Phía trước là nhà

Một đêm mưa, tôi trở về nhà trên chiếc xe ôm công nghệ sau một bữa tiệc đã ngà ngà cơn say. Mưa muộn buốt lạnh. Những hạt mưa rơi nghiêng, quất ràn rạt vào mặt tê tái. Ánh đèn vàng phả vào màn mưa cái thâm u mờ ảo. Phía trước cứ ẩn hiện theo làn nước lúc rõ lúc nhòe. Chàng trai trẻ tài xế đề nghị tấp vào mái hiên trú vội.

Chàng trai trẻ nói giọng trọ trẹ đặc sệt miền Trung. Vào Sài Gòn trọ học cũng long đong theo nhiều công việc làm thêm, cuối cùng chọn cái nghề xe ôm công nghệ để thuận tiện thời gian học hành. Ngày thư thả thì được bốn năm trăm ngàn. Ngày nào ế chút thì cũng tầm hai trăm. Thị thành đâu dễ sống, bám víu vào đây mà học để ước mong sau này đổi đời, cho cha mẹ ngoài quê đỡ cực. Phía trước của từng vòng bánh xe là tương lai, là quê, là nhà nên cứ an toàn cho mình mà cũng cho khách. Mưa vẫn đều đặn gõ nhịp trên mái tôn nơi chúng tôi đứng trú. Chẳng hề gì cả, bởi như cậu tài xế trẻ nói, chúng tôi còn có phía trước.

Nhưng đâu phải ai cũng thấy được phía trước từng vòng xe mình chạy là đường về nhà. Thoảng khi chúng ta đọc được các thông tin trên báo đài, các trang mạng xã hội, vẫn nghe những thống kê tai nạn giao thông sau một kì nghỉ lễ, hoặc dịp tết thiên hạ rồng rắn nẻo đường về nhà ăn tết. Những con số làm cho niềm vui cũng vơi đi. Sự vội vàng trong một khúc cua, sự lấn làn trong những cái siết tay ga lao vút. Tất cả đều muốn nhanh, chẳng ai chịu chậm lại giữa những con đường ngược xuôi xe cộ. Ai cũng tranh nhau một đích đến mau chóng. Chính là lúc ấy, chúng ta chậm đi cả cuộc đời.

Hay như chúng ta cứ giữ thói quen “tới bến” trên bàn nhậu, sự ép uống, sự kiêng nể và cả chứng tỏ “bản lĩnh” nhậu, để rồi đường về chệnh choạng cơn say. Hơi men luôn đem đến một sự kích thích chẳng hề nhẹ cho những vòng xe vun vút trên đường. Đầu tháng 6, một tai nạn thương tâm tại Bắc Giang bởi tài xế ô tô có nồng độ rượu quá mức cho phép 1,5 lần đã gây ra một sự việc chấn động xã hội. Chính sự thương tâm và hậu quả khủng khiếp ấy đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh việc làm chủ tốc độ. Cũng là trên con đường về nhà, nhưng phía trước vòng xe lăn bánh ấy có những con người mãi mãi chẳng thể về nhà.

Trên mọi nẻo đường đất nước, hằng ngày có muôn triệu vòng xe lăn bánh, có muôn triệu con người cầm lái để đi và về, tựu trung vẫn là một ý thức dành cho phía trước các vòng xe ấy. Nếu biết còn có một mái nhà với vòng tay cha mẹ chờ, với sự yêu thương của vợ chồng, với niềm đón đợi của con trẻ, với rất nhiều điều đáng để chúng ta cẩn trọng, tiết chế và sống tiếp, thì ắt hẳn những vòng xe lăn bánh luôn đặt trong tâm thế an toàn để về nhà.

Chặng đường đi về ngày hai buổi của tôi là khoảng 20km. Sáng sớm má tôi luôn ra tận cổng để chờ bóng tôi khuất đầu con hẻm mới quay vào khép cửa nhà. Những hôm tôi về muộn, má vẫn luôn thức đợi. Đèn ngoài hiên nhà má mở sáng, má nằm võng đong đưa, tay vẫn luôn cầm điện thoại. Má thuộc lòng cả tiếng xe tôi. Chỉ cần tôi dừng nơi cổng nhà đã nghe tiếng leng keng của chìa khóa má tra vào cổng. Má luôn đợi như thế dẫu hơn 20 năm đứa con má biết chạy xe và bôn ba cuộc mưu sinh. Với má khi con mình trở về nhà sau một ngày quăng quật ngoài đường, đó mới là bình an. Mà tôi tin, mọi bà má trên thế giới đều mong chờ con mình trở về nhà trong nỗi niềm như thế.

Vậy nên, phía trước những vòng xe lăn bánh, tôi luôn nghĩ về ngôi nhà và má. Bởi tôi biết, yêu thương nằm trong trái tim, nhưng sự bình an nằm ở trên tay lái. Mọi vòng xe lăn bánh trên khắp đất nước mình, tôi nghĩ phía trước luôn có một căn nhà và người đang đợi. Chỉ là chúng ta nhìn thấy điều này sớm hay muộn mà thôi!

Bài: Tống Phước Bảo
Ảnh minh họa: Tư liệu