May

May thật. May mà người ta chưa xây dựng bộ chỉ số đánh giá về mức độ hưởng thụ may mắn chứ không thì sẽ rất khó khăn cho người Việt chúng ta trong việc tìm ra đối thủ xứng tầm. Ai không tin thì cứ test thử mà xem, làm gì có nơi nào trên cái hành tinh xinh đẹp này khai quật được nhiều may mắn như là xứ mình!

Hồi đầu năm, tại giải bóng đá U23 châu Á, với biệt tài cầm quân cùng những chiến thuật ma mãnh đến quái dị, thầy trò Park Hang-seo đã tạo nên cơn địa chấn mang tên túc cầu. Một chiến thắng hoàn toàn nằm ngoài mọi phân tích cũng như dự đoán trước giải đấu. Dù được người hâm mộ cả châu lục nghiêng mình thán phục thì hình như vẫn sót ít nhất một vị huấn luyện ao làng nhà ta “nổ” rằng: “Ngoài yếu tố chiến thuật, phong độ và tinh thần của cầu thủ thì đội tuyển cũng có không ít may mắn”.

Tất nhiên rồi, nếu không tồn tại sự may mắn thì chả chỉ riêng gì thể thao mà mọi thứ trên đời này còn gì là cảm xúc nữa. Thưa ông, không có may mắn thì chắc gì ông đã được lên ti vi mà chém gió loạn xạ như vậy ạ. Đời không tước đoạt cảm xúc của ai, cũng đừng ai tước đoạt cảm xúc của đời. Quá trớ trêu nếu mà mọi nỗ lực trong cuộc sống kể cả tiền bạc, tình yêu thậm chí cả cơ hội cũng liên tục bị “dội xà ngang” như bóng đá, nhưng khi ranh giới giữa thành công và thất bại mỏng đến một phần ngàn cái lưỡi dao lam thì đừng nhẫn tâm đến mức coi may mắn là sự ban phát xa xỉ.

Nói đến chữ may tự nhiên lại liên tưởng đến một sự kiện còn nóng hôi hổi, chính xác là chỉ cách đây mấy chục tiếng đồng hồ. Vào lúc 15 giờ 30 ngày 2 tháng 10 năm 2018 tại thủ đô Paris nước Pháp, hai chiếc xe hơi mang nhãn hiệu Vinfast của Tập đoàn Vingroup đã hùng dũng lăn bánh lên kệ, chính thức ghi danh Việt Nam vào bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới. Người ta ồ lên vì sự sang trọng tinh tế của mẫu xe tuổi đời non trẻ nhất triển lãm. Và trong tiếng cảm thán khá đồng thanh ấy không khó nhận ra chất giọng của một số người thuộc diện may mắn.

Tôi không nói đến những vị chủ nhân của tập đoàn. 2 đứa con song sinh trống mái mang dáng dấp thiên thần đầu tiên ấy là sự kết tinh mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và khát khao của họ. Họ xứng đáng được nhận thành quả. Không thể vung lưỡi nói là họ may mắn như ông thầy đồ bóng đá mà chúng ta trích dẫn ban nãy. May mắn lần này đổ nghiêng về phía những nhà quản lý cơ, hình như là bộ Công thì phải. Không cần tinh ý cũng có thể phát hiện ra một quả sung vừa rụng trúng miệng của người háu đói. Ừ, may mắn quá chứ lỵ.

Suốt mấy chục năm ròng ôm khư khư hàng loạt chính sách ưu đãi mang tên “công nghiệp ô tô” để gia công lắp ráp và bán thuê cho các hãng xe nước ngoài. Tưởng rằng cái “bài vị” ấy đến hồi “bể oi” rồi thì bỗng nhiên Vinfast ra đời. Không nhận thấy dấu hiệu nào của sự thai nghén trước đó. Không hô hào, không ném đá dò đường, đột ngột và thần tốc đến khủng khiếp. 360 ngày cho một nhà máy sản xuất ô tô kể từ khi xây bờ rào cho đến chiếc xe đầu tiên lăn bánh ra sân chơi thế giới. Không hề là câu chuyện thần thoại – những gì Vingroup đã làm không chỉ mang đến sự ngỡ ngàng cho danh thủ David Beckham lẫn khán phòng chiều mùng 2 tháng 10 mà là ngỡ ngàng cho cả thế giới.

Vâng, may, may quá, không có cú đi bóng solo xuất thần này thì có lẽ ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chỉ còn là cái tên gọi vô hồn trong các bản kiểm điểm nhẫy bóng những nguyên nhân khách quan mà thôi! May đến thế là cùng. Sự kiện này giống như bàn thắng vàng ở giây bù giờ cuối cùng trong trận chung kết World Cup. Hú vía, dẫu sao thì bộ Công vẫn có… công! Không là công thật thì cũng là công… trạng!

Nói về ăn may, người Việt mình có câu ngạn ngữ cực kỳ thông tục “Chó ngáp táp phải ruồi”. Tất nhiên đây là câu cửa miệng xuất xứ từ cái thủa mà chó cũng còn phải “tự cung tự cấp” thức ăn cơ, cái thời mà con ruồi cũng được coi là đặc sản khoái khẩu của chó ấy. Ẩn ý của câu này là chỉ những trường hợp chả tài cán hay nỗ lực gì, chỉ đơn thuần may mắn mà nên chuyện.

Trở lại với chữ may, phải nói đây là một trong những từ “dễ trồng” nhất. Không kén giống, không thiếu đầu ra và đặc biệt là chịu được “sâu bệnh”. Chữ “may” với người Việt không chỉ được dùng trong các trường hợp “táp được ruồi” mà phần nhiều nó được dùng trong trường hợp tránh hoặc hạn chế được một rủi ro nào đó mà thôi.

“May” như một công cụ an ủi, một không gian lùi giả định cho bao mảnh đời éo le. Hãy tưởng tượng một chiếc xe vượt ẩu làm bao kẻ tá hỏa nhưng không ai nói là rủi ro cả, thậm chí còn sẵn sàng thừa nhận “May quá, không đứa nào bị tai nạn”. Kể cả trường hợp đã bị tai nạn dù đó là một tổn thất rất rõ ràng thì người Việt mình vẫn biết cách an ủi, “may mà chỉ bị thương phần mềm”. Nhưng đến mức bị tai tạn nguy kịch, tàn phế suốt đời thì sao? Ồ, “may mà không chết”! Chưa hết, năm trước một chị buồn chuyện gia đình buông mình xuống sông, nạn nhân sau đó lên “ngồi sau nải chuối” cả tuần rồi mà vẫn có người tìm cách an ủi rằng, “May mà tìm thấy xác”. Kẻ khác thì “may mà đưa tang trời không mưa”. Kể cả trời mưa chăng nữa thì vẫn có thể “may mà chết vào ngày hoàng đạo” vân vân và vân vân. Tôi có ông bạn bị mất ví mà vẫn khẳng định như đinh đóng cột là “Quá may mắn vì chiều qua vừa rút ra gần hết tiền giao cho vợ”. Lạ là, chỉ một tháng sau đó kẻ gian lại thó của anh chiếc ví thứ hai. Lần này thì mười mấy triệu bạc tích cóp đội nón ra đi, tưởng anh sẽ buồn mà “tự kỷ” nhưng không, anh vẫn hồn nhiên tuyên bố, “May quá! Của đi thay người. Của tán tài ngài bình yên”.

Ơ, cũng có lý! Ừ nhỉ, tại sao chúng ta lại phải chôn mình trong cái án phạt sầu não khi vẫn còn lối ra cho tinh thần lạc quan? Cuộc sống vẫn hào phóng và đều đặn mang đến cho ta bao nhiêu là may mắn cơ mà. Với tinh thần “trong cái rủi lủi thủi có cái may” ấy, tại sao chúng ta lại chì chiết thay vì coi vụ phát hiện gian lận điểm thi đại học vừa qua là một sự may mắn của ngành giáo dục? Không mỉa mai lắm đâu, nếu tổ hợp các vụ ăn điểm trót lọt thì “vận đen” còn kéo đến bao giờ? May mà có nó mới vén ra một phần mặt trái của bảng thành tích mà người ta đã tô vẽ hào nhoáng về kỳ thi “hai trong một”. Tất nhiên với ngành giáo dục tôi nghĩ còn nhiều cái may khác nữa cơ. Ví như may mà “công nghệ giáo dục” 40 năm vẫn còn thí điểm. May mà Bộ không khuyến khích viết đáp án vào sách giáo khoa để chỉ sử dụng một lần. May mà dự án sữa học đường rất là… tự nguyện! Và quan trọng là may mà Bộ có tinh thần “làm quyết liệt, làm tới cùng, làm khách quan, tuyệt đối không có vùng cấm”. Kể cả những lĩnh vực khác nữa, nào đâu có kém may mắn. May mà vụ thuốc ung thư giả được phát hiện sớm. May mà em bé bị cưa chân đậu đại học. May mà nhiều vị vừa bị đưa vào lò sau khi đã nghỉ hưu…

Thế, cứ thế, không mất một đồng chi phí, sao không tìm một cách nào đó để an ủi? Nó có thể không làm chúng ta bớt buồn nhưng có thể nó cũng không làm chúng ta đau thêm! Ở đời đôi khi cái may của kẻ này lại là cái rủi của người kia. Một cơn mưa rơi xuống, người trồng lúa mỉm cười còn người làm muối lại rưng rưng.

Thật khó để “nhất thể hóa” những bất công của tạo hóa. Nhưng, nếu sống có trách nhiệm, sống có kiến thức, sống có ý thức chắc chắn chúng ta sẽ bớt đi việc dùng chữ may để an ủi cho bao điều đáng tiếc. Năm ngoái có một người đàn ông xấu số đưa bom ra vỉa hè Hà Nội ngồi cưa. Bom nổ! Kẻ sống sót tổ chức liên hoan, lý do không phải chỉ vì thoát chết mà là vì nếu không có vụ nổ ấy thì cả thế giới chả ai biết rằng giữa cái không gian “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, đường tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô” lại có người đưa bom về cưa ròng rã mấy năm trời! May thế, may đến xé lòng.