Chửi

CHỬI

Thật buồn cười nếu nghe ai nói chửi cũng là một nghề! Tuy nhiên, thực tế chửi không chỉ “ho ra bạc khạc ra tiền” mà còn là một loại vũ khí phi vật thể có khả năng sát thương cao. Người Trung Quốc xưa khi xung trận còn chọn ra những binh sĩ có buồng phổi to, tiếng nói khỏe và đặc biệt là có “kiến thức” về những câu chửi bới thô lỗ nhất. Cánh quân ấy chuyên ra trận để… chửi bên địch. “Sư đoàn” này được phong một danh hiệu khá lạ lùng là “mạ thủ”. Mạ thủ chỉ chuyên chửi bới, thóa mạ kẻ địch. Chửi cho sướng miệng mình và vui dạ tướng chỉ huy… Những ai đã từng đọc tác phẩm văn học kinh điển “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung chắc rất nhớ đoạn Gia Cát Lượng chửi Tư Đồ Vương Lãng đến thổ huyết mà chết.

Lại nói chuyện chửi ở xứ mình, chửi để… xóa đói, giảm nghèo lạc hậu rồi, giờ chửi để làm giàu! Điển hình cho câu chuyện càng nói càng ngượng này chính là món “bún mắng, cháo chửi”, hay còn có các tên khảo dị khác như “phở chửi”, “bún quát”, “ốc lắm mồm”… Đây là câu chuyện có một không hai ở Việt Nam và cũng là có một không hai trong… hệ mặt trời! Khách đến ăn là chửi, càng chửi càng… đến ăn! Các nhà văn hóa càng nghiên cứu càng mù tịt, càng mù tịt càng bị chửi. Các nhà quản lý càng nỗ lực dẹp bỏ càng bế tắc, càng bế tắc càng… chửi! Dân gian có câu “miếng ăn là miếng nhục”, vậy mà giữa Thủ đô, nơi cư trú của thứ cư dân tao nhã mang danh ba tiếng “ngài Tràng An” mà ngày ngày vẫn dẫn  xác đến để cắm đầu vào bát bún nghe chửi. Thậm chí, bún chửi được cư dân vỉa hè đối xử như một thứ bản sắc văn hóa độc đáo của “thành phố vì hòa bình” nhằm “kích cầu du lịch”. Một số hướng dẫn viên tự phát còn dẫn cả khách nước ngoài đến thưởng thức! Cũng may cho mấy vị khách hồn nhiên kia, thợ chửi Hà Nội chưa kịp cập nhật bản tiếng Anh! Mà phiên dịch thì lại bó tay với mớ từ điển chỉ nghe thôi cũng đủ làm tăng huyết áp.

Một nhà nghiên cứu đã từng nói về “Sự đồng thuận đến khó hiểu của khách hàng, họ không tẩy chay các hàng quán mắng chửi mình, trái lại còn tỏ ra thích thú và tò mò đến ăn để xem chủ quán chửi thế nào. Khách hàng có thể chờ hàng giờ, tự phục vụ, đứng hay ngồi la liệt để có cái ăn”. Hay thật, nghe chửi cũng phải bỏ tiền ra mới được thưởng thức cơ đấy! Cũng may Tư Lãng bị chửi chết rồi chứ không ra Hà Nội gọi bát bún xong lại thổ huyết thêm lần nữa.

Tuần trước một vị nhà sư đã bị bắt vì tội bạo hành trẻ em. Đến các vị tu sĩ mà không cai được chửi thì có lẽ với “thảo dân” chúng ta chửi là chuyện nhỏ xíu. Liệu có ai dám nhận rằng mình chưa bao giờ chửi hoặc bị chửi? Tất nhiên là không rồi! Không ngoa khi nói chửi là một phần tất yếu của cuộc sống. Chửi cũng là một cách chỉ trích lên án và chửi cũng có tác dụng xả vơi những bực dọc trong đời thường cá nhân, giải nén các xung đột dưới dạng tiềm năng của cộng đồng. Tôi rất thích mấy câu thơ của Nguyễn Sĩ Đại trong bài “Nông dân”:

“Tôi đã thấy thằng Bờm và mẹ Đốp
Còn sống chung với Bá Kiến Chí Phèo
Con gà mất chửi ba ngày quyết liệt
Con gái gả chồng cả xóm có trầu vui”.

Vâng, tiếng chửi thổi hồn vào lũy tre, có lẽ không có cái chửi nào đáng yêu hơn thế! Tuy nhiên, ngày nay cái sự chửi đã tiến những bước dài khủng khiếp. Công cụ hữu hiệu nhất ngày nay có lẽ là mạng xã hội. Muôn hình vạn trạng, chửi kiểu thâm nho có, chửi kiểu tục tĩu có và chửi như không chửi thì vô cùng nhiều! Bất kỳ một vụ việc hay thậm chí cả một chính sách nào đó vừa ló bản thảo ra ngoài là lập tức hứng cơn chỉ trích! Mà dân mình cũng lạ kỳ, ai đó đưa kèn ra công viên thổi một bản nhạc du dương êm tai thì bĩu môi bảo là hâm, nhưng 2 bà hàng cá chửi nhau thì xúm xít lại nghe cho bằng được! Trên mạng cũng thế, một tấm gương điển hình tử tế thì thưa thớt quan tâm, nhưng chỉ một viên phấn sơ ý của giáo viên ném xuống học trò là lập tức “triệu lai”, “ngàn chia sẻ”, cùng với đó là vô số những ngôn từ có tính sát thương đính kèm! Có kẻ chửi cho đã, có kẻ chửi để khoe vốn từ, và cũng có kẻ chửi để cho vui, chửi ké, chửi mướn, chửa a dua… có tất. Còn nhớ năm ngoái, một tiến sĩ văn học “lỡ dại” chọc phải ổ kiến lửa bằng một phát ngôn thiếu cân nhắc đã nhận mưa từ. Rồi một vị giáo già công bố công trình cải cách tiếng Việt cũng bị nhét vào tai vô vàn ngôn từ ô nhiễm thính giác. Rồi chuyện cái lon, cái lu nữa, đúng là “chửi cho lút mặt, lút mũi”! Ví dụ về chửi trên mạng thì  cả năm cũng không hết, mà biết đâu sau khi bài viết này công bố, tác giả lại được các nghệ nhân chửi dạy cho vài ba bài học thực hành!

Trung ngôn nghịch nhĩ, đôi khi lời nói thẳng chưa hẳn đã dễ nghe. Và cũng đôi khi những lời góp ý có chút cường điệu cũng bị quy cho là chửi! Không thể không có chửi! Một cộng đồng mà mỗi tiếng chửi đều bị coi là kẻ thù thì cộng đồng đó đã đến hồi cáo chung. Tiếng nói phản biện đôi khi phải được biến tấu mới đủ độ sắc để thấm được đến tai người cần nghe. Nói mãi rồi, không chửi không được ấy chứ! Chửi là một cách biểu hiện thái độ. Thật hiếm người chưa bao giờ chửi ai mà là người có tinh thần đấu tranh phê bình. Chửi là một phản xạ của cảm xúc, đôi khi chính chúng ta cũng không nhận ra chúng ta đang… chửi. Ở góc độ xã hội, chửi có khi cũng làm giảm đi những bức xúc của cộng đồng và nó cũng góp phần làm cho người vinh dự bị chửi sớm tỉnh ngộ. Chương trình Táo quân không chửi ai nhưng cũng thấm đấy chứ nhỉ! Rồi câu chuyện thu phí, thu giá, rồi câu chuyện đường sắt trên cao, rồi câu chuyện nhà thầu cao tốc Bắc – Nam… tất tần tật đều bị đưa lên “sàn” với vốn từ vựng hằn học có vẻ áp đảo. Một phát biểu nào đó của ai đó không cẩn thận là bị suy diễn, bị quy chụp, thậm chí bị cắn xén để… chửi! Chửi bằng bàn phím, chửi bằng hội họa và cả chửi cả bằng âm nhạc. Chửi để tăng… like!

Vấn đề không phải là chửi hay không chửi, mà là ai chửi, chửi ai, chửi lúc nào và nội dung chửi ra sao. Tôi nhớ một facebooker nổi tiếng xứ Nghệ đã từng có bình luận rất hay, đại ý, chúng ta đã thành công trong việc xóa nạn mù chữ rồi, có lẽ cũng đã đến lúc tập trung mọi nguồn lực để tiến tới xóa nạn mù… chửi!