Trong một bộ phim tài liệu có tên Our planet (Hành tinh của chúng ta) có một đoạn về Chernobyl, nơi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 khi nhà máy điện hạt nhân bị nổ. Vụ tai nạn đó được đánh giá là tai nạn trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân. Điều kì lạ nhất là sau hơn 30 năm bị bỏ không, và theo đánh giá của các nhà khoa học thì nó sẽ không thể là nơi con người có thể sinh sống trong vòng 20 nghìn năm, thì nơi này những năm qua đã trở thành một minh chứng đặc biệt cho sức tái sinh ghê gớm của tự nhiên. Những cái cây đã mọc lên xanh um vượt quá cả nóc nhà ba bốn tầng, cả thị trấn biến thành một khu rừng. Hơn thế, các loài động vật hoang dã từ lúc nào đó đã xuất hiện, sinh sôi nảy nở, tung tăng đi lại. Trong đó thậm chí có những loài nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng. Những người làm phim nói rằng, con người bỏ đi thì thiên nhiên sẽ trở lại. Khi viết những dòng này tôi cảm thấy gai người. Chernobyl là một bằng chứng về việc nếu chúng ta không động đến thiên nhiên, cứ để nó được an toàn tồn tại theo cách của nó, thì thiên nhiên sẽ tự tái sinh trong bất kể hoàn cảnh nào.
Hãy thử hình dung xem trong vòng 20 nghìn năm nữa, không cần, chỉ cần 100 năm thôi, con người không dám bén mảng tới Chernobyl, và thế là khu rừng này rất có thể sẽ là nơi trú ngụ an toàn cuối cùng trên trái đất cho các loài hoang dã. An toàn hơn cả trong sở thú. Chuỗi thức ăn sẽ được tái lập, một cách hoàn chỉnh, theo cách mà trái đất đã được tạo ra.
Những ngày này, vẫn chưa có kết luận chính xác về nguồn lây nhiễm Sars-CoV-2, nhưng nhiều giả thuyết đặt ra về việc có liên quan đến nạn giết mổ, buôn bán, ăn thịt động vật hoang dã. Các nhà khoa học đã đúc kết, những dạng thức lây nhiễm vẫn thường xảy ra khi có những tiếp xúc gần giữa người và vật, nhất là tại những khu chợ bán thịt động vật gồm cả vật còn sống lẫn thịt giết mổ. Ví như virus Ebola lây nhiễm từ dơi và những con linh trưởng không phải người, virus MERS lây từ lạc đà, SARS lây từ cầy hương.
Và những ngày chúng ta ở nhà, không ra đường, liệu có ai nghĩ rằng những con chim sẻ vốn nhảy lách chách trên những mái phố hay hàng cây sẽ cảm thấy an toàn hơn? Từ khi nào mà môi trường sống của tất cả các loài vật trong thiên nhiên đều rơi vào tình trạng mất an toàn, thậm chí báo động khẩn cấp?
Dừng can thiệp thô bạo và không giới hạn vào thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, đó chẳng phải là cách bảo vệ tốt nhất cho sự bền vững của trái đất sao?