vẫn thường than với mình “chịu hông nổi mày ơi”. Bạn nói đi gặp những cảnh đời nghèo khó mà chẳng biết làm cách nào mà giúp. Bạn kể có một đôi vợ chồng già đưa con đi tháo chi, sau một thời gian dài nằm vì bị bại liệt. Lúc đưa anh vào phòng, cả phòng như lặng đi, bạn cố không khóc thành tiếng. Rồi có lần, bạn điện thoại cho mình mà khóc như đứa trẻ, bạn nói nhìn cảnh người già tiễn người đầu xanh bạn chịu hông nổi. Mình biết bạn sẽ “chịu hông nổi” còn dài (bởi con người đâu tránh được sinh, lão, bệnh, tử). Bạn kể cho mình nghe không biết bao nhiêu chuyện “chịu hông nổi”, chuyện một cậu bé nằm gọn trong lòng bàn tay mẹ lúc bước ra khỏi bệnh viện, chuyện người vợ trẻ vẫn ngồi lay lay người chồng đã không bao giờ mở mắt lại nữa. Bạn kể mà chuyện nào bạn cũng khóc. Và mình thầm cảm ơn vì những cái “chịu không nổi” của bạn. Mình nhìn bạn mắt rưng rưng, người bệnh cần mày…

Mình từng mơ ước trở thành bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo. Những người nông dân ngày ngày chỉ biết cuốc cày, ruộng vườn, có đôi khi viết tên mình còn không được. Mình cũng từng lạc giữa dòng người như vậy. Họ chẳng biết đường tìm đến phòng chụp hình, phòng siêu âm. Họ đứng bơ vơ giữa lòng người dưng chật ních. Nhìn cảnh đó thấy thương đến quặn lòng. Cho nên mỗi khi thấy một chiếc áo blouse trắng nào dừng lại với ánh nhìn bơ vơ, đưa tay chỉ về phía xa xa hay có cô y tá nhìn bà cụ chưng hửng “ủa người nhà bà đâu, thôi để con dẫn bà đi”. Mình đứng nhìn theo bóng dáng của họ mãi…

Ba mắc bệnh suy giáp. Tháng nào mình cũng gặp ông bác sĩ vui tính gặp ai cũng cười “cỡ chú sống hai mươi năm nữa”, “cô mà hết bệnh mấy chú theo dài dài”. Mình còn gặp các cô y tá đứng trước cửa phòng cứ dạ dạ vâng vâng nhẹ nhàng hướng dẫn cho những cụ già chậm chạp. Tự nhiên lúc đó bạn thấy ấm lòng đến lạ. Hóa ra, những lúc bạn gặp cảnh nạt nộ, cộc cằn chỉ nằm ở một số ít người. Vẫn còn rất nhiều người như cô y tá, như ông bác sĩ khám cho ba, như đứa bạn học y “chịu hông nổi” của mình.

Có lần mình bị gãy chân nằm bệnh viện, mình nằm giữa những phận người khác nhau. Những vị bác sĩ, y tá vẫn nở nụ cười dù bạn là ai. Họ dừng lại biết bao nhiêu giường bệnh, hỏi han, chăm sóc. Lúc đó mình thấy lòng mình vơi đi những cơn đau. Thì ra, bệnh viện cũng không phải là cái gì đó quá đáng sợ như người ta nghĩ. Bởi, hơi ấm tình người vẫn sưởi ấm lòng nhau.

Mỗi lần mình nhìn thấy chiếc áo blouse trắng đi qua, mình lại nôn nao nhớ về giấc mơ ngày bé. Dù giờ đây mình không làm bất cứ cái gì liên quan đến ngành y nhưng tình yêu dành cho nó vẫn không bao giờ vơi cạn. Đứa bạn mình ra trường, mình vẫn đùa “mày gánh thêm một giấc mơ”. Và mình tin rằng sẽ chẳng có sự đổ vỡ nào giữa mình và bạn, vì những thứ “chịu hông nổi” đó sẽ theo bạn suốt cuộc đời. Mình thì sẵn sàng lắng nghe bạn, dù bất cứ chuyện gì…

Kỹ thuật: Chôm Chôm