Tổ quốc không bỏ quên bất kỳ ai

Trong điều kiện bình thường lòng người có thể bị khuất che sau những toan lo bộn bề. Cũng có thể nó bị khuất che bởi lớp ngụy trang bề ngoài nhuốm màu quân tử. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn xuyên thấu lòng tốt của người quân tử hay tâm địa xấu xa của kẻ tiểu nhân. Trong điều kiện bình thường thì “thước nào đo được lòng người”. Chỉ khi gặp sự cố thì “lòng người” mới lộ diện, lúc ấy thì không cần “đo”, cũng không nên đo nữa. Như lời một câu ví giặm xứ Nghệ: “Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau”.

Những ngày qua cả thế giới đứng đầu là Trung Quốc đang lâm vào “cơn hoạn nạn” mà trước đó chỉ vài tháng thôi có lẽ không một ai trong hơn 7 tỷ người trên cái hành tinh xinh đẹp và sôi động này có thể tưởng tượng nổi. Quá sốc và quá khủng khiếp! Đã hơn 1 tháng kể từ khi sự nguy hiểm do chủng mới của virus Corona được điền tên lên bản đồ chống dịch toàn cầu. Những câu chuyện, những con số, những nỗi đau và cả sự hoang mang cứ chất dày lên cùng thời gian. Và trong cơn hoạn nạn ấy, chan cùng với nước mắt là tình người bắt đầu hiện lên. Khác hẳn với bất kỳ một cuộc khủng hoảng nhân đạo nào trước đó, những chuyến bay đến Vũ Hán không chỉ đơn thuần là bao nhiêu viên thuốc hay ngần nào cái khẩu trang mà là sự dũng cảm, lòng trắc ẩn và cao hơn hết là tình người.

Trong rất nhiều chuyến bay đến và đi ấy, có ít nhất 2 chuyến bay cất cánh từ Việt Nam. Một chuyến hỗ trợ chở những người Trung Quốc hồi hương và một chuyến chở hàng viện trợ cho nước bạn sau đó vận chuyển người Việt Nam về nước. Ai đó từng nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng, ừ nhỉ, không sai. Nhưng không so sánh thì làm sao nhận ra sự khập khiễng, mà nhận ra sự khập khiễng thì đâu phải là vô bổ! Tác giả bài viết này không có ý định so chúng ta với ai cả, là cư dân mạng “tự ý” so sánh thôi. Mấy ngày vừa qua cộng đồng mạng và báo chí không chỉ trong nước mà cả nhiều trang mạng từ nước ngoài đều dành phần trang trọng nhất của mình để đưa tin một cách đầy thiện chí về việc Nhà nước Việt Nam tổ chức đưa công dân của từ tâm dịch Vũ Hán về nước. Ghi nhận đến thời điểm này thì Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên có động thái bảo hộ công dân một cách rõ ràng, thiện chí và dứt khoát đến như vậy. Không ít những lời lẽ tốt đẹp đến từ khắp năm châu dành cho người Việt, tinh thần Việt, tình cảm Việt.

Cách đây mấy ngày tôi còn đọc được đâu đó, ở đất nước nào đó đắn đo việc thu tiền vé của những người có nhu cầu hồi hương từ tâm dịch. Đặc biệt còn có cả những nơi mà người ta mang cả máy xúc ra biểu tình đòi chặn đường người từ vùng dịch trở về. Tạm thời chúng ta không bàn đến đúng sai, có thể đây là sự khác nhau trong quan niệm, trong ứng xử giải quyết và cuối cùng là trong hành động thế thôi. Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng biết là trong nhóm 15 người phi hành đoàn trên chuyến bay ấy là những người đã được “ưu tiên” chọn lựa trong hơn 100 lá đơn tình nguyện. Hãy nghe những tâm sự của vợ anh Đỗ Tùng Lâm (sinh năm 1984), kỹ sư tổ máy bay A321/330 của Vietnam Airlines, rằng: “Vì công việc, nhiệm vụ, mẹ con em không ngăn cản anh, chỉ mong anh hết sức cẩn thận”. Đấy chính là tinh thần người phụ nữ Việt Nam, tấm lòng quả cảm và sâu đậm tình người, cái mà không phải bất kỳ một quốc gia hay dân tộc nào trên thế giới này cũng có được.

Cách đây 9 năm chúng ta cũng đã từng đưa hơn 10.000 lao động Việt Nam trở về từ vùng chiến sự Lybia. Còn nhớ tháng 2/2011, nội chiến nổ ra ở Libya. Đến ngày 24/2 thì Lybia bắt đầu mất kiểm soát. Ngay hôm đó, Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân Việt Nam tại Trung Đông và Bắc Phi. Ngày 28 tháng 2 năm 2011, hơn 8.000 lao động Việt Nam di chuyển gấp rút khỏi Libya, khoảng 4.600 người đã sơ tán sang các nước thứ ba là Ai Cập. Đêm 28/2, đoàn công tác đặc biệt của Chính phủ đã đáp chuyến chuyên cơ đầu tiên rời Hà Nội, mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men tới Cairo (Ai Cập) nhằm ứng cứu kịp thời, đưa ngay số lao động ở đây về nước. Những chuyến bay giải cứu công dân được bắt đầu từ ngày 1/3/2011. Kết quả, hơn 10.000 lao động Việt Nam mắc kẹt trong bạo loạn tại Lybia đã trở về an toàn trước sự thán phục và ngỡ ngàng của cả thế gới. Không so sánh, nhưng chúng ta có quyền đặt câu hỏi có bao nhiêu quốc gia trên thế giới làm được như Việt Nam?

Trước đó nữa, cách đây tròn 30 năm trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh (1990) hàng chục ngàn lao động Việt Nam ở khu vực này rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng. Khi đó, thông tin còn hạn chế, đất nước còn khó khăn nhưng một chiến dịch sơ tán cũng đã được Chính phủ triển khai thành công cho hơn 17.000 lao động Việt Nam tại Iraq về nước. Và mới đây thôi, năm 2019, khi 39 người di cư bất hợp pháp chết ở Anh, đất nước lại một lần nữa dang tay đón những người con xấu số của Tổ quốc về an nghỉ trong lòng đất mẹ.

Không một chút toan tính, không một chút so đo cò kè thiệt hơn. Hành động bảo hộ người dân là mệnh lệnh đối với Tổ quốc. Thế đấy, trong cơn hoạn nạn nhiều mới nhận ra rằng Tổ quốc không bỏ quên, lại càng không bỏ rơi bất kỳ ai. Điều ấy, tinh thần ấy những ngày qua đã và đang lan toả ra hàng triệu người, hàng triệu tấm lòng. Với tinh thần truyền thống ngàn đời “Lá lành đùm lá rách”; “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”… Những chiếc khẩu trang được phát miễn phí, những quả dưa hấu được mua giải cứu và cả những giọt máu đào được hiến dâng. Tất thảy những điều ấy càng làm đẹp thêm, gắn chặt thêm tình thân ái cộng đồng và đó là cội nguồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là truyền thống Việt nam, tinh thần Việt Nam và cũng là sức mạnh Việt Nam.

Kỹ thuật: Chôm Chôm